Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20-10-2024
0-10-2024
Viêm gan siêu vi B là bệnh nhiễm trùng do virus HBV tấn công gan
Thứ bảy: 16:28 ngày 26/08/2017

(BTN) - Hỏi: Nữ, 28 tuổi, nhân viên phòng xét nghiệm, thường xuyên tiếp xúc với mẫu máu, nước tiểu và dịch tiết khác của người bệnh, nguy cơ cao lây nhiễm viêm gan B nhưng vì nhiều lý do, tôi chưa tiêm ngừa bệnh này. Tôi đang có thai 6 tuần, xin hỏi bác sĩ tôi có thể tiêm ngừa viêm gan B được không?

Một bạn đọc

Ðáp: Viêm gan siêu vi B (gọi tắt là viêm gan B) là bệnh nhiễm trùng do virus HBV tấn công gan, gây viêm gan cấp tính, mạn tính, và biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan. Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về tỷ lệ nhiễm cũng như số người nhiễm viêm gan B. Tỷ lệ hiện mắc viêm gan B ở Việt Nam rất cao, chiếm 10-20% dân số chung.

Viêm gan B lây lan qua tiếp xúc với máu và dịch tiết cơ thể của người bệnh. Do đó, viêm gan B được xem là một mối nguy nghề nghiệp quan trọng đối với nhân viên y tế. Tất cả nhân viên y tế, đặc biệt là người thường xuyên tiếp xúc với máu và dịch tiết khác có nguy cơ cao lây nhiễm HBV, rất cần được tiêm ngừa viêm gan B đủ 3 liều. Vắc-xin ngừa viêm gan B có hiệu quả 95% phòng ngừa lây nhiễm HBV và các biến chứng nguy hiểm của viêm gan B như xơ gan và ung thư gan.

Người mẹ viêm gan B có thể lây nhiễm HBV cho trẻ vào lúc sinh hoặc ngay sau sinh. Khoảng 90% số trẻ sơ sinh nhiễm HBV sẽ trở thành người nhiễm HBV mạn tính, và 25% số trẻ này có nguy cơ tử vong vì xơ gan hoặc ung thư gan khi đến tuổi trưởng thành.

Dù an toàn cho thai nhi, vắc-xin ngừa viêm gan B có thể chỉ định đối với một số phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc viêm gan B, như trường hợp của bạn, nhưng không khuyến cáo tiêm ngừa thường quy cho tất cả phụ nữ mang thai. Trước khi tiêm ngừa viêm gan B cho bạn, bác sĩ sẽ đánh giá xem bạn đã có miễn dịch với HBV chưa bằng xét nghiệm sàng lọc anti-HBc và HBsAg (nếu cần).

Tóm lại, vì thuộc nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HBV nên bạn cần tiêm ngừa viêm gan B càng sớm càng tốt, ngay lúc này hoặc bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, để bảo vệ bạn và đứa con sắp ra đời. Bạn có thể đến Trung tâm Y tế dự phòng hoặc các bệnh viện để được tư vấn và tiêm ngừa viêm gan B. Chúc bạn khoẻ và thai kỳ kết thúc tốt đẹp.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú

 

Tin liên quan