Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Rời nhà trong đêm, đến sáng sớm 5-7 bà T.T.L., 51 tuổi, đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để khám bệnh. Trong ngày 5-7, bà được siêu âm ổ bụng, chụp X- quang, xét nghiệm công thức máu...
Người bệnh phải nằm ghép 2 -3 người trên giường, phải ngồi truyền hóa chất tại khoa ung bướu Bệnh viện Bạch Mai - - Ảnh: Q.Liên
Tuy nhiên, kết quả chụp chiếu xét nghiệm được trả rải rác hôm sau.
Riêng chụp CT, vì quá đông người bệnh nên bà L. đăng ký từ ngày 5-7 cho đến sáng 7-7 mới được thực hiện.
Nỗi khổ của người bệnh
Thời gian khám - chờ kết quả diễn ra trong nhiều ngày, nhưng vì không muốn thuê trọ nên bà L. lại đón xe về quê ở Phú Thọ rồi sau đó quay trở lại Hà Nội khám bệnh theo lịch hẹn. Nhiều trường hợp nhà quá xa đành ở lại thuê nhà trọ hoặc vạ vật trong bệnh viện rất bất tiện.
Bà L. có bảo hiểm y tế, nhưng lần khám này của bà lại nằm ngoài diện bảo hiểm y tế chi trả do bà vượt tuyến khám ngoại trú.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, nơi lấy và trả kết quả xét nghiệm máu, các khoa phòng nội trú như Trung tâm ung bướu và y học hạt nhân, khoa thần kinh là những nơi quá tải “bùng nổ” nhất.
Ở Trung tâm ung bướu có những giường được xếp điều trị 7-10 người bệnh/giường, nhưng thực tế người bệnh thường nằm ghép 2-3 người/giường, phải ngồi truyền hóa chất...
Trong khi đó, tại nhiều khu vực của Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, tình trạng quá tải khiến cho hàng loạt người bệnh phải nằm ở lối đi, dọc hành lang nối các phòng bệnh. Một số người bệnh cho biết người bệnh nằm hành lang bị phân biệt với bệnh nhân ở trong phòng khi không được mang đồ đạc và không có người nhà chăm sóc trong giờ hành chính.
Nhiều người bệnh tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nằm dọc hành lang lối đi giữa các phòng - Ảnh: Q.Liên
Ảnh hưởng do viện phí tăng
Vào viện được một tuần, anh Q. ở Hải Dương bị biến chứng vẹo đinh đóng tại vết thương cũ mới được phẫu thuật lại. Anh Q. không có bảo hiểm y tế, phải chi trả 100% chi phí điều trị lần này.
Anh Q. cho biết ban đầu nhập viện anh đã đóng 6 triệu đồng viện phí, nhưng trong vòng một tuần đợi mổ chỉ được uống thuốc giảm đau, ngoài ra không được can thiệp gì.
Trước khi được phẫu thuật, anh Q. phải đóng tiếp gần 9 triệu đồng, bao gồm 4 triệu đồng tiền “mổ sớm”, chưa kể chi phí khác nếu như phải nằm viện kéo dài.
Anh Q. cho biết anh cảm thấy mức viện phí mình đã chi trả không thỏa đáng với chất lượng phục vụ tại đây, khi có nhiều người bệnh vào sau mình lại được mổ sớm. Anh thắc mắc điều này với cán bộ trong khoa thì bị mắng, rồi phải nằm ngoài hành lang, đồ đạc phải mang hết ra ngoài trong khi người thân không được ở lại chăm sóc trong giờ hành chính.
"Tôi không đi lại được, người nhà bị đuổi ra ngoài nên rất bức xúc, nhất là mỗi lần vệ sinh cá nhân. Trong khi người nhà của người bệnh ở giường dịch vụ được ở lại nên thuận tiện hơn nhiều" - anh Q. nói.
Đòi hỏi chất lượng
Về nguyên tắc, việc áp dụng viện phí theo thông tư 02 năm 2017 của Bộ Y tế đối với người bệnh không có bảo hiểm y tế, hoặc dịch vụ sử dụng không thuộc diện được bảo hiểm y tế chi trả (như khám ngoại trú vượt tuyến) có thể được 50 bệnh viện thuộc nhóm tự chủ hoàn toàn về tài chính bắt đầu áp dụng từ tháng 6.
Tuy nhiên, các bệnh viện đợi hướng dẫn của Bộ Y tế nên thời điểm áp dụng mức thu mới đối với người bệnh chưa có bảo hiểm y tế ở 50 bệnh viện đầu tiên này có khác nhau.
Song điểm chung ở những bệnh viện đầu tiên áp dụng là nhóm người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không được chi trả do vượt tuyến như bà L. rất phổ biến, họ là đối tượng bị tác động chính của việc áp dụng viện phí mới này. Tuy phải trả tiền cao hơn trước nhưng họ chưa nhận được tiện ích tương ứng như vẫn phải chờ đợi lâu, xếp hàng, chen chúc vạ vật ngoài hành lang hay vườn cây vì có khi hết ghế chờ.
Tại một diễn đàn gần đây được tổ chức ở Hà Nội về chất lượng dịch vụ y tế, đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho rằng mức giá dịch vụ hiện được áp dụng là đủ để mỗi người bệnh được nằm một giường bệnh, giường có đủ các trang bị như nệm, drap, phòng bệnh có điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, trên thực tế lại không như vậy.
Khảo sát thời gian qua tại Nghệ An có bác sĩ khám trên 100 người bệnh/ngày và chất lượng dịch vụ chắc chắn sẽ giảm sút.
4.000
Đó là số người bệnh nội trú mỗi ngày ở Bệnh viện Bạch Mai, thêm khoảng 7.000 người bệnh khám ngoại trú mỗi ngày, trong khi kể cả giường kê thêm bệnh viện chỉ có khoảng 3.300 giường. Do số giường và số người bệnh chênh lệch nên nằm ghép là tất yếu.
Bệnh viện và BHYT lại "đối thoại"
Theo ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN, cơ quan này đang chuẩn bị “tiến hành cuộc đối thoại với các bệnh viện công, có thể là ngay trong tháng 7 này”.
Trong hai cuộc đối thoại được tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM giữa cơ quan bảo hiểm với các bệnh viện tư vừa qua, bệnh viện khiếu nại bảo hiểm chậm tạm ứng, hay đòi xuất toán khiến bác sĩ khó khăn trong chỉ định dịch vụ cho người bệnh, trong khi bảo hiểm lại kêu ca nhiều bệnh viện tư có dấu hiệu lạm dụng dịch vụ, không đủ thầy thuốc theo yêu cầu nhưng vẫn thực hiện dịch vụ...
Với cuộc đối thoại với các bệnh viện công tới đây, chất lượng dịch vụ cần phải cao hơn là vấn đề cơ quan bảo hiểm đòi hỏi. Đây cũng là đòi hỏi của người bệnh, nhất là khi viện phí đã được điều chỉnh tăng thêm và theo lộ trình của Bộ Y tế, có thể ngay trong năm 2017 này tất cả các bệnh viện công sẽ áp dụng viện phí mới với khoảng 18% dân số chưa có bảo hiểm y tế còn lại.
Nguồn TTO