Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ án hành chính liên quan khiếu nại đất đai hơn 34 năm tại TP. Tây Ninh:

Viện Kiểm sát kháng nghị sửa bản án, bác yêu cầu người khởi kiện 

Cập nhật ngày: 24/11/2021 - 00:04

BTN - Kháng nghị của Viện KSND tỉnh cho biết, ngày 13.6.1987, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hưng, bà Đỉnh và ông Đặng Minh Hai (cha bà Gấm) phát sinh tranh chấp đất đai, vụ việc được UBND 2 cấp giải quyết.

Hiện trạng phần đất tranh chấp 34 năm chưa kết thúc.

Viện KSND tỉnh vừa có Quyết định số 05/QĐ-VKS-HC kháng nghị phúc thẩm toàn bộ Bản án số 13/2021/HC-ST ngày 27.10.2021 của TAND tỉnh mà Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên huỷ quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh về giải quyết khiếu nại đất đai giữa gia đình bà Trần Thị Đỉnh và gia đình bà Đặng Thị Gấm (ngụ TP. Tây Ninh).

Kháng nghị của Viện KSND tỉnh cho biết, ngày 13.6.1987, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hưng, bà Đỉnh và ông Đặng Minh Hai (cha bà Gấm) phát sinh tranh chấp đất đai, vụ việc được UBND 2 cấp giải quyết.

Ngày 21.4.1988, UBND Thị xã (nay là thành phố Tây Ninh) ban hành Quyết định 143/QĐ-UB giải quyết tranh chấp đất thổ cư giữa ông Hai và vợ chồng bà Đỉnh, xác định phần sân trước nhà bà Đỉnh thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà, nhưng không nêu diện tích, tứ cận, kích thước.

Ông Hai tiếp tục có đơn khiếu nại, ngày 18.12.1992, UBND tỉnh ban hành Quyết định 370/QĐ-UB, giữ nguyên Quyết định 143, công nhận phần đất tranh chấp trước nhà bà Đỉnh diện tích 25m2 nhưng không có kích thước, tứ cận.

Ông Hai, bà Đỉnh cùng khiếu nại đến UBND tỉnh. Ngày 12.8.2002, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 89/QĐ-CT thu hồi Quyết định 370, Quyết định 143, giữ nguyên hiện trạng 35,5m2 đất tranh chấp làm đường đi công cộng.

Bà Đỉnh khiếu nại Quyết định 89, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng Quyết định 89 không đúng thẩm quyền, theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai 1993, nên ngày 26.5.2006, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 35/QĐ-UBND thu hồi Quyết định 89, giữ nguyên Quyết định 370, phần đất có diện tích 25m2 thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà Đỉnh.

Khi tổ chức thực hiện Quyết định 35, địa phương gặp khó khăn vì quyết định không ghi tứ cận. Ngày 31.12.2008, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3096/QĐ-UBND, bổ sung tứ cận đất tranh chấp đối với Quyết định 35.

Do diện tích tranh chấp không thống nhất, nên ngày 24.9.2009, Phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã kết hợp với chính quyền địa phương định vị, đo đạc xác định diện tích tranh chấp phần sân trước đây là 30,25m2, hiện nay còn 28,4m2 (Trích lục bản đồ địa chính số 305/SĐ-TL/P1 ngày 27.11.2009).

Ngày 16.8.2010, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 1533/QĐ- UBND, công nhận phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà Đỉnh có diện tích 28,4m2, thuộc thửa số 181, bản đồ số 75, theo đúng Trích lục số 305, giao cho Chủ tịch UBND Thị xã thực hiện.

Khi UBND Thị xã tổ chức thực hiện thì ông Hai đã chết, gia đình ông Hai không uỷ quyền cho người thi hành, nên ngày 20.12.2010, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 2381/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung Quyết định 1533 với nội dung buộc gia đình ông Hai (người đang trực tiếp sử dụng đất) có trách nhiệm giao lại diện tích đất lấn chiếm, các nội dung khác của Quyết định 1533 vẫn giữ nguyên.

Đến ngày 13.6.2012, UBND Thị xã ban hành Quyết định 403/QĐ-UBND, áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc gia đình ông Hai phải giao phần diện tích 6,3m2 theo Quyết định 1533 và Quyết định 2381.

Ngày 28.8.2012, đoàn cưỡng chế đã bàn giao cho bà Đỉnh diện tích đất 21,1m2 (đất trống) và diện tích 6,3m2 nhưng bà Đỉnh không đồng ý, vì đoàn giao không đúng diện tích đất ngang 6m, dài 20m. UBND thành phố Tây Ninh kiểm tra lại diện tích đất cưỡng chế năm 2012, xác định còn một phần diện tích đất nằm trong phạm vi đất tranh chấp 28,4m2 đã giải quyết tại Quyết định 2381 nhưng chưa giao cho bà Đỉnh.

UBND Thị xã vận động, thuyết phục gia đình ông Hai tự nguyện giao phần diện tích đất còn thiếu cho bà Đỉnh nhưng không thành. Vì vậy, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 11.1.2019 cưỡng chế thi hành Quyết định 1533 và Quyết định 2381 nhưng bà Gấm cho rằng đã thi hành xong nên không chấp hành, đồng thời khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh tuyên huỷ Quyết định 47.

Kháng nghị của Viện KSND tỉnh cho biết, Bản án của TAND tỉnh nhận định rằng "Do giải quyết tranh chấp đất đai không đúng thẩm quyền nên các quyết định đã ban hành gồm: Quyết định 35, Quyết định 3096, Quyết định 1533, Quyết định 2381, Quyết định 403, Quyết định 47 không có hiệu lực thi hành nên phải huỷ bỏ” là không có căn cứ.

Theo Viện KSND tỉnh, ông Hai được UBND Thị xã cấp giấy CNQSDĐ ngày 4.5.2005 diện tích 428,1m2 thửa 162, tờ bản đồ số 75, không liên quan đến phần đất tranh chấp. Lý do thửa đất tranh chấp là thửa 181, tờ bản đồ số 75, nằm ngoài diện tích đất ông Hai được cấp giấy.

Phần đất tranh chấp chưa có giấy CNQSDĐ và không tranh chấp về tài sản gắn liền với đất không thuộc trường hợp đất đã có giấy CNQSDĐ theo Điều 136 Luật Đất đai năm 2003, vì vậy, thẩm quyền giải quyết thuộc Chủ tịch UBND các cấp. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 35 là đúng thẩm quyền được quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003.

Quyết định 1533 và Quyết định 2381 của Chủ tịch UBND tỉnh là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng, không bị khiếu nại nên có hiệu lực thi hành, theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998.

Thực tế, bà Đỉnh đã nhận đất, cắm cọc làm rào. Nhưng theo biên bản thẩm định tại chỗ, vị trí mà bà Gấm giao đất cho bà Đỉnh vẫn còn thiếu diện tích, nên UBND Thành phố ban hành Quyết định 47.

Các tài sản của bà Gấm phát sinh sau khi giải quyết tranh chấp đất đai nên việc cưỡng chế là đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Quy định chi tiết việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hoà giải thành trong giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 04/2017/QĐ- UBND ngày 3.2.2017 của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh cho rằng, về hình thức Quyết định 47 chưa phù hợp quy định của pháp luật hành chính, lẽ ra UBND Thành phố phải ban hành Quyết định 47 là quyết định bổ sung quyết định 403, nhưng về bản chất Quyết định 47 không làm thay đổi sự việc.

Do đó, Viện KSND tỉnh kháng nghị toàn bộ Bản án số 13 của TAND tỉnh, đề nghị TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị Gấm.

Được biết, bà Trần Thị Đỉnh cũng có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh cho rằng, các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND Thành phố là có căn cứ pháp lý. Cụ thể, vợ chồng bà Đỉnh nhận sang nhượng của ông Hoài, đứng tên làm chủ sử dụng hợp pháp, ổn định phần đất 120m2 từ năm 1987 đến nay, được Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất.

Do ông Hai tranh chấp không cho vợ chồng bà cất chái nhà trên một phần đất khoảng 30m2, nên vợ chồng bà gửi đơn, được UBND Thị xã thụ lý giải quyết theo thẩm quyền, quy định tại Điều 21 Luật Đất đai năm 1987 nên Quyết định số 143 của UBND Thị xã là quyết định giải quyết tranh chấp đúng thẩm quyền theo Luật Đất đai năm 1987, Quyết định số 370 của UBND tỉnh là quyết định giải quyết lần hai có hiệu lực thi hành.

Quyết định 47 của UBND Thành phố là quyết định tổ chức thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành, không phải đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

ĐỨC TIẾN