Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Virus dại ‘ăn’ vào não người như thế nào?
Thứ năm: 22:03 ngày 08/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khi vào cơ thể, virus dại sẽ di chuyển dọc dây thần kinh tới tuỷ sống rồi tới não bộ. Vết cắn càng gần não, thời gian phát bệnh càng nhanh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu, chiếm 96-97%, sau đó là mèo: 3- 4%, các động vật khác như thỏ, cáo, dơi... chưa ghi nhận.

Virus dại di chuyển chậm

Bệnh dại do virus dại Rhabdovirus gây nên. Loại virus này dễ bị phá huỷ trong các chất dung môi của lipid và có thể bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong vòng 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 70 độ C.

Virus dại cũng bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%. Nếu trong điều kiện lạnh 4 độ C, virus sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 0 độ C, sống được từ 3 - 4 năm. 

Virus dại sẽ di chuyển dọc từ dây thần kinh tới tuỷ sống và lên não.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus dại phát triển từ lớp trong cùng của mô dưới da hoặc từ cơ bắp tiến vào các dây thần kinh ngoại biên (tức là các dây thần kinh trong cơ thể con người nằm ngoài não hoặc tủy sống).

Sau đó, virus dại di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ khoảng 12-24 mm mỗi ngày.

Người bị nhiễm bệnh sẽ có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng khi virus bắt đầu xâm nhập vào não bộ.

Do di chuyển chậm, thời gian ủ bệnh dại có thể từ 10 ngày đến 8 tuần hoặc có thể dài trên 1 năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ và khả năng miễn dịch của bệnh nhân. Vết thương nặng và càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Nếu vùng bị cắn ở đầu và cổ, cũng như những vết thương ở các khu vực đầu mút thần kinh như ngón tay sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn do khoảng cách virus xâm nhập vào mô thần kinh gần hơn.

Vẫn có khả năng lây từ người qua người

Thường 80% các trường hợp bệnh nhân mắc dại bị đau, ngứa ở vết cắn. Ở giai đoạn tiền triệu chứng, có các biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2-4 ngày.

Khi virus tấn công vào não, biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ, sợ nước. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên và có biểu hiện tăng động.

Càng về sau, chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể khiến bệnh nhân bị co thắt ở cổ và họng.

Bệnh tiến triển theo hai thể: Thể liệt và thể cuồng, trong đó thể cuồng phổ biến hơn.

Thời gian bị bệnh thường là 2-3 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 5-6 ngày hoặc dài hơn khi được chăm sóc tích cực.

Tuy nhiên, các cơ sở y tế cũng không thể làm được gì ngoài việc giữ cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, giảm đau đớn và giảm lo lắng, bồn chồn. Gần100% bệnh nhân bị phát dại đều tử vong. Hiện thế giới cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Do đó, khi đến cơ sở y tế, cần giữ bệnh nhân trong căn phòng yên tĩnh với ánh sáng dịu và tránh các tác nhân kích thích (ví dụ như tiếng ồn lớn, không khí lạnh) vì chúng có thể làm tăng nguy cơ co thắt và co giật.

Nếu mắc bệnh dại, gần 100% trường hợp tử vong.

Uống thuốc an thần diazepam 10 mg 4-6 giờ một lần, bổ sung thêm chlorpromazine 50-100 mg, hoặc tiêm morphine vào tĩnh mạch nếu cần thiết sẽ giúp kiểm soát được các cơn co thắt cơ và hiện tượng dễ bị kích thích. Cần phải truyền dịch tĩnh mạch vì bệnh nhân thường không ăn được qua đường miệng.

Về mặt lý thuyết, có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người lành khi nước dãi của người bị bệnh có chứa virus dại. Nhưng trong thực tế, chưa có tài liệu nào công bố, trừ trường hợp cấy ghép giác mạc của người chết vì bệnh dại sang người được ghép.

Dù vậy, người chăm sóc bệnh nhân cũng cần sử dụng thiết bị phòng hộ cá nhân để tránh xa vết cắn hoặc nước bọt nhiễm bệnh từ màng nhầy và vết thương của người bệnh.

Cách phát hiện chó dại

Từ 3-10 ngày trước khi chó, mèo có biểu hiện bệnh dại và suốt thời kỳ súc vật bị bệnh đều có khả năng lây truyền bệnh.

Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương.

Khi đến thần kinh trung ương, virus sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể vì thế nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có virus dại. Sau đó, vi rút dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục