Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vụ thủ quỹ “Thụt két”:
Viện Kiểm sát cáo buộc các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật
Thứ bảy: 05:10 ngày 19/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - VKS xác định, bị cáo Thanh là người giữ vai trò chính, trực tiếp chiếm đoạt số tiền, vàng giá trị trên 18,6 tỷ đồng, lý ra, Thanh không thể tiếp tục hành vi phạm tội nếu Lân và Thành thực hiện đúng quy định về quản lý của ngân hàng. Trái lại, cả hai còn giúp sức cho bị cáo Thanh hợp thức hoá các chứng từ số tiền chiếm đoạt, lập các hợp đồng vay bằng sổ tiết kiệm để đối phó với việc kiểm tra của ACB Tây Ninh.

Bị cáo Võ Sỹ Lân sau phiên xử.

Như Báo Tây Ninh đã đưa tin, ngày 15.8, TAND tỉnh mở phiên xét xử các bị cáo Nguyễn Công Thanh - nguyên thủ quỹ Phòng giao dịch Long Hoa (GDLH)- Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Chi nhánh Tây Ninh; Võ Sỹ Lân- nguyên Giám đốc Phòng GDLH và Trần Kim Thành- nguyên Trưởng bộ phận ngân quỹ, kiểm soát viên giao dịch Phòng GDLH, bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, hai bị cáo Lân, Thành còn bị truy tố về tội “Che giấu tội phạm”.

Mang tiền, vàng vào kho quỹ như vào… nhà riêng

Trong phần thẩm vấn tại phiên toà, Thanh thừa nhận hành vi phạm tội của mình mà Viện Kiểm sát truy tố trong cáo trạng. Riêng hai bị cáo Lân, Thành không chấp nhận cáo buộc về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Lân, Thành đều cho biết, khi phát hiện sai phạm, cả hai cố gắng tác động, yêu cầu Thanh khắc phục sai phạm, bằng cách cho mượn tiền từ người thân hoặc tạo điều kiện thực hiện các giao dịch, hợp đồng cho vay đúng quy định của ACB để đắp vào số tiền, vàng thiếu hụt trong kho quỹ.

Hai bị cáo Lân, Thành cho rằng mình không tham gia thực hiện phạm tội cùng bị cáo Thanh. Tuy nhiên, qua thẩm vấn, cả hai đều không nêu được biện pháp cụ thể trong việc tác động để Thanh khắc phục sai phạm, mà chỉ yêu cầu bị cáo nộp tiền bị thiếu vào kho quỹ, không quy định thời gian cụ thể.

Sau khi tạo điều kiện cho Thanh khắc phục, dù có kiểm tra, ký biên bản hằng ngày nhưng bị cáo tiếp tục chiếm đoạt tiền mà Lân và Thành đều không hay biết. Việc khắc phục của Thanh là rất “tự do”.

Để đối phó với hoạt động kiểm tra, bị cáo mang vàng, tiền nhập vào kho quỹ mà không có sự kiểm soát chặt chẽ như quy định của Phòng GDLH. Thậm chí, các bị cáo đã lừa một số người ký tên vào hợp đồng vay nhận tiền mà họ cũng không biết nội dung gì, ngoài việc “ký làm thủ tục chung chung”.

Hơn nữa, khi cảm thấy rằng Thanh không còn khả năng khắc phục hay cân đối được, Lân và Thành cũng không khuyến khích, động viên bị cáo sớm ra tự thú.

Viện Kiểm sát xác định, từ tháng 3 đến ngày 31.12.2012, do Lân và Thành kiểm quỹ không chặt chẽ, nên Thanh chiếm đoạt của Phòng GDLH 1,6 tỷ đồng và 270 lượng vàng SJC - tương đương trên 14 tỷ đồng.

Thanh dùng thủ đoạn sửa các số liệu trên bảng kê số lượng tiền tồn tại quỹ; “rút ruột” các túi đựng vàng (mỗi túi 100 lượng vàng SJC).

Khi bị cáo Thanh thú nhận tiền, vàng đã chiếm đoạt dùng vào mục đích chơi “vàng ảo”, Lân và Thành cũng không kiên quyết báo cáo cấp trên xử lý mà lại tự ý cho Thanh “khắc phục”.

Dù cam kết sẽ tự khắc phục, nhưng Thanh lại “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục chiếm đoạt trên 4,4 tỷ đồng. Khi ACB Tây Ninh yêu cầu Phòng GDLH cuối tuần phải chuyển vàng tồn tại kho quỹ, bị cáo Thanh dùng thủ đoạn hạ lượng vàng tồn trên hệ thống máy tính bằng với số thực tế tồn kho. Hành vi này được sự giúp sức của bị cáo Thành, bằng việc bán vàng, sau đó mới đem số vàng còn lại (sau khi đã cân đối) nộp về ACB Tây Ninh, riêng tiền tồn quỹ tăng lên (tăng trên số liệu), Phòng GDLH “giữ lại” không nộp.

Đầu tuần, để giảm lượng tiền mặt tồn tại Phòng GDLH, Thanh cùng với Thành dùng lệnh mua vàng (giao dịch khống), nhằm cân đối lượng vàng, tiền tồn tại quỹ và trên hệ thống. Cuối ngày giao dịch, “bộ ba” cùng nhau kiểm quỹ nhưng thực chất là ký biên bản hợp thức hoá báo cáo về ACB Tây Ninh là quỹ đủ.

Khi đoàn kiểm tra đến kiểm quỹ, Thanh lập 11 hợp đồng cầm cố 15 lượng vàng làm tài sản bảo đảm vay 500 triệu đồng/hợp đồng. Không có mặt khách hàng nhưng các bị cáo vẫn duyệt cho vay để kéo giảm số tiền bị cáo Thanh chiếm đoạt.

Tuy nhiên, số tiền hụt quỹ vẫn còn 3,7 tỷ đồng. Lúc này, Lân, Thành dùng các sổ tiết kiệm của người thân thế chấp vay 2,2 tỷ đồng, còn Thanh nộp vô 1,5 tỷ đồng. Với hành vi này, VKS xác định, Lân và Thành đã giúp sức cho bị cáo Thanh chiếm đoạt số tiền trên 4,4 tỷ đồng.

VKS xác định, bị cáo Thanh là người giữ vai trò chính, trực tiếp chiếm đoạt số tiền, vàng giá trị trên 18,6 tỷ đồng, lý ra, Thanh không thể tiếp tục hành vi phạm tội nếu Lân và Thành thực hiện đúng quy định về quản lý của ngân hàng. Trái lại, cả hai còn giúp sức cho bị cáo Thanh hợp thức hoá các chứng từ số tiền chiếm đoạt, lập các hợp đồng vay bằng sổ tiết kiệm để đối phó với việc kiểm tra của ACB Tây Ninh.

Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Thanh, Lân, Thành phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 140 BLHS; riêng Lân, Thành còn phạm tội “Che giấu tội phạm”, quy định tại Điều 313 BLHS.

Theo đó, Viện đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Thanh tù chung thân; Lân từ 12 đến 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và 4 đến 5 năm tù về tội “Che giấu tội phạm”; Thành từ 12 đến 13 năm tù tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tội “Che giấu tội phạm”.

Lỗi cố ý trực tiếp, mục đích vụ lợi của bị cáo Lân, Thành là gì?

Bào chữa cho bị cáo Thanh, luật sư Lê Minh Tuấn (Đoàn Luật sư Long An) cho rằng, bị cáo Thanh có hai tình tiết giảm nhẹ nên cần áp dụng Điều 47 BLHS chứ không phải điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS như ý kiến của Viện Kiểm sát, nhằm chuyển khung hình phạt có lợi cho bị cáo.

Theo luật sư Tuấn, việc Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Thanh phạm tội nhiều lần là tình tiết tăng nặng, chưa phù hợp vì chưa xác định số tiền mỗi lần bị cáo Thanh phạm tội. Nếu phạm tội dưới 500 triệu đồng thì không thể áp dụng khoản 4 Điều 140 BLHS. Mức án tù chung thân cũng chưa phù hợp vì theo Điều 175 BLHS 2015 tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, hình phạt cao nhất là 20 năm.

Bào chữa cho bị cáo Lân, luật sư Trần Thế Hoà Bình đề nghị HĐXX lưu ý cha của bị cáo là người có công với cách mạng, được Nhà nước khen thưởng Huân chương hạng Nhất.

Tự bào chữa, Lân cho rằng, bản thân đã có tác động để Thanh khắc phục sai phạm, bằng chứng là đã dùng e-mail gửi người thân nhờ giúp đỡ. Bị cáo Lân làm đúng quy định của Hội sở. Bị cáo không có quyền quản lý kho quỹ, thực chất chỉ là người “bán hàng cao cấp” thực hiện đúng nhiệm vụ, chức năng mà Tổng Giám đốc ACB Tây Ninh giao.

Bào chữa cho bị cáo Thành, luật sư Vương Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh) nói, việc quy kết bị cáo Thành đồng phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa đủ căn cứ. Luật sư Hà đề nghị VKS xem xét vì sao mức án đề nghị lần này cao hơn mức án so với lần xét xử trước đây, trong khi việc điều tra lại không có tình tiết gì mới.

Trước đây, VKS áp dụng khoản 2 Điều 313 tội “Che giấu tội phạm” và chỉ đề nghị xử phạt bị cáo Thành 2 - 3 năm tù, còn lần này áp dụng khoản 1 Điều 313 nhưng lại đề nghị 3,5 - 4,5 năm tù; có sự chênh lệch bất thường.

Luật sư cũng cho rằng, quá trình thẩm vấn công khai tại phiên toà đủ cơ sở chứng minh việc bỏ xu vào túi đựng vàng chỉ một mình Thanh thực hiện, nhưng cáo trạng lại cáo buộc cả 3 bị cáo cùng thực hiện là không đúng.

Tình tiết, nội dung này trong cáo trạng từ đâu ra, thể hiện ở bút lục nào? Về việc VKS cáo buộc bị cáo Thành phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo khoa học luật hình sự, diễn biến hành vi phạm tội phải phù hợp với các yếu tố cấu thành tội phạm. Về mặt chủ quan của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” phải là lỗi cố ý trực tiếp với động cơ và mục đích là vụ lợi.

Theo luật sư Hà, VKS cần xác định lỗi của bị cáo Thành là gì, có phải là lỗi cố ý hay không, động cơ phạm tội là gì, có vụ lợi hay không. Cáo trạng cũng không xác định được hành vi nào của bị cáo Thành phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Cáo trạng quy kết bị cáo không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Nội dung này, luật sư Hà cho rằng, theo lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự thì đây là dấu hiệu của nhóm tội danh về chức vụ quy định trong BLHS.

Với diễn biến tội phạm đã xảy ra, hành vi của bị cáo Thành có chăng là yếu tố cấu thành của tội “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng….” quy định Điều 144 BLHS. Tuy nhiên, tội danh này có chủ thể đặc biệt chỉ áp dụng đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc đơn vị có vốn Nhà nước.

Trong khi đó, nội dung buông lỏng quản lý không phải là dấu hiệu trong tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vì vậy, cáo buộc của VKS đối với bị cáo Thành là chưa có cơ sở.

Đại diện VKS chấp nhận ý kiến của luật sư Tuấn về áp dụng mức án cao nhất tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo BLHS 2015 là 20 năm, phù hợp Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội. Về việc xem xét 2 tình tiết giảm nhẹ, VKS cho rằng luật quy định khi áp dụng còn “tuỳ nghi” theo tính chất, mức độ, bản chất vụ án, trong đó, VKS nhấn mạnh đến hành vi của bị cáo Thanh là đặc biệt nghiêm trọng như đánh bạc, chơi vàng ảo… nên không chấp nhận ý kiến của luật sư Tuấn là áp dụng Điều 47 BLHS.

Đối với lời tự bào chữa của bị cáo Lân, VKS cho rằng, Lân làm hợp đồng, giao dịch không có tài sản bảo đảm nhằm kéo giảm số tiền chiếm đoạt, điều này là vi phạm quy định cho vay. Hợp đồng vay 2,2 tỷ đồng thế chấp sổ tiết kiệm thủ tục đúng, nhưng thực chất lập ra là để bù đắp vào ngân quỹ thiếu hụt nhằm che giấu hành vi chiếm đoạt của Thanh.

Lân và Thành biết Thanh chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng nhưng không ngăn chặn, để bị cáo tiếp tục chiếm đoạt 4,4 tỷ đồng. Điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm của bị cáo khi ACB Tây Ninh giao nhiệm vụ quản lý, chịu trách nhiệm.

Đối với ý kiến của luật sư Hà, VKS cho rằng mức hình phạt mà Viện đề nghị truy tố các bị cáo khác nhau trong các lần xét xử thuộc thẩm quyền của VKS là không sai quy định trong tố tụng hình sự.

Về cáo buộc sai phạm của bị cáo Thành, VKS truy tố trên cơ sở lần sai phạm sau, khi Thành biết bị cáo Thanh sai mà không ngăn chặn. VKS khẳng định cáo trạng không cáo buộc hành vi thiếu trách nhiệm của tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” mà luật sư Hà nêu.

VKS khẳng định, trước đây bị cáo Thành phát hiện thiếu 6 lượng vàng, đã yêu cầu Thanh khắc phục. Những lần sau, do thiếu kiểm tra chặt chẽ, dẫn đến việc Thanh chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng, rồi lại tiếp tục hụt hơn 4,4 tỷ đồng.

VKS xác định, trong vụ án này, bị cáo Thành không có vụ lợi nhưng là đồng phạm giúp sức, thoả mãn Điều 20 của BLHS. Về mức độ lỗi, trên cơ sở cáo buộc của VKS, việc xác định mức độ lỗi do HĐXX quyết định.

Tranh tụng ý kiến luật sư Tuấn, VKS nhấn mạnh việc truy tố bị cáo Thanh trên cơ sở tổng giá trị số tiền mà bị cáo Thanh chiếm đoạt là phù hợp quy định.

Tiếp tục tranh tụng với VKS, luật sư Hà cho rằng, yếu tố chủ quan trong tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” VKS cần phải xác định được ý chí của bị cáo phạm tội trong vụ án này. Trong hồ sơ và thẩm vấn tại phiên toà thể hiện bị cáo Thành không có ý chí chiếm đoạt tài sản của Phòng GDLH nên không thoả mãn Điều 20 BLHS (tức cùng ý chí thực hiện, cùng động cơ, mục đích).

Trong tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” không có khái niệm “động cơ cá nhân khác”, nếu có động cơ khác thì VKS cần chỉ ra đó là động cơ gì.

Trong khi đó, luật sư Tuấn đề nghị do chưa xác định số tiền phạm tội mỗi lần, nên việc áp dụng định khung điểm g Điều 48 BLHS là chưa phù hợp, cần áp dụng Điều 47, khung liền kề trong điều luật, như vậy, bị cáo Thành được hưởng hai tình tiết giảm nhẹ.

Sau phần tranh tụng công khai, thay mặt HĐXX, chủ toạ phiên toà Phạm Thị Thanh Giang cho biết, do vụ án có nhiều nội dung, tình tiết phức tạp nên HĐXX sẽ nghị án thận trọng và tuyên án vào ngày 21.8.

ĐỨC TIẾN - THIÊN TÂM

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục