Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống kháng thuốc Việt Nam ngày 21/12 kêu gọi cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống kháng thuốc Việt Nam phối hợp cùng văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) kêu gọi cam kết mạnh mẽ hơn nữa từ các ngành cùng chung tay "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm".
Tại sự kiện ở TP HCM ngày 21/12, giáo sư Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống kháng thuốc Việt Nam, cho biết đang nỗ lực tiếp cận nhiều ban ngành, cộng đồng cùng tham gia ngăn chặn sử dụng kháng sinh không đúng, lạm dụng kháng sinh.
Tổ chức Y tế thế giới đang phối hợp tăng cường triển khai hoạt động quản lý thuốc kháng sinh trong bệnh viện. Điều này giúp tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh nhằm nâng cao tính hiệu quả cho người bệnh và giảm các hậu quả bất lợi, bao gồm kháng thuốc kháng sinh.
Ảnh: wnyc.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam, cho biết bên cạnh quản lý ở bệnh viện, tổ chức này còn hỗ trợ thâm nhập vào cộng đồng, phát huy vai trò chủ đạo của từng cá nhân, từng nhóm đối tượng và các ngành nghề trong công cuộc phòng chống kháng thuốc.
Theo tiến sĩ Albert T. Lieberg, Trưởng đại diện văn phòng FAO tại Việt Nam, sản xuất lương thực và sinh kế của người nông dân có thể bị thiệt hại do hiệu lực của kháng sinh không còn để điều trị các vật bị bệnh. Sức khỏe của nông dân có thể bị đe dọa khi tiếp xúc với vật nuôi mang vi khuẩn kháng thuốc. Do đó cần sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong sức khỏe động vật, giảm thiểu kháng thuốc.
Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng đã tăng gấp hai lần. Có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 91%.
Hàng năm trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc. WHO dự báo đến năm 2050 chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong trong mỗi năm. Hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với khủng hoảng tài chính.
Nguồn VNE