Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam được nêu trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2024 của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF).
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
Ngày 09/5/2024, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với báo cáo tự do tôn giáo năm 2024 của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:
Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân. Tại Việt Nam, không ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật. Điều này đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được tôn trọng trên thực tế. Các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng đã được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao. Đây cũng là những đánh giá, nhận xét của các nước tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ.
Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam được nêu trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2024 của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF). Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tiếp tục phối hợp tìm kiếm ngư dân mất tích ở Quảng Bình
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thông tin liên quan đến các tàu cá của Quảng Bình gặp nạn trên biển, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết:
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trong các ngày 02 và 03/5/2024, 04 tàu cá của tỉnh Quảng Bình cùng 24 ngư dân đã gặp nạn khi đang hoạt động trên biển. Các lực lượng chức năng và tàu cá của Việt Nam đã phối hợp với lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc tích cực tìm kiếm, cứu nạn ngư dân. Cho đến nay, các lực lượng đã cứu được 13 ngư dân, tìm thấy 01 ngư dân thiệt mạng và đang tích cực tìm kiếm 10 ngư dân còn lại.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã trao đổi, làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin cho cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc, đề nghị Trung Quốc tăng cường cử lực lượng, phương tiện cần thiết, tiến hành tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân đang mất tích. Đến nay, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cử các phương tiện phối hợp với Việt Nam hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm.
Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc tích cực tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, theo dõi cập nhật, tình hình vụ việc và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân kịp thời.
Chưa có đủ thông tin để đánh giá cụ thể mức độ tác động của dự án kênh đào Funan Techo
Tại họp báo, phóng viên đề nghị Người phát ngôn bình luận, xác nhận cũng như cung cấp thông tin liên quan đến kênh đào Funan Techo của Campuchia.
Theo đó, trong một cuộc họp gần đây tại Campuchia, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol khẳng định nước này không lơ là việc cung cấp thông tin về kênh đào Funan Techo cho Việt Nam cả chính thức và không chính thức.
Ông Sun Chanthol cũng cho biết, dự án chỉ cần 5m3/s, tương đương 0,053% lưu lượng sông và khẳng định kênh đào Funan Techo thậm chí còn góp phần giảm nhẹ lũ lụt ở miền Nam Việt Nam.
Trả lời câu hỏi trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Những thông tin chúng tôi có được tới thời điểm này về dự án Funan Techo chưa đủ để đánh giá cụ thể về mức độ tác động của dự án này”.
Vì vậy, như phát biểu ngày 5/5, người phát ngôn cho biết, mong muốn phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong, chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án và tiến hành đánh giá chi tiết các tác động của dự án này với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong và đồng thời cũng là các biện pháp quản lý chung và dài hạn, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Mekong.
Hoan nghênh Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến phiên điều trần của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
Chúng tôi hoan nghênh Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức phiên điều trần ngày 8/5 vừa qua và đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường. Đồng thời, nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, thực tế cho đến nay đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản... Việt Nam cũng tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.
“Việc Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước”, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh./.
Nguồn dangcongsan