Sử dụng vỏ bầu khô là một tập quán
khá phổ biến của hầu hết các dân tộc ở Việt Nam. Bầu là loại cây dễ trồng nên nó
có mặt ở khắp nơi, ở miền núi, cao nguyên và trung du nó được trồng trên nương,
trên rẫy. Dưới đồng bằng bầu lại được trồng ngay trong vườn hay ngoài ruộng. Có
hai loại bầu: bầu ngọt được trồng để lấy quả làm thức ăn. Bầu đắng có vỏ dày và
cứng được dùng để chế ra các đồ vật phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Ngay
từ khi bầu ra hoa kết trái, người ta đã chọn những quả có hình dáng đẹp theo ý
thích và phù hợp với từng loại vật dụng định chế tác, rồi để cho quả bầu thật
già, cắt về làm thành vỏ bầu khô. Về cơ bản, công việc này phải trải qua hai
bước chính: loại bỏ ruột và tạo mầu cho quả bầu. Các dân tộc tương đối thống
nhất với nhau ở cách dùng nước để loại bỏ ruột. Với việc tạo mầu, mỗi dân tộc,
mỗi khu vực lại có cách làm riêng, hoàn toàn hoặc ít nhiều khác nhau. Ta thấy
những phương pháp xử lý chính như sau:
- Khoét lỗ, đổ nước vào, đồng thời
treo trái bầu lên trên gác bếp, từ hai đến ba tháng. Sau đó đem rửa sạch vỏ và
xóc sạch ruột. Theo cách này vỏ bầu thường có mầu vàng nâu.
- Ngâm quả bầu xuống bùn ao, chừng
hai tháng lấy lên rửa sạch đem phơi nắng cho khô hẳn. Với cách làm đó vỏ bầu
thường có mầu đen.
- Sau khi loại bỏ ruột, đem vỏ bầu
luộc trong nước sôi rồi phơi khô, mầu vàng óng của vỏ bầu già sẽ được giữ
nguyên.
- Cạo bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài quả
bầu, dùng lá rừng nhuộm mầu thích hợp rồi đánh bóng hay quét một lớp dầu lên mặt
ngoài, làm tăng vẻ đẹp cho đồ vật.
Vỏ bầu sau khi được xử lý qua các
công đoạn trên thường không bị mối mọt, có độ bền chắc cao, không thấm nước. Đó
là nguyên liệu chính, quan trọng để chế ra hàng loạt sản phẩm phục vụ đời sống
vật chất và tinh thần của cư dân các dân tộc.
Vỏ bầu khô gắn với đời sống vật chất
chủ yếu gồm các đồ đựng, đồ múc, đồ rót của các dân tộc: Xơ Đăng, Ba Na, Ê Đê,
Rơ Măm, Cơ Tu... trên Trường Sơn - Tây Nguyên; Thái, Dao, La Hủ, Sán Chay, La
Ha, Khơ Mú, Kháng, Lào, Mông... ở miền núi phía bắc.
Đồ vật thuộc loại này cách chế tạo
không phức tạp, song đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, sự phong phú của trí tưởng
tượng, tránh làm sứt mẻ và tạo nên tính đa dạng cho sản phẩm. Ở công đoạn này
chủ yếu dùng dao để tiện, gọt, khoét... tạo hình trên vỏ bầu.
Trước tiên bầu được tạo lỗ làm miệng
của đồ đựng. Tùy vào công dụng và chức năng của từng loại vật phẩm mà miệng của
chúng có độ lớn nhỏ và vị trí cao thấp khác nhau. Có quả bầu được cắt bỏ cuống
để tạo miệng, có quả lại được khoét miệng bên cạnh cuống, chếch về một bên,
nhiều quả miệng lại nằm ở bên cạnh sườn... Nắp của sản phẩm tùy thuộc vào từng
vỏ bầu hay chức năng của nó. Với những vỏ bầu có miệng nhỏ, nắp thường là lõi
ngô hay các loại lá cây cuốn lại. Một số dân tộc ở miền núi phía bắc và Trường
Sơn - Tây Nguyên dùng những quả bầu tròn để đựng cơm hay thức ăn mang đi làm
nương. Nắp của chúng thường được làm bằng một miếng gỗ mỏng, tròn đậy kín trên
miệng bầu hay chỉ là một chiếc lá rừng. Nếu dùng nắp gỗ thì trên vỏ bầu và nắp
đậy được dùi hai lỗ đối xứng, sau đó luôn dây qua làm quai xách.
Nhiều dân tộc dùng vỏ bầu đựng nước
sinh hoạt. Loại này thường to, thuôn dài để có thể chứa được nhiều nước. Vỏ bầu
dùng đựng rượu khi tiếp khách lại tròn nhỏ, có cuống dài, miệng nhỏ. Đặc biệt
nhiều quả có hình nậm rượu. Ngoài ra bầu còn đươc sử dụng để đựng hạt giống quý
như: thóc, ngô, đỗ, lạc, vừng, bí... Để bảo vệ cho vỏ bầu tránh va đập và thuận
tiện khi mang vác đi xa, một số dân tộc như Dao (Tuyên Quang), Thái (Nghệ An),
Cơ Tu (Quảng Nam - Đà Nẵng)... còn dùng dây rừng đan, kết tạo vỏ bọc bên ngoài.
Đặc biệt với dân tộc Cơ Tu, chúng được làm khá cầu kỳ và cẩn thận. Họ còn làm
thêm đế cho vỏ quả bầu có thể đặt vững trên mặt đất, làm thêm dây quai để treo
khi cần thiết. Dân tộc X'tiêng còn sử dụng vỏ bầu để đựng canh, rau trong bữa ăn
và cắt gọt những quả bầu tròn, nhỏ thành những chiếc bát ăn cơm nhẹ nhàng và
tiện lợi. Ngoài chức năng làm đồ đựng, vỏ bầu còn được dùng làm gáo múc nước,
muôi múc canh, múc rượu và cả những chiếc phễu. Người ta thường chọn những quả
có bầu tròn, cổ thuôn dài tới cuống. Phần bụng khoét tròn tạo miệng gáo, phần cổ
có thể để nguyên làm cán cầm nếu là gáo, hoặc cắt bỏ chỏm đầu gần cuống nếu vừa
làm gáo vừa làm phễu. Khi chỉ dùng làm phễu người dân cắt bỏ phần lớn thân trái
bầu và điểm giáp cuống. Ở nơi gần cuống bầu bị cắt bỏ này, một số dân tộc còn
lắp thêm một đoạn lồ ô.
Vỏ bầu khô gắn với đời sống tinh thần
gồm những vật dụng trong nghi lễ tôn giáo và trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng,
chủ yếu tập trung ở các dân tộc: Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Mạ, M'Nông, La Hủ,
Kháng, Giáy, Dao, Tày.
Với những đặc tính vốn có, vỏ bầu
được không ít dân tộc chọn làm hộp cộng âm cho những nhạc cụ của mình. Trước
tiên phải kể đến bộ nhạc cụ dây tương đối phổ biến và phong phú như đàn sáu dây,
đàn ba dây, đàn bruk-chơ ngoi, đàn brang của dân tộc Xơ Đăng; đàn tính của dân
tộc Tày, Giáy và Kháng; đàn tinh nưng, đàn brov của dân tộc Ba Na; đàn tinh ninh
của dân tộc Giẻ Triêng; đàn bầu của người La Hủ...
Để có được cây đàn tốt không đơn
giản, trong đó hộp cộng âm là một bộ phận quan trọng nhất, quyết định chất lượng
âm thanh. Do vậy phải chọn những quả bầu có hình dáng tròn đều, vỏ dai và quan
trọng hơn là phải kiểm tra âm thanh được phát ra từ chúng.
Cây đàn tính của một số dân tộc miền
núi phía bắc, kỹ thuật chế tác khá phức tạp. Họ thường cắt bỏ một phần tư phía
cuống bầu làm miệng, lắp cần đàn xuyên từ bên này qua bên kia, chia miệng hộp ra
làm hai phần bằng nhau. Sau đó hộp được bịt kín bằng gỗ thông mỏng. Để gắn kết,
người ta dùng nhựa của một loại cây rừng. Dây đàn bằng sợi tơ tằm có bôi nhựa củ
nâu làm săn chắc và tăng độ bền. Đàn tính là nhạc cụ độc đáo nhất của dân tộc
Tày, được sử dụng trong lễ cúng then, trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ, lễ
hội của dân tộc.
Trường Sơn - Tây Nguyên là khu vực có
nhiều dân tộc sử dụng vỏ bầu làm nhạc cụ. Vỏ bầu được chọn thường có thân tròn,
miệng thu nhỏ. Chúng được cắt bỏ phần cuống và phần đáy rồi được buộc vào cần
đàn bằng dây. Hộp âm không bịt kín như cây đàn tính mà để trống một mặt trên hay
cả hai phía. Thông thường đàn có một hộp âm, nhưng có những dân tộc lại lắp hai
hộp âm ở hai đầu, một hộp to và một hộp nhỏ như đàn tinh nưng của dân tộc Ba Na.
Nếu cây đàn tính chủ yếu dành cho phụ
nữ, thì các loại đàn làm từ vỏ bầu ở khu vực này lại dành cho giới mày râu. Họ
thường đàn hát sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, vào những ngày lễ hội... Đặc biệt
còn là "công cụ" đắc lực giúp các chàng trai người Thượng đi tìm bạn tình.
Ngoài bộ nhạc cụ dây, các nhạc cụ hơi
sử dụng vỏ bầu khô cũng khá phổ biến ở các dân tộc trên Trường Sơn - Tây Nguyên
như: M'Nông, Kơ Ho, Mạ... Chúng gồm có hai loại: loại sử dụng sáu ống nứa và một
quả bầu - khèn; loại một ống và một vỏ bầu - sáo.
Sáu ống nứa ở khèn được chia làm hai
lớp: trên bốn, dưới hai. Với dân tộc Kơ Ho nhạc cụ này được gọi là kăm boát, còn
người Mạ gọi là mhuốt... Để làm chiếc khèn này người ta thường chọn những quả
bầu có thân vừa phải, tròn đều và cổ hơi cong. Cuống bầu được cắt bỏ tạo thành
một lỗ nhỏ làm nơi thổi. Thân bầu được khoét sáu lỗ xuyên qua hai lớp vỏ bầu để
lắp ống khèn. Khi tạo các lỗ này họ thường chú ý đến chiều cong của cổ quả bầu
và hướng của ống nứa, sao cho khi thổi lỗ ống thổi quay ra phía sau còn các ống
khèn chĩa phía trước.
 |
Đàn tính làm bằng vỏ bầu khô của người
Tày |
Sáo sử dụng một quả bầu và một ống
nứa được người Mạ gọi là brê. Nó cũng được chế tác tương tự khèn sáu ống, tuy
nhiên phía bên ngoài thân bầu của ống nứa được người dân tạo ba lỗ nhỏ để tạo ra
những âm thanh khác nhau. Dân tộc M'Nông còn có rlét, cũng dùng một ống nứa
giống như brê của người Mạ, nhưng đầu kia của rlét được lắp thêm một đoạn ống
nứa lớn hơn đổ đầy nước khi thổi. Hơi truyền từ vỏ bầu, qua ống nứa đập vào ống
chứa nước tạo nên những âm thanh khác lạ.
Với người Mạ, cả hai loại nhạc cụ hơi
này đều được chơi trong các lễ hội như lễ đâm trâu, lễ cúng ngày trỉa lúa, lễ
cúng lúa mới... Khèn sáu ống có thể được sử dụng thay thế âm thanh của bộ cồng
chiêng. Họ cũng sử dụng chúng để thể hiện tâm sự buồn vui trong cuộc sống. Song
với người Kơ Ho, chúng lại không được sử dụng trong các lễ hội, đặc biệt là lễ
hội đâm trâu.
Vỏ bầu khô còn có mặt trong các nghi
lễ tôn giáo, khi gặp chuyện rủi ro họ dùng vỏ bầu khô để cầu đến thần linh. Dân
tộc Dao (Tuyên Quang) dùng nửa quả bầu khô làm chiếc thuyền trong lễ cúng cầu
hồn cho trẻ em khi bị ốm đau. Người ta quan niệm mỗi đứa trẻ ra đời đều có một
bà mụ trông nom nên khi chúng ốm đau, họ phải cầu xin bà cứu giúp, mong cho đứa
bé được khỏe mạnh. Trong lễ cúng này, người Dao cắt hình đứa trẻ cho vào nửa quả
bầu - chiếc thuyền, rồi thả vào một chậu nước để chúng đi tìm người mẹ sinh tạo.
Người Khơ Mú thường treo vỏ bầu khô vào cây cột chính ở gian ma nhà và xem đó là
vật linh thiêng vì loài người vốn được sinh ra từ "quả bầu mẹ".
Đối với dân tộc Ba Na, vỏ bầu khô sau
khi được nhuộm mầu xám đen, dùng đựng rượu và tiết gà trong những lễ cúng liên
quan đến nông nghiệp mà chủ yếu có quan hệ đến cây lúa rẫy. Theo dân tộc Bru -
Vân Kiều thì quả bầu còn là nơi trú ngụ của hồn lúa, được treo bên dưới bàn thờ
ma nhà. Người dân thường xuyên tổ chức cúng vào những thời điểm quan trọng trong
mùa vụ: trước ngày trỉa lúa, lúc làm cỏ và khi thu hoạch... Trong các dịp gia
chủ tổ chức lễ cúng, lễ vật là trâu thì họ lại bỏ thêm vào vỏ bầu 8 hạt thóc...
Cho đến nay vỏ bầu vẫn được hầu hết
các dân tộc ở Việt Nam sử dụng. ở người Kinh, mặc dù hiện vỏ bầu hầu như đã vắng
bóng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, nhưng nó vẫn còn trong tâm thức của cả
dân tộc với tên gọi đàn bầu, với hình ảnh bầu rượu nắm nem, bầu rượu túi thơ,
với quả bầu trong bộ bát bảo, tượng trưng cho sự sung mãn...
K.D (st)