Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vợ chồng cùng nhau vượt khó
Thứ sáu: 13:18 ngày 31/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ hai bàn tay trắng, không nhà cửa, không đất sản xuất, vợ chồng anh Phạm Thanh Phong và chị Lương Thị Bạch Tuyết đã vươn lên làm giàu nhờ nuôi dế.

Vợ chồng anh Phong, chị Tuyết.

Chúng tôi đến ấp Long Đại, xã Long Vĩnh, Châu Thành vào một chiều mưa. Trên con đường đất đỏ vào Khu di tích lịch sử Giồng Nần, đường lầy trơn trợt, hai bánh xe bị bám chặt lớp đất nhão khiến chúng tôi đảo tay lái.

Nằm len lỏi trong xóm nhỏ ấy, hỏi nhà anh Phong, chị Tuyết làm nghề nuôi dế, ai cũng nhiệt tình chỉ đường cặn kẽ. Họ là đôi vợ chồng nông dân có nhiều năm kinh nghiệm nuôi dế mèn, vươn lên làm giàu nơi đây.

Khi chúng tôi đến nơi, cũng là lúc anh chị đang vệ sinh, thu dọn chuồng trại dế của mình. Anh Phong năm nay 47 tuổi, chị Tuyết ở tuổi 39, nhưng họ đã có hơn 15 năm kinh nghiệm nuôi dế. Chia sẻ về quá trình lập nghiệp của mình, chị Tuyết cho biết khi mới sinh đứa con trai đầu lòng, vợ chồng chuyển từ Trảng Bàng lên Châu Thành sinh sống. Không có tài sản gì trong tay, vợ chồng chị phải ở nhờ trên đất của người quen.

Suốt bao năm làm thuê làm mướn kiếm sống, nhưng cũng không thể mua nổi mảnh đất để cất căn nhà trú nắng, trú mưa, chị Tuyết nghĩ, không thể cứ bám víu mãi cuộc sống như thế này. Thế là chị bàn với chồng tìm kế mưu sinh mới.

Khi đó, anh chị nghe nói ở Củ Chi phát triển nghề nuôi dế đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Chị cùng chồng xuống Củ Chi học nghề nuôi dế, trở về nhà vay mượn thêm chút vốn liếng mở một trại dế nhỏ để chăn nuôi.

Ban đầu, vợ chồng chị Tuyết đã gặp không ít khó khăn về vốn, kinh nghiệm, như quy mô chuồng trại chưa đạt chuẩn, kỹ thuật chăm sóc, nhất là thời điểm dế đẻ trứng, nở con và tách đàn nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Chị Tuyết tâm sự: “Ban đầu, chúng tôi cũng cảm thấy nản, nhưng cái gì cũng phải bắt đầu từ việc khó. Nghĩ, mình có duyên với con dế nên chúng tôi không từ bỏ mà chuyên tâm vào chăn nuôi loài côn trùng này”. Chị cho biết thêm, đến nay anh chị đã có hai trại dế với quy mô 20 chuồng.

Chị Tuyết giới thiệu về quy mô chuồng trại và kỹ thuật nuôi dế của gia đình.

Việc tạo môi trường thuận lợi, độ ẩm, độ mát giống với thiên nhiên là một trong những điều kiện thuận lợi để dế sinh trưởng, phát triển. Xung quanh trang trại, anh chị trồng hai hàng dừa xiêm lùn tạo bóng mát. Đối với nguồn thức ăn cho dế, hàng ngày, anh chị thay phiên nhau đi cắt cỏ, xin lá mía, lá mì, đặc biệt phải là những loại cỏ, lá ngon, không bị “dính” hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật.

“Dế là loài có thân hình nhỏ, sức mỏng, chỉ cần trong thức ăn có chút thuốc hóa học, chúng sẽ chết. Vì vậy, cỏ và thức ăn cho chúng phải tuyệt đối sạch”, anh Phong giải thích.

Theo anh Phong, ngoài việc tạo môi trường thông thoáng, tự nhiên, quá trình vệ sinh chuồng trại cũng là một trong những tiêu chí phải đạt. Đó là khử trùng tuyệt đối chuồng trại trước khi “nhập” dế con. “Nước sôi có tác dụng diệt khuẩn rất tốt mà không để lại mùi.

Các vi trùng, ấu trùng có hại khi gặp nước sôi sẽ chết, sau đó mới cho dế xuống chuồng để chăm sóc. Nếu dùng thuốc phun diệt trùng, kể các thuốc hữu cơ, dế sẽ không chịu nổi, dễ hao hụt đàn lắm!”, anh Phong chia sẻ.

Cũng chính vì nguồn thức ăn sạch, nên thời gian qua dế do trang trại của anh chị luôn bán được giá, trở thành loại thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường TP.HCM. Ngoài dế thành phẩm, anh chị còn xuất bán trứng dế ra thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Trung bình mỗi tháng, trại dế của anh chị xuất ra khoảng 500- 600kg dế thành phẩm, tùy theo giá có thể dao động theo mùa vụ, mỗi kg giá 40- 60 ngàn đồng, gia đình thu về khoảng 30 triệu đồng.

Chị Tuyết cho biết, mỗi chu kỳ bán dế trưởng thành chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng nên đó là nguồn thu nhập ổn định của gia đìnhg. Không phải lo bấp bênh, chờ thời, chờ vụ như các mặt hàng nông sản khác. Hiện tại, anh chị đang mong muốn mở rộng đàn dế để tăng thu nhập cho gia đình, tiếp tục làm giàu với con dế.

Tâm Giang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục