Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tây Ninh có đoạn biên giới đất liền dài hơn 240 km, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Suốt 47 năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ biên phòng trên mọi miền đất nước về đây chiến đấu, xây dựng, bảo vệ an toàn đoạn biên giới cửa ngõ Tây Nam tổ quốc.
Đại tá Phạm Đình Triệu- Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ BĐBP Tây Ninh.
Trải qua 47 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, mỗi bước đi lên của BĐBP Tây Ninh luôn gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của tổ quốc, của quê hương Tây Ninh "Trung dũng - Kiên cường”.
Đó là chiến sĩ Biên phòng Đồn Xa Mát luôn gan dạ, dũng cảm, "một tấc không đi, một ly không rời", 5 ngày đêm vững vàng bảo vệ từng tấc đất của quê hương; chiến sĩ Biên phòng Đồn Phước Tân oai hùng, bất khuất, "Quyết tử bảo vệ biên giới" chống chọi với 2 trung đoàn địch đến viên đạn cuối cùng; Đồn biên phòng Lò Gò nêu cao khẩu hiệu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", kiên cường bám trụ, gánh chịu hơn 3.000 quả đạn pháo để bảo vệ sự toàn vẹn của tổ quốc...
Các Đồn biên phòng Mộc Bài, Phước Chỉ, Lò Gò, Vàm Trảng Trâu, Chàng Riệc, Kà Tum, Tống Lê Chân đều nêu cao khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không rời", đứng vững trên vị trí tiền tiêu, kiên cường đánh trả địch hơn 450 ngày đêm.
Các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang nêu cao khẩu hiệu “Quyết tử bảo vệ biên giới” anh dũng chiến đấu tới viên đạn sau cùng.
Trong 450 ngày đó, có lúc phải ăn gạo sấy, uống nước mưa, chiến đấu trong công sự, hầm hào ngập nước, nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang tỉnh nhà- tiền thân của BĐBP Tây Ninh đã đoàn kết thi đua lập công, chiến đấu và phối hợp chiến đấu 385 trận, diệt 1.285 tên địch, bắt và gọi hàng 26 tên, bắn bị thương nhiều tên khác, thu và phá huỷ 443 vũ khí các loại, 4,5 tấn đạn và nhiều đồ dùng, phương tiện chiến tranh khác. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc này, có 125 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự toàn vẹn độc lập chủ quyền lãnh thổ.
Những trang sử truyền thống đầu tiên của lực lượng BĐBP Tây Ninh đã thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sĩ vì nước quên thân, vì chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đảng và nhà nước đã ghi nhận công lao, thành quả cách mạng đó bằng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hai Đồn biên phòng Xa Mát và Phước Tân; tặng 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 141 Huân chương chiến công (I, II, III); Trung ương Đoàn trao tặng danh hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Đồn Lò Gò… Đó là những minh chứng cho truyền thống hào hùng, bất khuất, một dạ kiên trung của lực lượng BĐBP Tây Ninh trong những năm đầu thành lập.
Đồn biên phòng Phước Tân tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử đơn vị cho cán bộ chiến sỹ trẻ.
Chiến tranh biên giới Tây nam kết thúc, các thế lực thù địch, phản động, bọn tội phạm, cướp vũ trang, buôn lậu, gian lận thương mại không ngừng hoạt động, lực lượng biên phòng lại phải ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn trước mắt.
Các Đồn Kà Tum, Chàng Riệc, Vàm Trảng Trâu, Phước Tân với những ngày kiên cường bám trụ, vận dụng đối sách khôn khéo kiên quyết chống lại hàng chục vụ xâm canh, xâm cư giành lại từng tất đất mà có lúc tưởng chừng khó tránh được xung đột nảy lửa. Đã có chiến sĩ nằm xuống để giữ màu xanh cho rừng giữa thời bình, mỗi khi nhắc đến, mọi người không khỏi bùi ngùi, cảm phục.
Đáng chú ý nhất trong 10 năm trở lại đây, BĐBP Tây Ninh đã xuất sắc đấu tranh thắng lợi với 4 chuyên án xâm hại an ninh quốc gia, bắt giữ và xử lý được 58 vụ, 81 đối tượng liên quan mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý và vũ khí. Đối đầu với bọn tội phạm này, cán bộ chiến sĩ phải "nằm gai, nếm mật", nếm trải hết những cái khắc nghiệt của sương gió biên thuỳ, mỗi một trận đánh là một lần đấu trí với bọn tội phạm gian manh, nguy hiểm.
Không chỉ dừng lại trên mặt trận giữ vững an ninh trật tự trên biên giới, với khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", 47 năm qua, biên giới Tây Ninh thấm đẫm biết bao nghĩa tình quân dân cá nước, bao kỷ niệm những ngày chiến sĩ biên phòng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với nhân dân.
Đó là lúc giúp dân gặt hái hoa màu, sửa con đường, cất lại mái nhà cho những gia đình neo đơn, nghèo khó; khi thì lội nước, băng rừng mang cái chữ đến cho các em nhỏ ở Phước Mỹ, Tân Nam, Tầm Phô, Tân Tiến. Chính từ những ngày ra gần với dân, thấu hiểu và sẻ chia với các cấp chính quyền, bà con vùng biên giới, các đơn vị cơ sở tiếp tục tô đậm thêm hình ảnh bộ đội Cụ Hồ bằng những việc làm, hành động thiết thực.
Trong 15 năm trở lại đây, các đơn vị đã xây tặng được 120 căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa, tặng trên 10.000 phần quà, trị giá hơn 5 tỷ đồng cho các hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn trên địa bàn biên giới vào các dịp lễ, tết. Nét son nổi bật nhất trong những năm gần đây chính là chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn biên phòng”.
BĐBP Tây Ninh đang đỡ đầu cho 73 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực hai bên biên giới, trong đó có 58 em trên địa bàn nội biên và 15 em phía ngoại biên. Ngoài ra có 7 đồn biên phòng nhận nuôi nấng, chăm sóc, dạy bảo 10 cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn theo mô hình “Con nuôi Đồn biên phòng”.
Các chiến sĩ Đồn biên phòng Phước Chỉ và chi đoàn kết nghĩa chào cờ tại cột mốc biên giới 179.
Phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng và đơn vị, trong 2 năm qua, lực lượng BĐBP Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “Chống dịch như chống giặc”; các đơn vị đã bền bỉ, duy trì quân số trực tại 159 điểm chốt dã chiến cùng hàng chục tổ chốt cơ động và cố định, nắm chắc mọi diễn biến tình hình liên quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ kép vừa quản lý bảo vệ biên giới, vừa kiểm soát ngăn chặn phòng chống dịch, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, vất vả, nhưng các chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhìn lại chặng đường 47 năm qua của BĐBP Tây Ninh, chúng ta thấy được bản chất truyền thống của đơn vị được hình thành phát triển trong quá trình xây dựng, chiến đấu và được bồi đắp qua các thời kỳ lịch sử. Nó là kết quả phấn đấu, rèn luyện không mệt mỏi của nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ biên phòng. Vì vậy, việc giữ vững và phát huy bản chất truyền thống vẻ vang của bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay là vinh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sĩ biên phòng.
Để giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẽ vang đó, cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị cần quán triệt nghiêm túc tới cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hiểu rõ về nhiệm vụ vinh quang, trọng trách nặng nề của người chiến sĩ biên phòng.
Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ về truyền thống lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, về truyền thống cách mạng của quê hương Tây Ninh, truyền thống vẻ vang của lực lượng BĐBP. Quyết tâm ra sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác biên phòng theo Chỉ thị của Bộ Tư lệnh BĐBP và Nghị quyết của Tỉnh uỷ Tây Ninh về nhiệm vụ an ninh - quốc phòng.
Đại tá Lê Hồng Vương- Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh tặng cờ thi đua của Bộ Tư lệnh cho Đồn Biên phòng Phước Tân.
Tiếp tục đẩy mạnh việc "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và những lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP trong toàn đơn vị. Tích cực học tập nâng cao kiến thức về mọi mặt: Chính trị, quân sự, văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ; đoàn kết nội bộ đơn vị, gắn bó chặt chẽ với chính quyền địa phương và nhân dân, tích cực tham mưu tốt cho địa phương thực hiện các nội dung “Ngày biên phòng toàn dân”.
Giữ đúng nguyên tắc trong quan hệ đối ngoại. Nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Phát huy truyền thống đoàn kết quân dân một ý chí, kiên quyết không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng những thiếu sót, khó khăn để phá vỡ khối đoàn kết dân tộc, phá vỡ mọi nổ lực, cố gắng của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp củng cố, xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.
Đại tá Phạm Đình Triệu