Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Việc tiêm thử nghiệm vaccine trên chuột đã được thực hiện 2 tuần nay nhằm đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế (Vabiotech) cho biết, ngay từ khi Việt Nam ghi nhận những ca mắc Covid-19 đầu tiên, các nhà khoa học của công ty đã hợp tác cùng Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vaccine phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus. Nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus này.
(Ảnh minh họa)
Kháng nguyên của SARS-CoV-2 trong thành phần vaccine khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vaccine.
“Với việc bước đầu phát triển thành công dự tuyển vaccine phòng Covid-19 ở quy mô phòng thí nghiệm trong nhiều tuần qua, các nhà khoa học Việt Nam đã tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Việc tiêm thử nghiệm vaccine này trên chuột đã được thực hiện 2 tuần nay”- TS. Đỗ Tuấn Đạt cho biết.
Cũng theo TS. Đạt, trong tuần tới, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus SARS-CoV-2.
Sau giai đoạn này, vaccine phòng Covid-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất và tiêm thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính an toàn cũng như tính sinh miễn dịch của dự tuyển vaccine này.
TS. Đỗ Tuấn Đạt thông tin thêm, hiện chưa có một nghiên cứu nào đánh giá việc ứng dụng vaccine phòng virus corona. Đối với SARS-CoV-2, hiện nay các nước trên thế giới cũng đều đang tiến hành thử nghiệm trên động vật, có 8 thử nghiệm được thực hiện trên người tại một số quốc gia có khả năng thực hiện, nhưng chưa có đánh giá.
"Với vaccine, cả thế giới đều tuyên bố là phải chậm, chưa có vaccine ngay. Đây mới chỉ là đánh giá ban đầu. Sau giai đoạn này, nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, đánh giá trên động vật về tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch, tiếp sau đó mới thử nghiệm trên người. Hiện nhóm nghiên cứu đang nỗ lực để hoàn thiện từng bước"- TS. Đạt cho biết.
Nguồn VOV.VN