Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Viễn cảnh kinh tế năm 2023: Lạm phát không phải là quan ngại duy nhất
Thứ tư: 17:41 ngày 14/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trên toàn cầu, người dân phải đối mặt với tình trạng lạm phát ở mức độ chưa từng có trong nhiều thập niên khi giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh. Mặc dù đỉnh lạm phát có thể đã ở trước mắt nhưng tác động của nó có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa vào năm 2023.

Biển ghi giá rau củ tại khu chợ ở Bogota, Colombia trong tháng 10. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters (Anh) chỉ ra chính dịch bệnh và xung đột đã dẫn đến nguy cơ này.

Sau khi COVID-19 bùng phát, các chính phủ và ngân hàng trung ương đã bơm hàng nghìn tỷ USD cứu trợ doanh nghiệp và hộ gia đình. Phao cứu sinh này giúp các doanh nghiệp tránh khỏi nguy cơ phá sản và người lao động không phải xếp hàng đợi tiền trợ cấp. Tuy nhiên, nó cũng tác động đến trật tự cung và cầu ở mức chưa từng có tiền lệ.

Đến năm 2021, khi các đợt phong tỏa chấm dứt và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh, số tiền cứu trợ lại lấn át hệ thống giao dịch thế giới. Các nhà máy từng không có việc nay chưa kịp tăng tốc đáp ứng nhu cầu đặt hàng trong khi quy định về an toàn COVID-19 dẫn đến thiếu lao động trong ngành bán lẻ, vận tải, chăm sóc y tế. Sự khôi phục hậu COVID-19 còn dẫn đến tăng giá năng lượng.

Đến tháng 2/2022, xung đột Nga - Ukraine bùng phát kéo theo đó là các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Moskva - nhà xuất khẩu khí đốt và dầu thô hàng đầu thế giới. Do đó, giá nhiên liệu lại tăng cao.

Lạm phát 2 con số làm trầm trọng hơn bất bình đẳng trên toàn cầu và hiện tượng này còn được gọi là “thuế áp lên người nghèo” bởi nó gây ảnh hưởng mạnh nhất đến người thu nhập thấp.

Trong khi những người giàu có dựa vào khoản tiếp kiệm trong quá trình diễn ra phong tỏa dịch COVID-19, những người khác lại chật vật và ngày càng nhiều cá nhân phải dựa vào ngân hàng thực phẩm.

Mùa đông đến, giá nhiên liệu sưởi ấm tăng mạnh càng gia tăng áp lực. Người lao động tại một số lĩnh vực ngành nghề, từ y tế cho đến hàng không, đã biểu tình yêu cầu mức lương cần điều chỉnh cùng tốc độ với lạm phát.

Một phụ nữ chọn đồ tại khu chợ địa phương ở Nice, Pháp trong tháng 6. Ảnh: Reuters

Quan ngại về chi phí sinh hoạt bao phủ nền chính trị của các quốc gia giàu có. Lạm phát là vấn đề quan tâm hàng đầu của Chính phủ Mỹ. Chính quyền đương nhiệm tại Pháp và Đức cũng “co kéo” ngân sách để dành hàng tỷ USD cho các chương trình hỗ trợ.

Ở những nước nghèo từ Haiti đến Sudan và Lebanon, Sri Lanka, giá thực phẩm leo thang càng làm trầm trọng tình hình đói nghèo. Chương trình Lương thực Thế giới ước tính từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát đến nay, trên toàn thế giới, có thêm 70 triệu người đang bị đẩy gần vào tình trạng đói ăn, hiện tượng này được gọi là “sóng thần của tình trạng đói”.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cố gắng điều chỉnh lãi suất để giảm lạm phát. Mục tiêu là “hạ cánh mềm” trong đó lãi suất được điều chỉnh không dẫn đến sụp đổ thị trường bất động sản, các doanh nghiệp phá sản hoặc thất nghiệp gia tăng.

Từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho đến Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, ngày càng có nhiều thảo luận về việc “thuốc tăng lãi suất” có thể “đắng”. Ngoài ra, rủi ro bao quanh những điều bất định như xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng Trung Quốc - phương Tây, đều có nguy cơ dẫn đến bất lợi.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến đến cuối năm 2023, lạm phát toàn cầu giảm còn 4,7%. Dự báo trong tháng 10 của IMF có đoạn: “Nói tóm lại, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người dường như sẽ có suy thoái vào năm 2023”.

Nguồn Báo Tin tức (Theo Reuters)

Tin cùng chuyên mục