BAOTAYNINH.VN trên Google News

VIỄN CẢNH KINH TẾ MỸ THỜI ÔNG TRUMP VÀ ÔNG BIDEN 

Cập nhật ngày: 08/11/2020 - 09:56

Tổng thống Donald Trump và ứng viên Dân chủ Joe Biden đều coi cứu nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu nếu đắc cử.

"Một điều đáng ngạc nhiên là nền kinh tế dưới thời Tổng thống Biden sẽ rất giống thời ông Trump. Các tổng thống thường thất hứa sau khi đắc cử. Và ngay cả khi họ giữ lời, mọi thứ cũng cần có thời gian", nhà báo Bill Conerly của Forbes nhận định.

Theo ông Conerly, chính quyền ông Biden sẽ đưa ra các chính sách có tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ. Nhưng những tác động đó hầu như chỉ được cảm nhận rõ ràng sau nhiệm kỳ của ông. Điều quan trọng là dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế số một thế giới vào năm 2021 và 2022.

Forbes nhận định ông Biden không phải một tổng thống lý tưởng, mà là một chính trị gia linh hoạt điều chỉnh thông điệp theo các tình huống. Vì vậy, giới quan sát không thể coi những tuyên bố trong chiến dịch của ông là lộ trình tương lai cho nền kinh tế.

Ngoài ra, với việc đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện Mỹ (dựa trên kết quả bầu cử tính đến lúc này), ông Biden ít có cơ hội ban hành những thay đổi sâu rộng, nhất là đối với gói kích thích kinh tế bổ sung.

Ông Biden đề xuất các gói chi tiêu lớn cho nền kinh tế và cơ sở hạ tầng. Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế dưới thời ông Biden

Tăng thuế có thể là chính sách lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Hạ viện chắc chắn sẽ ủng hộ tổng thống mới, nhưng Thượng viện khó thuyết phục hơn. Nếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay hoặc năm 2022, Thượng viện về tay đảng Dân chủ, việc tăng thuế có khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, theo Forbes, những tác động sẽ được thể hiện rõ trong các năm tiếp theo chứ không ngay lập tức. Theo thời gian, thuế - gây bất lợi đối với đầu tư và việc làm - sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế một phần nhỏ nhưng đáng chú ý.

Tiếp đến là chương trình cơ sở hạ tầng. Các đề xuất của ông Biden đòi hỏi chính phủ Mỹ chi tiêu 1.300 tỷ USD trong vòng 10 năm, bao gồm 400 tỷ USD cho nghiên cứu và đổi mới năng lượng sạch. Có lẽ, ý tưởng này sẽ thay đổi khi được đưa vào thực tế. Tuy nhiên, Quốc hội thích những dự án hữu hình và dễ cho thấy kết quả hơn.

Chính sách lao động của ông Biden thân thiện với người lao động hơn chính quyền ông Trump. Một số đề xuất bãi bỏ luật của ông có thể không được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, Hội đồng Quốc gia về Quan hệ Lao động chắc chắn sẽ nghiêng sân chơi về phía công đoàn.

Mức lương tối thiểu cũng có thể được nâng lên, dù không phải là 15 USD/giờ như ông Biden hứa hẹn. Doanh nghiệp sẽ cần làm việc nhiều hơn để giữ chân và tuyển dụng nhân tài, cũng như giúp họ làm việc với năng suất cao.

Ông Biden muốn tăng thuế lên doanh nghiệp và giới nhà giàu Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Chính sách nhập cư có thể được nới lỏng hơn dưới chính quyền ông Biden. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đảng Dân chủ thường lo lắng về việc lao động nhập cư cạnh tranh với lao động Mỹ. Do đó, mức lương có khả năng bị kéo xuống thấp. Forbes dự đoán chính sách thị thực của ông Biden sẽ là phiên bản "Trump-lite" (tương tự chính sách của ông Trump nhưng nhẹ tay hơn).

"Các chính sách thương mại quốc tế cũng có thể tiếp tục đẩy nước Mỹ ra khỏi toàn cầu hóa, nhưng với giọng điệu tử tế hơn nhiều so với cách mà ông Trump sử dụng", Forbes bình luận. Từ lâu, đảng Dân chủ đã ưa thích thuế nhập khẩu và những hạn chế thương mại khác.

Như vậy, chính quyền ông Biden sẽ vẫn đi theo những gì mà ông Trump đã làm. Tuy nhiên, cách thực hiện có thể chậm rãi và dễ đoán hơn. Điều này giúp ích cho việc lập kế hoạch kinh doanh, ngay cả khi xu hướng đó không thuận lợi.

Bốn năm tiếp theo dưới thời ông Trump
Theo Forbes, nếu ông Trump tái đắc cử, nền kinh tế sẽ gần như không thay đổi so với hiện tại. Thứ nhất, đại dịch Covid-19 tiếp tục là ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế vào năm 2021 và năm 2022. Ngoài ra, đa số đảng Dân chủ tại Hạ viện có thể cản trở những sáng kiến chính sách mới từ Tổng thống Trump, ít nhất là trong hai năm.

Một thay đổi có thể là khả năng quốc hội thông qua dự luật kích thích kinh tế mới. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa - bao gồm cả ông Trump - đều muốn có một dự luật kích thích bổ sung. Thời gian qua, cả hai bên lo lắng rằng dự luật sẽ có lợi cho bên còn lại hơn trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Vì vậy, khi cuộc bầu cử kết thúc, các biện pháp kích thích sẽ được thông qua. Những người được hưởng lợi nhiều nhất là các lao động có thu nhập thấp bị mất việc làm. Một số ngành công nghiệp như hàng không có thể nhận cứu trợ.

Trong vòng hai năm tới, một dự luật về cơ sở hạ tầng cũng có thể được thông qua. Hai đề xuất của ông Trump và ông Biden khác nhau về chi tiết nhưng có ý tưởng tương tự.

Tuy nhiên, Forbes nhận định việc xây dựng cơ sở hạ tầng khó kích thích nền kinh tế nói chung. Vấn đề của đất nước không phải chi tiêu mà là thiếu nơi để chi tiền, chẳng hạn như nhà hàng, khách sạn và máy bay.

Ông Trump muốn sớm thông qua một gói kích thích kinh tế mới. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump cũng muốn gia hạn luật giảm thuế năm 2017, dự kiến kết thúc vào năm 2025. Tuy nhiên, điều đó khó xảy ra nếu đảng Dân chủ vẫn còn nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Forbes nhận định danh sách chính sách của ông Trump không thay đổi trong dài hạn. Quan hệ thương mại quốc tế giữa Mỹ và các quốc gia sẽ tiếp tục xấu đi theo xu hướng thất thường. Nhập cư vẫn bị hạn chế.

Chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ tiếp tục nới lỏng các quy định về môi trường và lao động. Ngân sách liên bang tiếp tục thâm hụt nặng nề trong bốn năm tới.

"Chiến dịch tranh cử của cả hai bên đều tuyên bố rằng cuộc bầu cử rất quan trọng đối với nền kinh tế. Nhưng không bên nào đúng. Không có kết quả nào ngăn chặn được dịch Covid-19. Và chúng ta sẽ thấy thay đổi nhỏ, nhưng nhìn chung hai viễn cảnh nền kinh tế vẫn như nhau", ông Bill Conerly viết.

Nguồn Zing