Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Virus tả lợn châu Phi bị tiêu diệt ngay ở nhiệt độ 100 độ C
Thứ bảy: 09:41 ngày 09/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Virus tả lợn châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

Description: http://image.baoangiang.com.vn/fckeditor/upload/2019/20190308/images/ttxvn_talonchauphi.jpg

Nhân viên thú y tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm tại hộ bà Đào Thị Thắng ở thôn Bó Khê, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, Hưng Yên. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng đến 9 tỉnh phía Bắc, với khoảng 6.400 con lợn bị tiêu hủy.

Bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever (ASFV) gây ra, có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Lợn bị bệnh có biểu hiện sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết đồng loạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp.

Lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% vì chưa có thuốc chữa.

Trước tình hình dịch bệnh đang lan rộng, nhiều người dân tỏ ra lo lắng nếu ăn phải lợn bệnh sẽ gây hại cho sức khỏe và dặn lòng “nghỉ ăn một thời gian cho đến khi hết dịch để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.”

Tuy nhiên, việc không hiểu rõ cơ chế gây bệnh, đề phòng quá mức dẫn đến loại bỏ hoàn toàn thịt lợn trong bữa ăn gia đình và chỉ sử dụng cá, gà và các loại thịt khác của không ít bà nội trợ đang khiến ngành chăn nuôi ảnh hưởng nặng nề.

Trước những hoang mang, lo lắng của người tiêu dùng, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đã khẳng định, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn.

Do đó dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người. Trường hợp phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Virus tả lợn châu Phi có đặc điểm là sống được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày...

Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém, chỉ tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

Theo các chuyên gia, tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng...

Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.

Các chuyên gia khuyến cáo, dù lợn bị mắc bệnh tả châu Phi không có khả năng lây sang người, song người tiêu dùng vẫn phải cẩn trọng khi mua thịt lợn. Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng.

Nguồn Vietnam+

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh