Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vinh danh các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam
Thứ năm: 10:11 ngày 24/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 23.12, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020, lần đầu tiên Bộ Thông tin Truyền thông đã trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao giải cho các các sản phẩm đoạt giải ở hạng mục Nền tảng số xuất sắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải nhất ở hạng mục Nền tảng số xuất sắc cho Nền tảng quản trị và điều hành doanh nghiệp Base.vn.

Vì sao chọn 12-12 là Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam?

Phát biểu sau khi trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng tới các doanh nghiệp đạt giải trong cuộc thi, nhưng đề nghị dành tràng pháo tay dài hơn cho tất cả 239 sản phẩm đã mạnh dạn, tự tin tham gia vào cuộc thi đầu tiên.

"Dù được vinh danh hay không, đây là điều chúng ta trân trọng. Chúc mừng Bộ Thông tin - Truyền thông đã tổ chức diễn đàn, chính thức định danh cộng đồng doanh nghiệp số - một bước đầu rất quan trọng", Phó thủ tướng nói.

Chia sẻ ý nghĩa đặc biệt của con số 12 trong ngày 12-12, được đề nghị là Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được ban hành vào tháng 1-2019.

Chưa đầy một năm thực hiện Chỉ thị này, doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã phát triển với con số ấn tượng là 13.000 doanh nghiệp so với kỳ vọng 6.000 doanh nghiệp như mục tiêu đặt ra ban đầu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020.

“Tôi còn nhớ Chỉ thị này đã đặt ra 12 nhiệm vụ và 12 đầu mối các bộ ngành để thực hiện nhiệm vụ đó. Vì thế, Bộ đề nghị lấy Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là 12-12”.

Ngoài ra, "số 1 và số 2 đặt cạnh nhau như nhịp bước mốt hai mốt. Ngày 12 nằm trong ý tưởng ấy, chúng ta cần đồng lòng, đồng sức, bước cùng nhau", Phó Thủ tướng giải thích thêm.

Người Việt Nam được khơi dậy niềm tự hào, khát vọng, thôi thúc từng bước làm chủ công nghệ, chủ động để sáng tạo ra các giải pháp mới, thiết kế sản phẩm mới chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam.

"Việt Nam không đứng đầu thế giới về trình độ y tế, nhưng chúng ta chống được dịch, điều mà nhiều nước không làm được. Chúng ta vẫn cảnh giác và không chủ quan, có giải pháp, với tâm thế biết mình đang ở đâu, điểm mạnh, hạn chế là gì, từ đó có giải pháp đúng, nhanh và kịp thời. Kết quả này là tập hợp của cả đội ngũ chuyên gia, kể cả những người không làm y tế, và nhờ công nghệ", Phó thủ tướng lấy thí dụ.

"Nói đến Make in Việt Nam, chúng ta không mong muốn, hàm ý Việt Nam sẽ tự làm tất cả. Việt Nam đặt mình là một phần của thế giới, về công nghệ thông tin, kinh tế, xã hội, với tinh thần cởi mở, hợp tác quốc tế. Tinh thần này luôn luôn phải tiếp tục", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và cho rằng cộng đồng này có thể tự tin góp sức để Việt Nam phát triển nhanh hơn để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.

“Có nhiều thứ phải làm ,nhưng một trong số đó là nhằm vào sự phát triển nhanh ở ngành nào mà quy luật tuyến tính có thể phá vỡ. Cộng đồng start up và doanh nghiệp công nghệ số là những lĩnh vực có thể vượt mức phát triển bình thường. Trách nhiệm này của chúng ta rất lớn”, Phó Thủ tướng đặt kỳ vọng.

Phát biểu sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng hứa: “Chúng ta hãy cùng nhau nhận sứ mệnh mà Phó Thủ tướng giao cho chúng ta”.

“Có một nghịch lý là nhiều khi làm việc dễ rất khó, nhưng có thể dễ hơn nếu đặt ra một mục tiêu khó hơn gần như không tưởng để tìm ra lời giải, để biến mục đó thành khả thi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Những sản phẩm công nghệ xuất sắc của người Việt

Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ số, góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số.

Các sản phẩm tham dự được đánh giá theo hai tiêu chí chung là Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và Giải các bài toán Việt Nam. Giải thưởng được chia theo năm hạng mục: Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc, Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc, Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc; Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số (thành thị - nông thôn, hỗ trợ người yếu thế, hạn chế mặt trái của công nghệ số) và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.

Từ 239 đề cử, trải qua hơn ba tháng xét duyệt, sơ loại, thuyết trình, thẩm định nghiêm ngặt, Ban tổ chức đã chọn ra 50 sản phẩm vào Top 10 giải thưởng Make in Vietnam.

50 sản phẩm vào Top 10 ở mỗi hạng mục đều là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.

Trong số này, FPT có hai nền tảng, giải pháp được vinh danh ở hạng mục Nền tảng số xuất sắc và Sản phẩm số xuất sắc của Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trao giải nhất ở hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho akaBot.

Cụ thể akaBot – Giải pháp tự động hóa quy trình doanh nghiệp giành giải nhất ở hạng mục Sản phẩm số xuất sắc nhất và FPT.AI – Nền tảng trí tuệ nhân tạo nhận giải ba ở hạng mục Nền tảng số xuất sắc.

Nền tảng akaBot là nền tảng ứng dụng công nghệ RPA, tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn như giúp doanh nghiệp tăng 80% năng suất, tiết kiệm 60% chi phí vận hành, giảm 90% thời gian thực hiện các tác vụ.

Nền tảng có thể đáp ứng các nhu cầu vận hành dịch vụ liên tục 24/7 với tốc độ và khối lượng công việc xử lý cao gấp 10 lần con người, từ đó tối ưu hoá chi phí và chuyển đổi nguồn lực sang công việc có giá trị gia tăng cao hơn cho doanh nghiệp. akaBot hiện có thể giải quyết khoảng 250 quy trình/công đoạn hay vị trí công việc khác nhau, chuyển đổi hàng vạn con người trong các doanh nghiệp sang các công việc có giá trị hơn.

Nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI cung cấp các sản phẩm và dịch vụ dựa trên công nghệ Trí tuệ Nhân tạo như Chatbot, Trợ lý ảo tổng đài, Trích xuất thông tin từ hình ảnh giúp doanh nghiệp giảm tới 60% chi phí hỗ trợ hoạt động, gia tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đem đến trải nghiệm tương tác khách hàng tức thời, liền mạch.

Ngoài ra, bốn nền tảng và giải pháp khác của FPT gồm: akaChain - Nền tảng blockchain cho doanh nghiệp; FPT.EagleEye - Giải pháp giám sát an toàn và phản ứng sự cố; CodeLearn – Nền tảng dạy và học lập trình trực tuyến; FPT.iBus - Hệ thống Quản lý và điều hành vận tải xe buýt thông minh được vinh danh trong Top 10 Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam ở các hạng mục: Nền tảng số xuất sắc, Giải pháp số xuất sắc và Thu hẹp khoảng cách số.

Hệ thống số hóa D-IONE do Công ty CP Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI nghiên cứu phát triển cũng đạt Top 5 Make in Vietnam tại hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc”.

Hệ thống số hóa D-IONE của FSI đã đạt Top 5 Make in Vietnam ở hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc”.

Các sản phẩm đoạt giải nhất, nhì, ba Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam:

Giải thưởng tiềm năng công nghệ số:

- Giải Nhất: AI Smart Warning - nhận diện và đưa ra cảnh báo qua camera AI giám sát.

- Giải Nhì: Mô phỏng 3D cơ thể người - "Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe" của trường Đại học Duy Tân.

Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số:

- Giải Nhất: VNPT Edu - hệ sinh thái giáo dục thông minh.

- Giải Nhì: Vỏ sò - sàn thương mại điện tử của Viettel Post.

- Giải Ba: Hocmai.vn - dịch vụ giáo dục trực tuyến cho học sinh phổ thông từ lớp một đến lớp 12.

Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc:

- Giải Nhất: OneATS - giải pháp số của Công ty One ATS.

- Giải Nhì: AI trợ lý bác sĩ DrAid - nâng cao khả năng chẩn đoán hình ảnh chính xác trong X-quang.

- Giải Ba: Viettel OCR - giải pháp nhận diện ký tự tiếng Việt, chuyển từ ảnh sang text.

Giải thưởng sản phẩm số xuất sắc:

- Giải Nhất: Akabot 2 - giải pháp tự động hoá cho từng quy trình của doanh nghiệp.

- Giải Nhì: Viettel Pay - nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

- Giải Ba: VNPT eKYC - nền tảng xác thực danh tính người dùng bằng công nghệ hiện đại.

Giải thưởng nền tảng số xuất sắc:

- Giải Nhất: Base.vn - nền tảng quản trị và điều hành doanh nghiệp số.

- Giải Nhì: Be - ứng dụng gọi xe công nghệ.

- Giải Ba: FPT.AI - nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện.

Sứ mệnh "Make in Viet Nam" sẽ tạo ra năng lượng vô hạn

Nguồn Báo Nhân Dân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục