Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viếng thăm cõi vĩnh hằng của vua Khải Định ở Huế

Cập nhật ngày: 30/09/2010 - 09:29

Từ trung tâm TP Huế, đi về phía Tây Nam qua những quả đồi thấp, đường sá khá chật hẹp. Khoảng 10 km là tới lăng vua Khải Định ở triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê). Tương truyền vua Khải Định lấy quả đồi trước mặt làm “tiền án”, lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn làm “Tả Thanh long” và “Hữu Bạch hổ”; khe Châu E làm “Thủy tụ” gọi là “Minh đường”... theo các yếu tố phong thủy: “Tiền án, hậu chẩm, hổ phục, rồng chầu, minh đường, thủy tụ”... Đến nay, dù chính quyền Huế đã làm con đường khá lớn trước cổng lăng, du khách tấp nập, nhưng “Cõi vĩnh hằng” của vị vua thứ 12 triều Nguyễn này vẫn gợi lên nét u tịch giữa một vùng núi non trùng điệp, xanh thẳm. Lăng hầu như giữ nguyên hiện trạng ban đầu, nổi bật mảng màu đen xám từ những cây cột trụ, những con rồng đắp bằng xi măng, bờ rào...

Khác với những lăng mộ các vua triều Nguyễn có không gian cây xanh rất rộng, ao, hồ, bể cạn..., thì nhìn tổng thể lăng Khải Định như một tòa lâu đài kiểu châu Âu, kiến trúc đồ sộ, kết cấu xi măng cốt thép. Lăng hình chữ nhật, diện tích 117 m x 48,5 m với 127 bậc cấp. Vật liệu xây dựng chủ yếu là sắt, thép và ngói Ardoise (mua từ Pháp), đồ sành, sứ và thủy tinh màu (mua từ Trung Quốc, Nhật Bản) trong khi những vật liệu truyền thống như gỗ, vôi, gạch... được sử dụng rất ít. Người ta cho rằng lăng Khải Định hòa lẫn kiến trúc Ấn Độ – những trụ cổng hình tháp; kiến trúc Phật giáo – trụ biểu nhọn dạng Stoupa; châu Âu – hàng rào như những cây thánh giá; kiến trúc Roman – cột bát giác và vòm cửa; nét Đông Á qua những tượng quan văn, võ, voi ngựa theo hầu trước sân chầu...

Điểm nhấn trong lăng Khải Định là cung Thiên Định – được xây ở vị trí cao nhất, là công trình chính của lăng gồm 5 phần: chính giữa là pho tượng nhà vua Khải Định ngự trên ngai, dưới là phần mộ, phía trước là điện Khải Thành, nơi có bàn thờ và chân dung vua, hai bên là Tả, Hữu trực phòng dành cho lính hộ lăng, trong cùng là khám thờ bài vị của vua. Phía sau mộ vua là mặt trời lặn, hình tượng nhà vua băng hà. Tượng vua Khải Định do người Pháp đúc theo ý tưởng của chính vua Khải Định: bằng đồng, có kích thước bằng người thật. Tương truyền vua Khải Định thích ăn mặc diêm dúa, đeo ngọc, hạt xoàn ông cũng lo chưa đủ “tỏa sáng” nên đeo thêm những chiếc... bóng điện quanh đai. Trên đầu vua là bửu tán, được trang hoàng lộng lẫy, nhẹ nhàng như làm bằng lụa, đung đưa rất sống động. Nhưng thực ra chiếc bửu tán này làm bằng một khối bê tông nặng hơn một tấn, được móc lên trần bằng một chiếc móc thép chắc chắn.

Trong cung Thiên Định toát lên là những gam màu vàng rực, huy hoàng, lộng lẫy, khác hẳn vẻ xám xịt ở các khu vực khác. Các mặt tường được tạo thành bởi nghệ thuật khảm kính, sứ rất tinh xảo, tái hiện cảnh từ sắc bốn mùa, danh lam thắng cảnh của đất nước, cảnh cung đình, dân gian sinh động đến những thứ rất hiện đại như: đồng hồ, huy chương... Những người yêu hội họa mê mẩn khi chiêm ngưỡng bức bích họa “Cửu long ẩn vân” trên trần cung Thiên Định do nghệ nhân người Quảng Nam Phan Văn Tánh thực hiện với những gam màu chủ đạo: xanh, đen, trắng hài hòa. Bức họa làm người xem có cảm giác mây và rồng hòa lẫn vào nhau, mây cũng là một phần của rồng, tạo ra một khung cảnh rất kỳ bí... Các họa sĩ hiện đại Việt Nam cho rằng bức bích họa này không chỉ hoành tráng mà còn đạt tới độ mỹ thuật cao nhất trong nền hội họa nước ta. Tương truyền khi vua Khải Định lên thăm thì tác giả chuyển từ vẽ bằng tay sang vẽ bằng chân để nhắc nhở vua về sự tốn kém khi xây lăng. Trong cung Thiên Định trang trí nhiều chữ “Phúc”, “Thọ” và “Vạn thọ” được cách điệu hóa thành nhiều hình thức phong phú, thể hiện quan niệm “sống gởi thác về” của các vua thời Nguyễn: lăng tẩm không chỉ là nơi giữ thi hài mà còn là ngôi nhà của vua ở cõi vĩnh hằng. Theo giới chuyên môn, nghệ thuật trang trí ở cung Thiên Định có giá trị thẩm mỹ cao nhất trong lăng Khải Định. 

K.D (st)