Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam phát hiện 5 ổ dịch Covid-19 lớn trong 10 ngày
Chủ nhật: 13:24 ngày 09/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ 28/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 256 ca mắc Covid-19 trong nước với đa ổ dịch và nguồn lây nhiễm.

Làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát tại Việt Nam được đánh giá là khó khăn, phức tạp hơn do có sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 từ Anh và Ấn Độ. Dịch xuất hiện ở nhiều địa phương cùng lúc, đặc biệt, 2 bệnh viện tuyến trung ương trở thành ổ siêu lây nhiễm.

Hà Nam

Ngày 28/4, Hà Nam ghi nhận một người đàn ông nhiễm nCoV sau khi hết thời gian cách ly. Người này là nguồn lây cho 14 ca bệnh khác tại tỉnh Hà Nam, một trường hợp ở TP.HCM, 3 ca tại Hà Nội và 2 người ở Hưng Yên.

Tính đến 6h ngày 9/5, tổng số trường hợp nhiễm nCoV liên quan ổ dịch tại Hà Nam là 22 người. Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 tại Hà Nam đã trải qua 3 chu kỳ lây nhiễm. Đặc biệt, bệnh nhân nhiễm biến chủng B.117 từ Anh - loại được cảnh báo có khả năng lây nhiễm cao gấp 70% so với chủng cũ.

BN2899 (F0 đầu tiên của ổ dịch) đã không thực hiện đúng quy định phòng, chống Covid-19 sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Anh và gia đình tổ chức tiệc, tụ tập đông người, di chuyển nhiều nơi. Người đàn ông này đang bị xem xét xử lý hình sự.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại thôn Quan Nhân, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Ảnh: BYT.

Vĩnh Phúc

Các mắc Covid-19 đầu tiên của ổ dịch này được phát hiện vào ngày 2/5, gồm 6 nhân viên tại quán bar Sunny, nơi chuyên gia Trung Quốc mắc Covid-19 đã ghé qua. Đến sáng 8/5, Vĩnh Phúc phát hiện tổng cộng 33 ca bệnh.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa cũng ghi nhận ca mắc liên quan ổ dịch này. Qua giải trình tự gene của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, virus lưu hành tại ổ dịch ở Vĩnh Phúc là biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.

Điều này cho thấy 2 nhóm chuyên gia Ấn Độ và Trung Quốc đã lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung - khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái), xuất phát từ những lỗ hổng trong quản lý người cách ly, khiến dịch lan ra cộng đồng.

Quán bar Sunny tại TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Ngọc Tân.

Đà Nẵng

Ngày 3/5, Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm nCoV ngoài cộng đồng nhưng chưa rõ nguồn lây. Người mắc Covid-19 là nhân viên bán vé khu vực Spa tại khách sạn Phú An, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Nam bệnh nhân đã lây cho 3 người tại Đà Nẵng (1), Quảng Nam (1), Đồng Nai (1).

Đến ngày 7/5, Đà Nẵng ghi nhận thêm một trường hợp khác nhiễm nCoV, làm việc tại quán bar New Phương Đông, phát hiện mắc Covid-19 tại Đồng Nai. Người phụ nữ này nhiễm nCoV do tiếp xúc với nam nhân viên bán vé khu vực spa nói trên. Tổng số người liên quan ổ dịch này là 18, gồm Đà Nẵng (16), Quảng Ngãi (1), Quảng Nam (1).

Chủng virus SARS-CoV-2 lây lan tại ổ dịch ở Đà Nẵng là biến chủng B.117 từ Anh.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội)

Tối 4/5, ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, xác nhận nam bác sĩ công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu của cơ sở y tế này dương tính với SARS-CoV-2. Người này được phát hiện mắc Covid-19 khi đi công tác nước ngoài.

Một ngày sau, 14 ca dương tính mới đã được phát hiện tại nơi điều trị số lượng bệnh nhân Covid-19 lớn nhất cả nước này. Họ là các bệnh nhân đang điều trị. Ngay lập tức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 thực hiện cách ly y tế. Số người nhiễm virus tăng lên từng ngày.

Hiện, tổng số người mắc Covid-19 liên quan ổ dịch này (đã được Bộ Y tế công bố) là 95. Họ gồm 4 nhân viên y tế, 37 bệnh nhân, 45 người nhà, 9 F1.

Dịch Covid-19 từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã lan ra 16 tỉnh, thành và 2 bệnh viện (Bệnh viện Quân Y 105). Họ đều là bệnh nhân hoặc người nhà đến chăm sóc thân nhân tại bệnh viện trong thời gian từ 20/4 đến 5/5 và đã trở về địa phương.

Bộ Y tế đã lập danh sách 685 người nhập viện trong khoảng thời gian trên. Hiện tại, cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho 1.435 nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà tại 2 cơ sở Đông Anh (835 mẫu) và Giải Phóng (600 mẫu). Bước đầu, tất cả nhân viên làm việc ở khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Phun khử khuẩn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau chùm ca mắc Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Theo ông Thạch, qua giải trình tự gene, bệnh viện ghi nhận sự lưu hành của biến chủng virus được phát hiện tại Anh (B.1.1.7) và Ấn Độ (B.1.617). Trong khi đó, bệnh viện có nguy cơ lây nhiễm cao do bệnh nhân di chuyển từ các địa phương trong khu vực về thăm khám đông. Một số người không có biểu hiện lâm sàng mắc Covid-19 khiến công tác phân luồng, khám sàng lọc ban đầu còn nhiều khó khăn.

Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), nhận định nguồn lây virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện hơn một tuần trong bệnh viện và trải qua 2-3 chu kỳ lây nhiễm. Ông cũng cho rằng ổ dịch này có tốc độ lây nhanh nhất từ trước đến nay.

Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội)

Sáng 7/5, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều phát hiện 10 trường hợp dương tính với nCoV là bệnh nhân và người nhà. Trong đó, một trường hợp từng điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Toàn bộ 3 cơ sở của Bệnh viện K đều phong tỏa từ 5h30 ngày 7/5.

Hiện, ổ dịch này ghi nhận 16 ca mắc Covid-19, gồm 9 bệnh nhân và 7 người nhà. Năm tỉnh, thành liên quan ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện K là Hà Nội (12), Quảng Ninh (1), Bắc Giang (1), Thái Bình (1), Hải Phòng (1).

Bệnh viện K Tân Triều "nội bất xuất, ngoại bất nhập" từ 5h30 ngày 7/5. Ảnh: Quốc Vương.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện K rất đáng lo vì có nhiều bệnh nhân ung thư, hệ miễn dịch suy yếu, dễ bị virus tấn công. "Đây cũng là bài học trong quản lý cách ly, người ra vào bệnh viện và minh chứng rõ ràng nhất cho câu chuyện một khi Covid-19 vào bệnh viện, mức độ lây nhiễm sẽ rất khủng khiếp", bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định.

Ngoài 5 ổ dịch lớn nói trên, một số nơi như Hải Dương, Thường Tín (Hà Nội) cũng phát hiện các chùm ca bệnh phức tạp.

Tại Hải Dương, ngày 7/5, cơ quan chức năng ghi nhận 2 ca bệnh tại cộng đồng. Ca chỉ điểm phát hiện mắc Covid-19 sau khi có triệu chứng ho, uống thuốc không đỡ và đi xét nghiệm tự nguyện. Trường hợp này chưa thể tìm ra nguồn lây. Hiện tại, một F1 của bệnh nhân trên đã trở thành F0.

Tại Thường Tín, chùm ca bệnh đều là người thân trong một gia đình. Ca bệnh đầu tiên của ổ dịch này là BN3092, người đàn ông mắc Covid-19 sau khi trở về từ Đà Nẵng. Nguồn lây của chùm ca bệnh này là chuyên gia Trung Quốc mắc Covid-19, ở chung khách sạn Mường Thanh, đường Võ Nguyên Giáp, Đà Nẵng.

Đến nay, tổng số ca bệnh tại huyện Thường Tín là 10, đều là những người thân trong một gia đình.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục