Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khu vực ngã ba Khe Đon đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc nổ mìn khai thác đá ở núi Phụng.

Bài liên quan:>>Sống chung với... ầm đùng
Báo Tây Ninh số ra ngày 14.5.2012 có đăng bài “Sống chung với… ầm đùng”, phản ánh về việc nhiều người dân ở khu vực ngã ba Khe Đon (thuộc ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, Thị xã) đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc nổ mìn khai thác đá ở núi Phụng. Sau khi báo phát hành, chúng tôi đã tìm gặp một số người có trách nhiệm liên quan để lắng nghe thêm ý kiến từ phía họ. Điều ghi nhận được là những người mà chúng tôi đã gặp đều không coi đó là trách nhiệm của mình.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu và Xây dựng Tây Ninh cho biết: Sau khi báo chí phản ánh tình trạng nói trên, ông Nghĩa và những người có trách nhiệm trong công ty đã kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức đi khảo sát hiện trường. Ông cho rằng những căn nhà và tài sản trong nhà của người dân ở khu vực ngã ba Khe Đon bị hư hao là do nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong đó không có nguyên nhân nào liên quan đến việc khai thác đá của công ty ông. Chẳng hạn như bộ đèn chùm trong nhà bà Nguyễn Thị Hạnh bị rơi từ trần nhà xuống ghế sa-lông là do đèn móc trên cọng kẽm nhỏ xíu, lâu ngày cọng kẽm bị mục, nên bộ đèn mới rớt xuống. Còn cửa phòng bị bể có thể là do… đóng cửa quá mạnh tay, chứ xét theo… hướng mìn nổ thì không thể gây bể cửa phòng này được (?) Bởi cánh cửa sau căn nhà đối diện với hướng mìn nổ còn không bể nữa là!
![]() |
Các xe cơ giới vẫn không ngừng xẻ núi |
Nói về tường nhà người dân bị nứt, ông Ngĩa cũng cho rằng đó là do xây lấn trên đất công, cặp trên một cái ao nhưng chủ nhà chỉ đổ đá rồi xây lên. Do cách làm nền móng không vững chắc như thế nên chuyện tường bị nứt là điều không thể tránh khỏi. Cũng theo ông Nghĩa, căn cứ vào vị trí nổ mìn vào trưa ngày 10.5.2012 mà người dân đã chỉ và cho rằng đã dẫn đến hư hao tài sản của họ là thuộc khu vực khai thác đá của Công ty TNHH Thắng Lợi chứ không phải của Công ty cổ phần Vật liệu và Xây dựng Tây Ninh.
Trả lời về việc ông Tống Bá Trác phản ánh mái tôn nhà ông bị thủng nhiều chỗ và vườn mãng cầu của ông bị hư hại do đá văng, ông Nghĩa cho biết: Mặc dù công ty của ông khai thác đá đến tháng 7.2013 là hết hạn nhưng công ty đã bồi thường cho những người dân làm rẫy, làm vườn quanh khu vực khai thác đá, trong đó có gia đình ông Trác đến năm 2015, nghĩa là bồi thường vượt mức giá trị thực tế cả 2 năm. Còn về ý kiến phản ảnh việc khai thác đá đã làm xoá mất một di tích cách mạng trên sườn núi- nơi Liên đội 7 trinh sát (thuộc Quân khu 7) từng đóng quân, ông Nghĩa khẳng định: “Nơi đây không phải là di tích gì cả, vì không được cấp nào chứng nhận”. Theo ông Nghĩa: Qua tìm hiểu thì nơi đây có một chiến sĩ Liên đội 7 hy sinh, mà cũng không xác định được vị trí hy sinh ở chỗ nào. Trong quá trình khai thác đá, một số cựu chiến sĩ Liên đội 7 đến xin công ty cho xây một nấm mộ giả bên đường để tưởng nhớ đồng đội. Thấy việc xây nấm mộ này không ảnh hưởng gì đến việc khai thác đá nên công ty của ông đã đồng ý. Ông Nghĩa cũng nói chắc như đinh đóng cột: “Chúng tôi khai thác theo kiểu khi đóng cửa mỏ đá thì sẽ phục hồi lại được cảnh quan”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Lân- Trưởng phòng Hành chính tổng hợp tổ chức- Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hoá- danh thắng và du lịch núi Bà Đen (BQL KDT) khẳng định: Di tích Liên đội 7 thuộc di tích lịch sử cách mạng động Kim Quang, giao cho huyện Hoà Thành quản lý. Hiện nay, quần thể núi Bà Đen được giao cho nhiều đơn vị khai thác tuỳ theo chức năng của mình, như giao cho các công ty khai thác đá, giao cho Công ty Du lịch hợp đồng xây dựng hệ thống cáp treo, máng trượt đến 50 năm. Riêng BQL KDT chỉ có trách nhiệm quản lý hơn 478.000 mét vuông- đoạn từ ngã ba Nghĩa trang liệt sĩ Hoà Thành đến dốc Thượng trên núi- còn từ dốc Thượng đến chùa Bà, chùa Hang là thuộc quyền quản lý của Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa- Viện chủ các chùa núi Bà. Phần núi còn lại thì thuộc quyền quản lý của Chi cục Kiểm lâm.
Trong khi trách nhiệm còn… chưa biết rơi vào ai thì nhiều hộ dân ở khu vực ngã ba Khe Đon hằng ngày sẽ vẫn tiếp tục sống trong… ầm đùng. Họ không biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh này?
Dương Sông Ninh
Ngày 16.5.2012, tiếp xúc với phóng viên, ông Huỳnh Văn Quang- Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: Sau khi Báo Tây Ninh phản ánh những ý kiến bức xúc của người dân xung quanh việc khai thác đá ở núi Phụng, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và báo cáo để UBND tỉnh có hướng chỉ đạo tiếp tục. |