BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viêm tai giữa hay tái phát ở trẻ cần phòng bệnh như thế nào? 

Cập nhật ngày: 03/09/2023 - 09:56

Viêm tai giữa là bệnh hay tái phát, nhiều người lầm tưởng ít nghiêm trọng, nhưng có thể sẽ để lại di chứng suốt đời. Viêm tai giữa xảy ra ở mọi độ tuổi, song phổ biến hơn là ở trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi. Nhiều trường hợp trẻ bị nghe kém, điếc hoặc nhiễm trùng huyết do viêm tai giữa.

Viêm tai giữa hay tái phát ở trẻ cần phòng bệnh như thế nào? Câu hỏi này được nhiều bố mẹ đặt ra cho thầy thuốc tai mũi họng khi đưa con đi khám và được chẩn đoán bị viêm tai giữa.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa

Viêm tai giữa là hiện tượng phần niêm mạc của tai giữa, bao gồm hòm tai, vòi tai (đường thông mũi tai), xương chũm bị viêm.

Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa thường gặp là biến chứng của viêm tai mũi họng. Theo nghiên cứu có khoảng 80% là do biến chứng của viêm mũi họng, hay gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi.

- Một số nguyên nhân xuất phát từ:

+ Viêm mũi xoang điều trị không đúng.

+ Các khối u vùng vòm mũi họng chèn ép hoặc xâm lấn vùng vòi tai.

+ Gián tiếp qua chấn thương do áp lực tác động vào vùng vòi tai khi đi máy bay, lặn...

+ Viêm nhiễm trong một số bệnh tự miễn.

Viêm tai giữa là hiện tượng phần niêm mạc của tai giữa, bao gồm hòm tai, vòi tai, xương chũm bị viêm.

Biểu hiện viêm tai giữa

Khi mắc viêm tai giữa trẻ thường có biểu hiện chính là:

+ Sốt: Thay đổi theo từng cá thể bị bệnh, một số người viêm tai giữa, đặc biệt là ở trẻ nhỏ do sức đề kháng giảm, nên sốt rất nhẹ, thậm chí không sốt.

+ Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy): Các bác sĩ nhi khoa có kinh nghiệm sẽ thường xuyên kiểm tra tai với những trẻ đi khám vì rối loạn tiêu hóa.

- Các biểu hiện khác có thể được người bệnh mô tả:

+ Đau tai, tức tai: Dễ dàng khai thác ở người lớn hoặc trẻ lớn. Với những trẻ chưa biết nói sẽ biểu hiện như hay dụi phần tai viêm hoặc khóc khi bị chạm vào tai.

+ Ù tai và nghe kém: Chỉ khai thác được khi đối tượng viêm tai giữa là trẻ lớn và người lớn.

+ Biểu hiện tại mũi họng: Chảy mũi, ngạt tắc mũi.

Viêm tai giữa có nguy hiểm không?

Tùy theo giai đoạn của viêm tai giữa, có thể thấy các biểu hiện khác nhau để khẳng định các biểu hiện thu thập được ở trên là viêm tai giữa: Màng nhĩ xung huyết, màng nhĩ ứ mủ, màng nhĩ thủng và mủ chảy ra ống tai ngoài hoặc ra tận cửa tai.

Viêm tai giữa không nguy hiểm tới tính mạng, tuy nhiên có thể ảnh hưởng tới một số chức năng của tai như sức nghe giảm, nhưng không nhiều.

Một số trường hợp viêm tai giữa gây biến chứng nội sọ, có thể nguy hiểm tới tính mạng:

+ Viêm màng não, áp xe não... biến chứng này thường xảy ra ở trẻ do hiện tượng chưa liền của một số khớp nằm ở trần hòm tai, nơi tiếp xúc với nội sọ, viêm nhiễm có thể lan vào màng não, não...

+ Một số viêm tai giữa do lao, viêm tai giữa sau sởi... cũng có thể biến chứng vào nội sọ.

Khi có các biểu hiện viêm mũi họng, viêm tai giữa cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám càng sớm càng tốt. Ảnh minh hoạ.

Tại sao viêm tai giữa hay tái phát, cách phòng bệnh

Chúng ta biết được viêm tai giữa nguyên nhân chính là do viêm mũi họng điều trị chưa đúng phương pháp hoặc chưa kịp thời. Vì vậy, trẻ đã có tiền sử viêm tai giữa hoặc viêm mũi xoang, nếu không được đi khám kịp thời mà vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp điều trị chưa thích hợp, đặc biệt là xịt rửa và xì mũi thường xuyên thì viêm tai giữa sẽ tái diễn khó kiểm soát.

Để phòng bệnh cần giữ ấm tốt cho trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa, vì điều này vừa giúp phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp , vừa hạn chế viêm tai giữa biến chứng.

Cho trẻ bú nhiều, ăn nhiều trái cây để tăng sức đề kháng. Khi cho trẻ bú bình, nên để trẻ ở tư thế ngồi, tránh để trẻ bú ở tư thế nằm, khiến sữa và nước có thể chảy ngược lại vào tai.

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá hoặc hóa chất trong môi trường ô nhiễm. Cần tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ các loại vaccine được khuyến cáo hàng năm.

Khi có các biểu hiện viêm mũi họng, viêm tai giữa... cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám càng sớm càng tốt. Hoặc trẻ có biểu hiện viêm tai giữa kèm theo một số biểu hiện như:

+ Đau đầu dữ dội, trẻ quấy khóc, bỏ ăn.

+ Nôn vọt, thường không liên quan đến bữa ăn.

+ Thường xuyên nằm ở tư thế cò súng.

+ Sốt cao, rét run… cần phải thăm khám cho trẻ kịp thời để có chẩn đoán xác định.

Nguồn SK&ĐS