Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 2.8, tại hội trường Sở Giáo dục và Đào tạo, VNPT Tây Ninh tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả hợp tác triển khai công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục năm học 2021-2022 và thống nhất kế hoạch phối hợp năm học 2022-2023.
Ông Phạm Ngọc Hải - Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu tại hội nghị.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; ông Phạm Ngọc Hải- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh; ông Đặng Thanh Khải- Giám đốc VNPT Tây Ninh; đại diện lãnh đạo, các phòng, ban của 2 đơn vị cùng đại diện ban giám hiệu các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh.
Chương trình ký kết, hợp tác được thực hiện nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục của ngành Giáo dục Tây Ninh.
Đẩy mạnh tin học hoá trong quản lý, quyết tâm xây dựng hệ thống thông tin kết nối giữa Bộ với các Sở GD&ĐT thông suốt, xây dựng được cơ sở dữ liệu chung. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc dạy và học như mô hình lớp học thông minh nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và giảm bớt sổ sách không cần thiết cho các thầy cô giáo.
Trong năm học 2021–2022, Sở GD&ĐT Tây Ninh và VNPT Tây Ninh phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động giáo dục, góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương thức quản lý dạy và học, kết nối được mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Ông Đặng Thanh Khải - Giám đốc VNPT Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.
Cụ thể, năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Tây Ninh và VNPT Tây Ninh phối hợp triển khai phần mềm quản lý trường học VnEdu do VNPT cung cấp và vận hành phục vụ công tác quản trị, thống kê, báo cáo tập trung thống nhất trong toàn ngành Giáo dục của tỉnh. Trong đó hoàn thiện và triển khai bổ sung một số phân hệ cho hệ thống quản lý trường học VnEdu: chức năng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, hoá đơn điện tử; tin nhắn điều hành; phụ huynh tra cứu điểm, nhận xét, đánh giá học sinh và triển khai chức năng xét tốt nghiệp THCS.
Ngoài ra, 2 đơn vị cũng duy trì 67 cổng thông tin điện tử; triển khai hiệu quả phần mềm tuyển sinh lớp 10; triển khai dịch vụ VNPT-Camera giám sát hoạt động dạy và học ở các trường mầm non trong tỉnh; thanh toán học phí không dùng tiền mặt VNPT-Money; hệ thống điểm danh thông minh; dịch vụ hoá đơn điện tử; duy trì các chính sách ưu đãi dịch vụ, gói cước di động cho học sinh – giáo viên, cho ngành giáo dục.
Trong năm học 2021–2022, VNPT Tây Ninh đã tài trợ 735 triệu đồng cho ngành Giáo dục, bao gồm: học bổng, giải thưởng do Sở GD&ĐT tổ chức; chi phí tin nhắn cho giáo viên trên hệ thống VnEdu; hỗ trợ miễn phí các phần mềm công cụ CNTT phục vụ hoạt động giáo dục, trong đó có tài trợ đường truyền internet chất lượng cao phục vụ cho các cuộc thi trong ngành Giáo dục…
Ông Nguyễn Tấn Đức – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Hải- Giám đốc Sở GD&ĐT ghi nhận những đóng góp của VNPT Tây Ninh trong công tác chuyển đổi số ngành Giáo dục trong hơn 10 năm qua.
Trong năm học 2021–2022, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động xã hội nhưng hoạt động hợp tác hai bên vẫn đạt một số kết quả nhất định.
Các phần mềm liên tục được nâng cấp, thân thiện với người dùng đã giúp ban giám hiệu nắm bắt kịp thời tình hình dạy và học của giáo viên và học sinh, tiện lợi trong công tác quản lý từ xa, giúp ban giám hiệu từ đó có phương án kịp thời nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc hợp tác giữa hai bên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Giám đốc Sở GD&ĐT mong muốn hai bên sẽ tiếp tục duy trì hợp tác lâu dài, đạt nhiều thành công hơn trong công tác chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.
Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực hợp tác giữa 2 đơn vị. Việc hợp tác đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hoàn thiện công tác quản lý giáo dục và dạy học.
Hai đơn vị thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác ứng dụng CNTT giữa VNPT và Ngành giáo dục.
Để chương trình hợp tác chuyển đổi số ngành Giáo dục triển khai hiệu quả hơn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đề nghị các đơn vị cần bám sát định hướng chuyển đổi số của tỉnh, chủ động tìm ra những hạn chế, khó khăn còn tồn đọng trong ngành để có phương án phát triển phù hợp. Đồng thời, đề nghị các đơn vị tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoàn thiện hơn để công tác chuyển đổi số được đẩy nhanh tiến độ và mang lại hiệu quả.
Tại hội nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo và VNPT Tây Ninh thống nhất kế hoạch phối hợp năm học 2022-2023. Theo đó, 2 đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung hợp tác về viễn thông - công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục trên cơ sở hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin ký kết ngày 12.7.2019 giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; phối hợp thực hiện 8 nội dung theo Biên bản hợp tác số 641/BB-SGDĐT-VNPT ngày 23.2.2021 giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Viễn thông Tây Ninh.
Hai đơn vị duy trì và triển khai các chương trình hợp tác đã ký kết; đồng thời triển khai thêm ứng dụng chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu tin học hoá hoạt động dạy và học của ngành Giáo dục. VNPT Tây Ninh có chính sách riêng về giá cước sử dụng các dịch vụ cho ngành Giáo dục… với tổng kinh phí dự kiến theo kế hoạch gần 900 triệu đồng.
Khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy và học, năm học 2021–2022.
Dịp này, 2 đơn vị khen thưởng cho 41 tập thể có thành tích xuất sắc trong ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy và học, năm học 2021–2022 và khen thưởng cho 27 tập thể có thành tích tốt trong ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy và học, năm học 2021–2022.
Hai đơn vị thực hiện ký kết thoả thuận hợp tác ứng dụng CNTT giữa VNPT và ngành Giáo dục. Trong đó có ký kết giữa VNPT Tây Ninh và lãnh đạo Sở GD&ĐT; giữa các phòng GD&ĐT, các trường THPT, các TTGDNN-GDTX với các trung tâm VNPT huyện, thị, thành phố.
Ngọc Bích