BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viện KSND Thị xã: Truy tố nguyên Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân và hai nhân viên thêm tội tham ô tài sản

Cập nhật ngày: 22/10/2010 - 11:39

Trước đây, Báo Tây Ninh đã có bài phản ánh về các sai phạm của cán bộ, nhân viên xã Thạnh Tân (Thị xã), đã  bị Công an Thị xã bắt giam và  toà án đưa ra xét xử. Tại phiên toà phúc thẩm ngày 7.6.2010, HĐXX đã quyết định huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Sau một thời gian điều tra, mới đây Công an Thị xã đã có bản kết luận điều tra vụ án và chuyển sang Viện Kiểm sát. Mới đây, làm việc với phóng viên Báo Tây Ninh, Viện trưởng VKSND Thị xã Nguyễn Văn Mong cho  biết, VKS đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang toà án, truy tố các bị can với các tội danh: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản, lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.

Hai “cò giấy đỏ” phạm tội như thế nào?

Bị cáo Bùi Ngọc Tùng (giữa), Lê Phước Hồng và Nguyễn Thị Hương tại phiên toà sơ thẩm

Cáo trạng của VKSND Thị xã do Phó Viện trưởng Ngô Văn Lập ký cho biết, vào năm 2007,  nguyên Chủ tịch UBND xã Bùi Ngọc Tùng ký quyết định phân công một số cán bộ phụ trách bộ phận “một cửa” của UBND xã Thạnh Tân, gồm Phó Chủ tịch UBND xã Lê Đức Trí, cán bộ Tư pháp Nguyễn Văn Nguyên, nhân viên hộ tịch Nguyễn Thị Hương... Do Nguyên đi học nên Hương được phân công tạm thay thế Nguyên phụ trách công tác tiếp nhận hồ sơ chứng thực trong giờ hành chính. Thời gian này, Phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã có chủ trương cho các phường, xã được ký uỷ quyền về thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Từ đó, Bùi Ngọc Tùng cùng với lãnh đạo UBND xã chủ trương cho cán bộ xã được nhận uỷ quyền của người dân thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất. Lợi dụng vị trí công tác và quen biết với Bùi Ngọc Tùng, Lê Đức Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Nghề, nên Hương và Lê Phước Hồng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã đã nhận làm giấy đỏ cho nhiều người với giá từ 200.000đ đến 1 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định, Lê Phước Hồng nhận 182 hồ sơ uỷ quyền làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất (nhận làm cho 169 người). Hồng thừa nhận, nhận tiền của 104 người với số tiền là 77.650.000đ nhưng chi phí việc làm hồ sơ hết 8.320.000đ, còn lại hưởng lợi 69.330.000đ. Hồng trực tiếp soạn thảo hợp đồng sang nhượng 43 hồ sơ và hạ giá trị hợp đồng so với giá mua bán thực tế, làm Nhà nước thất thu thuế trước bạ 28.904.600đ, thất thu phí chứng thực 880.000đ. Trường hợp hạ giá trị đất cao nhất là của bà Trần Thị Kim Hương: giá ghi trong hợp đồng là 15 triệu đồng, trong khi giá thực tế là 100 triệu đồng; ông Tạ Phú Phong: giá ghi hợp đồng là 20 triệu đồng nhưng thực tế là 180 triệu đồng. Có trường hợp Hồng ra giá làm giấy đỏ bao trọn gói như trường hợp ông Bùi Anh Tuấn ở ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, Hồng nhận làm 2 hồ sơ với giá 18,5 triệu đồng, khi làm xong hưởng lợi được 9 triệu đồng. Nhiều trường hợp Hồng ra giá với người dân, nếu đưa 1 triệu đồng thì 1 tháng sẽ có giấy đỏ, đưa 500.000đ 2 tháng sẽ có giấy đỏ như trường hợp của ông Trần Công Minh, ông Tô Văn Sinh ở phường Hiệp Ninh,  ông Danh Sa Lây, ông Lê Văn Phước, ông Lê Minh Hương, bà Võ Thị Gái, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng ở xã Thạnh Tân...

Đối với bị can Nguyễn Thị Hương, cơ quan điều tra xác định Hương nhận 82 hồ sơ uỷ quyền làm giấy đỏ với giá thoả thuận từ 200.000đ đến 1 triệu đồng. Hương thừa nhận, nhận tiền 71 người với số tiền là 29.350.000, trừ chi phí hồ sơ còn hưởng lợi 27.575.000đ. Hương còn hạ giá trị hợp đồng, làm thất thu thuế trước bạ và phí chứng thực trên 2 triệu đồng, trong đó có trường hợp hạ giá trị đất của hợp đồng ông Nguyễn Lê Điền từ giá thực tế 155 triệu đồng xuống còn 50 triệu đồng. Cơ quan điều tra cũng xác định, quá trình làm giấy đỏ, Hương ra giá với người dân, nếu đưa 1 triệu đồng thì 1 tháng có giấy đỏ, nếu đưa 500.000đ thì 2 tháng có giấy đỏ, như trường hợp của ông Tô Văn Sinh, ông Nguyễn Thanh Liêm, bà Nguyễn Thị Tâm, bà Cao Thị Sa Mây ở xã Thạnh Tân. Riêng bà Phùng Thị Lợi, Hương ra giá bao trọn gói ra giấy đỏ hơn 20 triệu đồng nhưng khi có giấy đỏ, Hương đòi bà Lợi phải đưa 25 triệu đồng và doạ nếu không đưa sẽ bị Nhà nước phạt. Sợ bị phạt bà Lợi phải chạy lo đủ 25 triệu đồng đưa Hương, thậm chí còn phải đưa thêm tiền xăng 400.000đ. Trong vụ này, bị can Hương hưởng lợi 5 triệu đồng. Trong hàng loạt vụ làm giấy đỏ ăn tiền, có trường hợp của vợ chồng ông Bùi Đức Cường, Hương kêu hai vợ chồng đến nhà ông trưởng ấp Thạnh Hiệp (Thạnh Tân) gặp Hương đưa tiền, nhận giấy đỏ. Vì hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông Bùi Đức Cường vay mượn được 200.000đ đưa trước Hương, còn 300.000đ sẽ đưa sau nhưng Hương không nhận mà kiên quyết nói khi nào có đủ số tiền 500.000đ thì đến nhà Hương nhận giấy đỏ. Vì vậy, vợ chồng ông Cường phải về chạy vạy đủ 500.000đ đem đến nhà Hương đưa đủ, Hương mới chịu giao giấy đỏ. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Dung nhờ em của Hương là Nguyễn Thị Thơm làm giấy đỏ với giá 15 triệu đồng, nhưng qua điều tra Thơm không thừa nhận, còn Hương thừa nhận chỉ nhận tiền đóng lệ phí trước bạ, sau đó đem giấy đỏ về cho bà Dung (!?)

ĐỨC TIẾN

(Còn tiếp)