Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Việt Nam hấp dẫn DN bán lẻ Nhật Bản
Chủ nhật: 13:51 ngày 19/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vài năm trở lại đây, hàng tiêu dùng Nhật Bản dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.

Ảnh minh hoạ

Đây không chỉ là cơ hội kinh doanh của các DN Nhật Bản mà còn là động lực để các DN Việt Nam cải thiện chất lượng nâng sức cạnh tranh.

Theo ông Kazuhiro Takahashi, Giám đốc phòng thực phẩm, nông lâm thủy sản của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là một trong những thị trường kinh doanh thực phẩm tiềm năng của các DN Nhật Bản, nhất là mặt hàng thủy, hải sản.

Ông Katsuya Uchida, đại diện Công ty Kyokuyo cho biết, thị trường Việt Nam hiện đang chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của công ty. Trong đó, cá hồi và cá ngừ là sản phẩm được tiêu thụ mạnh nhất và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

Để thúc đẩy xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường, các DN sản xuất hàng tiêu dùng và kinh doanh thực phẩm của Nhật Bản còn có xu hướng Việt hóa một số tiêu chí của sản phẩm để phù hợp với thị hiếu và khẩu vị của người Việt.

Không những thế, nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, DN Nhật Bản còn tích cực tìm kiếm các đối tác có khả năng cung ứng nguyên, vật liệu ngay tại Việt Nam.

Mới đây, hơn 80 DN Nhật Bản và DN tại Đồng Nai đã tham gia hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp trong tỉnh nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển giữa hai bên và kêu gọi đầu tư, hợp tác phát triển.

Đại diện các DN Nhật Bản đang sản xuất, kinh doanh tại Đồng Nai cho biết, hầu hết họ đều phải nhập khẩu từ 60-90% nguyên liệu, linh kiện sản phẩm từ nước ngoài về phục vụ sản xuất.

Vì vậy, các DN này mong muốn tìm được những đối tác, bạn hàng phù hợp tại thị trường Việt Nam, để cung ứng hàng hóa, sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh nhằm giảm tỉ lệ nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và tăng tỉ lệ sản xuất nội địa.

Là một trong những hệ thống siêu thị Nhật Bản lớn nhất có mặt tại Việt Nam, chính sách hàng hóa của Aeon tại thị trường Việt Nam là dành 80% cho hàng Việt, 20% còn lại là hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản và các quốc gia khác.

Theo đại diện Aeon Việt Nam, sự xuất hiện ồ ạt của các DN bán lẻ của Nhật là cơ hội rất tốt cho các sản phẩm uy tín của Việt Nam xuất hiện trong hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ quy mô lớn.

Các hệ thống phân phối, bán lẻ của Nhật Bản không chỉ giúp DN Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước mà còn tạo điều kiện để sản phẩm Việt Nam vươn mình ra thị trường Nhật Bản và khẳng định thương hiệu ở các nước khác.

Tuy nhiên, để có thể tham gia vào các hệ thống phân phối, bán lẻ của Nhật Bản, hàng hóa cần phải có chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được kiểm định chất lượng theo đúng quy định của pháp luật cũng như những tiêu chuẩn chất lượng của từng siêu thị.

Theo các chuyên gia, sự ưa chuộng sản phẩm Nhật Bản của người tiêu dùng đang mở ra cơ hội để DN Việt hoàn thiện chính mình để tăng sức cạnh tranh.

Các DN Việt Nam cần có hoạch định chiến lược để sản xuất ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, để hàng hóa Việt được nằm trên kệ bán hàng của doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp Việt phải đảm bảo các tiêu chí an toàn chất lượng, phù hợp với đa tầng các đối tượng và thích hợp theo mùa.

Hiện Bộ Công Thương đã tiếp cận một số hệ thống phân phối đang có mặt tại Việt Nam như Aeon, Wallmart, Lotte, Auchan… và một số hệ thống phân phối nước ngoài chưa có tại thị trường Việt Nam như Co.op Italia, Bonat Italia, Central Group, Ocean Pháp, Metro của Đức… để đẩy mạnh phân phối trực tiếp sản phẩm Việt Nam vào thị trường thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những hỗ trợ từ phía Nhà nước, DN cần nâng cao chất lượng hàng hóa và giá cả hợp lý để nâng sức cạnh tranh.

Ngoài ra, cần liên kết giữa các hiệp hội để tạo những nhóm cung ứng sản phẩm số lượng lớn, tạo điều kiện cho DN nhỏ tiếp cận thị trường.

Người tiêu dùng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm nên thay vì việc cạnh tranh về giá, DN nên cải thiện chất lượng để phát triển bền vững.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục