BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viết tiếp chuyện mua bán trâu bò vùng biên giới

Cập nhật ngày: 06/05/2010 - 07:24

Bài liên quan:

Bát nháo chuyện mua bán trâu bò vùng biên giới

>> Kỳ 1: Từ một vụ buôn lậu bị phát hiện

>> Kỳ 2: Trâu bò “đại hạ giá”!

>> Kỳ 3: Bất nhất trong xử lý

>> Kỳ cuối: Công ty Kim Thành và thương lái “tố” nhau


Kỳ 1: “Buôn lậu” công khai ở Tân Biên

Sau khi Báo Tây Ninh có loạt bài phản ánh tình trạng bát nháo trong việc nhập lậu trâu bò ở khu vực biên giới huyện Châu Thành, chúng tôi nhận được nhiều thông tin từ bạn đọc, cho biết: ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tình trạng nhập lậu trâu bò từ Campuchia sang cũng bát nháo, phức tạp không kém huyện Châu Thành. Phóng viên đã vào cuộc, sang tận bên kia biên giới để tìm hiểu hoạt động mua bán mặt hàng “nông sản đặc biệt” này.

Khu cách ly kiểm dịch thành điểm tập trung trâu, bò lậu

Từ nhiều năm nay, Tây Ninh là thị trường tiêu thụ trâu bò quan trọng của người dân nước láng giềng Campuchia. Hay nói cách khác, Campuchia là nguồn cung cấp trâu bò thịt quan trọng cho thị trường Tây Ninh. Trên địa bàn huyện Tân Biên, trâu bò từ Campuchia vào Tây Ninh được “gom về một mối” và chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch bằng lối duy nhất qua cạnh chốt dân quân Đập Đá. Tất nhiên, cũng như một số địa phương khác, trâu bò từ Campuchia sang Tây Ninh dưới hình thức nhập lậu, không đóng thuế nhập khẩu và hầu hết đều không được kiểm dịch.

Trâu bò lậu Campuchia vào ấp Tân Tiến được lùa vào khu cách ly kiểm dịch trước khi đưa đi tiêu thụ. Ảnh chụp sáng ngày 1.5.2010

Cuối năm 2009, cơ quan chức năng cho phép 3 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 3 khu cách ly kiểm dịch trâu bò khu vực biên giới tại ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Đầu tháng 1.2010, các cơ sở này được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh Thú y và đi vào hoạt động. Những tưởng sau khi chính thức ra đời, các khu cách ly kiểm dịch này sẽ “hoàn thành sứ mạng” của mình là: nhập khẩu trâu bò từ Campuchia vào Tây Ninh bằng đường chính ngạch qua các cửa khẩu có hải quan và mua gom trâu bò của cư dân biên giới sau khi đưa từ Campuchia vào Tây Ninh qua đường tiểu ngạch, có sự xác nhận của đồn biên phòng trên địa bàn. Từ đó, ngoài việc phục vụ hiệu quả cho việc phát triển thương mại khu vực biên giới, các khu cách ly- kiểm dịch trâu bò còn góp phần ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tình trạng nhập lậu trâu bò, tăng ngồn thu cho Nhà nước. Thế nhưng, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, cả 3 trạm cách ly -kiểm dịch ở Tân Biên đều bị “treo lơ lửng” do… cơ chế (vướng mắc này sẽ được phân tích rõ ở phần sau)! Cho nên, các trạm cách ly -kiểm dịch này nếu không “tự thân vận động” để tồn tại, sau khi bỏ khá nhiều tiền đầu tư (bằng cách trở thành điểm tập trung trâu bò nhập lậu) ắt sẽ trở thành nơi hoang vắng. Nguyên nhân là do sự phối kết hợp thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ của các ngành, các cấp và thiếu sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan có thẩm quyền quản lý thương mại khu vực biên giới đối với hoạt động nhập khẩu trâu bò.

Chủ một khu cách ly - kiểm dịch cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam và chủ trương của tỉnh, sau khi được xây dựng hoàn chỉnh và được Cục Thú y thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, các khu cách ly - kiểm dịch này được phép mua trâu bò của cư dân biên giới đưa từ Campuchia vào. Tuy nhiên, cho đến nay, Biên phòng không làm thủ tục kê khai, thu thuế đối với số trâu bò từ Campuchia sang nên có trạm không thể đưa trâu bò vào kiểm dịch một cách hợp pháp bởi toàn bộ trâu bò này đều bị coi là nhập lậu. “Chúng tôi đến đồn biên phòng hỏi vì sao không làm thủ tục cho nhập khẩu trâu bò thì được trả lời là tỉnh chưa có ý kiến chỉ đạo nên chưa thực hiện”.

Mỗi tháng có hơn 6.000 con trâu bò lậu vào Tân Biên

Điều đáng nói là mặc dù Biên phòng “chưa chính thức cho phép nhập khẩu” nhưng theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành Thú y, mỗi ngày vẫn có trung bình trên 200 con trâu, bò từ Campuchia sang Việt Nam bằng lối mòn dài chừng 400m trên địa bàn ấp Tân Tiến. Số trâu bò trên vào nội địa gần như công khai, ung dung vào các trại cách ly để đi tiêu thụ hoặc vào các trại bò ở xã Tân Lập, hoặc rong ruổi ra tận các vườn cao su ven quốc lộ 22B, chờ đưa lên xe tải. Trong khi đó, mặc dù toàn bộ số trâu bò trên coi như là “nhập lậu” nhưng cán bộ thú y phụ trách các khu cách ly kiểm dịch vẫn làm thủ tục tiêm phòng, kiểm dịch để đưa đi tiêu thụ. Giải thích điều này, một cán bộ thú y cho biết: “Nếu không làm các thủ tục này, họ (lái buôn và chủ khu cách ly) vẫn đưa trâu bò đi giết mổ. Như vậy vừa không kiểm soát được dịch bệnh, lại vừa mất nguồn thu”. Theo quy định, số trâu bò từ Campuchia sang phải nằm trong khu cách ly 15 ngày, nhưng ở Tân Tiến, trâu bò chỉ vào khu kiểm dịch 1 buổi hoặc vài ba ngày là đã biến thành “thực phẩm” từ các lò mổ.

“Cùng ở Tây Ninh nhưng việc quản lý, kiểm soát hoạt động mua bán trâu bò nhập khẩu giữa Tân Biên và Châu Thành hoàn toàn khác nhau. Châu Thành thì cho phép các khu cách ly kiểm dịch mua gom, cho phép thương lái làm thủ tục nhập khẩu tại Đồn Biên phòng và thường xuyên tổ chức bắt giữ, xử lý trâu bò nhập lậu. Tân Biên thì ngược lại, ngành chức năng không cho nhập chính thức nhưng lại “bỏ ngỏ” để thương lái nhập lậu trâu bò một cách ồ ạt. Nếu như cho phép chúng tôi nhập trâu bò theo quy định, cớ gì chúng tôi phải nhập lậu để phải mất tiền “lót đường” còn cao hơn tiền thu tại các khu cách ly”, một thương lái nói.

BẢO TÂM

Kỳ tới: Hành trình “vượt biên” của trâu bò Campuchia