Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Viện KSND Tây Ninh: Công khai xin lỗi và khôi phục danh dự 7 công dân bị bắt oan 40 năm trước
Thứ năm: 18:05 ngày 31/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 31.10, tại xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức công khai xin lỗi và khôi phục danh dự cho 7 công dân bị bắt giam oan vào ngày 27.7.1979 đến ngày 11.5.1983.

Các công dân được giải oan gồm Nguyễn Thành Nghị (SN 1918, đã chết), Võ Thị Thương (SN 1925), Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1944), Nguyễn Thị Lan (SN 1953) cùng thường trú ấp Định Phước, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương; Hồ Long Chánh (SN 1952), thường trú ấp Long Thới, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành; Nguyễn Văn Chiến (SN 1952), thường trú tổ 1, ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng và Nguyễn Văn Dũng (SN 1961) thường trú ấp Tân Phú, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Văn Dựa tặng hoa xin lỗi công khai các công dân bị bắt oan.

7 công dân trên là những người trước năm 1983 đều cư ngụ tại ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, bị bắt giam oan vào ngày 27.7.1979 đến ngày 11.5.1983.

Tham dự buổi công khai xin lỗi có ông Nguyễn Văn Dựa- Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, được Viện trưởng Viện KSND tỉnh ủy quyền; ông Lê Quốc Hưng- Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh, lãnh đạo UBND xã Đôn Thuận, 7 công dân được xin lỗi nêu trên và các ban ngành, đoàn thể, nhân dân địa phương.

“Thời gian giam cầm gần 4 năm, quá dài. Nỗi đau và nỗi oan ức quá lớn. Đeo đẳng không phải ngần ấy thời gian mà còn cho tận đến ngày hôm nay (40 năm). Đó chỉ mới là nỗi đau về thể xác do bị dùng nhục hình, do bị oan ức, lớn hơn nữa là nỗi đau về tâm hồn, về lòng tự trọng, về danh dự, về nhân phẩm của một con người. Đặc biệt các công dân còn có quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con, hay nói cách khác là cả một gia đình đều bị bắt giam oan ức, chịu đựng nhục hình do những người thừa hành pháp luật thời bấy giờ gây ra. Sức khỏe, danh dự nhân phẩm bị xâm phạm.

Đặc biệt, trong đó có ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1958) là một quân nhân đang tham gia chiến trường bảo vệ thành quả cách mạng sau ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Với tuổi trẻ nhiệt huyết, ông Dũng đã tham gia bộ đội tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia. Trên đường về Việt Nam công tác ông đã bị bắt. Đơn vị không thấy ông trở về, nghĩ rằng ông đào ngũ nên đã loại ông khỏi hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam (Viện KSND tỉnh đã tổ chức xin lỗi vào ngày 8.5.2019 và bồi thường thiệt hại theo quy định xong- NV).

Cả gia đình sợ bị xã hội kỳ thị, nghĩ gia đình là thành phần xấu trong xã hội, là kẻ cướp nên đã xa lánh, không dám gần gũi. Điều đó đã xúc phạm đặc biệt nghiêm trọng đến lòng tự trọng, đến danh dự nhân phẩm của những công dân trên. Không những thế nó còn đưa đẩy cuộc sống của các ông bà vào hoàn cảnh đặc biệt khó khó khăn.

Các công dân bị bắt oan ức tại buổi xin lỗi công khai.

Với mặc cảm bị xã hội coi thường, không thể sống tại địa phương nên họ phải tìm nơi khác sinh sống, giấu đi quá khứ và trốn tránh dư luận xã hội... Nỗi oan ức và hậu quả để lại cho các ông bà là vô cùng to lớn, không thể nào cân, đong, đo, đếm được. Hậu quả này là do những người tiến hành tố tụng của các cơ quan Công an, Viện kiểm sát 2 cấp tỉnh Tây Ninh thời kỳ năm 1979-1983 gây ra”, ông Nguyễn Văn Dựa- Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh xúc động phát biểu trước đông đảo đại biểu, nhân dân địa phương tham dự buổi công khai xin lỗi.

Nôi dung vụ án được Viện KSND tỉnh cho biết như sau: Vào khoảng 23 giờ đêm 26.7.1979 xảy ra vụ cướp có vũ khí tại nhà ông Nguyễn Văn Đơ, ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Ông Đơ trình báo, trong số người tham gia cướp có súng M16 – Carbine, súng ngắn và còn có con dao loại trắng thường sử dụng bán bánh mì.

Công an ấp và Ấp đội nghi vấn là do ông Hồ Long Chánh có con dao loại này, nên chỉ sau 30 phút xảy ra vụ cướp đã bắt ông Chánh điều tra, bức cung nên ông Chánh nhận tội và khai thêm Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1958), Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1961) và Nguyễn Thành Nghị nên xã bắt tiếp những người này.

Sau đó, những người này bị đưa về công an huyện điều tra tiếp, buộc họ phải nhận tội cướp lấy tài sản của ông Đơ đem về cho vợ con cất giấu. Sau đó, cơ quan điều tra bắt tiếp Nguyễn Thị Lan, Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Ngọc Lan và cũng bức cung buộc phải nhận có cất giấu tài sản cướp được. Nhiều lần công an dẫn họ đến lấy vật chứng nhưng không có, mà chỉ có 5 chỉ vàng được ông Hồ Thủy Trực- cha của ông Chánh lấy tài sản của gia đình đem nộp để được lãnh ông Chánh về. Ngoài con dao nghi là của ông Chánh và 5 chỉ vàng của ông Trực thì không thu được gì là tang vật trong vụ án.

Đến ngày 11.5.1983 các ông, bà nêu trên đã được minh oan và được trả tự do theo các Quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh do không phạm tội. Như vậy, tính từ khi bị các cơ quan tiến hành tố tụng là Công an huyện Trảng Bàng, Công an tỉnh Tây Ninh bắt giam oan cho đến khi được minh oan trả tự do là 3 năm 9 tháng 14 ngày, trong đó có trách nhiệm của Viện KSND huyện Trảng Bàng và Viện KSND tỉnh Tây Ninh trong việc phê chuẩn tạm giam các ông, bà, có trách nhiệm trong việc kiểm sát điều tra vụ án nhưng không phát hiện sớm việc các ông, bà bị nhục hình, bức cung phải nhận tội.

Được biết, liên quan đến việc công khai xin lỗi và khôi phục danh dự các công dân bị bắt oan trên, Viện KSND tỉnh đã gửi hồ sơ về Viện KSND tối cao đề nghị cấp tạm ứng kinh phí bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho các công dân bị bắt oan. Viện KSND tỉnh đang tiếp tục thực hiện các bước xác định thiệt hại để bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong lời phát biểu tại buổi xin lỗi công khai, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Văn Dựa tuyên bố: “Đại diện cho Viện KSND và Công an tỉnh, hôm nay tổ chức phiên họp công khai chân thành xin lỗi các ông bà, cùng gia đình các ông bà và nhân dân địa phương. Qua đó, thông báo với tất cả quần chúng nhân dân cả nước nói chung, quần chúng nhân dân ở địa phương nơi các ông bà và gia đình đã từng cư trú, sinh sống nói riêng, rằng các công dân Nguyễn Thành Nghị, Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Hồ Long Chánh, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Văn Dũng bị bắt giam từ 1.7.1979 đến ngày 11.5.1983 được trả tự do là hoàn toàn bị oan ức, không đúng như dư luận xã hội trước đây cho rằng đã phạm tội cướp tài sản công dân. Tôi xin nhắc lại là các ông bà trên hoàn toàn bị oan ức, các ông bà trên không phạm tội Cướp tài sản công dân”.

Sau phần phần phát biểu xin lỗi công khai của Viện KSND tỉnh, ông Nguyễn Công Trung, đại diện cho những người bị bắt oan và cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng phát biểu cảm nghĩ. Sau đó, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Văn Dựa tặng hoa cho những người bị bắt oan, như một lời xin lỗi chân thành và chia sẻ những mất mát, thiệt hại mà các công dân bị bắt oan chịu đựng trong thời gian 40 năm qua.

Đức Tiến – Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục