Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chị bộc bạch: “Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, anh Quyết lại là người chồng biết chăm lo cho gia đình, yêu thương vợ con. Dù còn một chút hy vọng, tôi cũng sẽ cố gắng đến cùng”.
Anh Nguyễn Văn Quyết (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Bích Loan (33 tuổi) là một đôi vợ chồng nghèo sống bằng nghề đánh bắt cá dưới chân cầu Gò Chai thuộc tổ 5, ấp Long Chẩn, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành.
Bản tính thật thà lại chịu thương chịu khó, vợ chồng ra sức làm lụng cũng đủ miếng ăn, nuôi ba đứa con nhỏ. Cuộc sống của hai vợ chồng sẽ vẫn êm đềm trôi qua như bao gia đình khác nếu không có tai nạn định mệnh ập đến với anh Quyết. Từ một người khoẻ mạnh, trụ cột của gia đình, anh Quyết như tuyệt vọng khi bị liệt nửa thân dưới, đôi chân không còn đi lại được nữa, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người vợ tảo tần của anh.
Kể lại vụ tai nạn, anh Quyết bùi ngùi nói, hôm ấy là một ngày giữa tháng 7, khi được các anh em bà con thông báo ngôi mộ của ông bà nội bị mưa ngập làm sụt lún, anh cùng các anh em đã đến khu mộ để sửa sang. Trong quá trình sửa chữa, một tấm bia do xe cẩu đang nâng lên đập vào đầu làm anh Quyết té vào một chiếc hố huyệt bên cạnh. Anh Quyết bị gãy lưng, xương sườn và bể ống tuỷ, phải chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy để phẫu thuật.
Vợ chồng anh Quyết, chị Loan và hai con nhỏ.
Tỉnh dậy trong phòng bệnh lạnh toát, anh Quyết thấy cơ thể mình nặng trĩu, lạnh ngắt không thể nào cử động. Bác sĩ thông báo anh bị chấn thương cột sống, bị liệt nửa thân dưới, anh như chết lặng. “Mặc dù được cứu sống nhưng khi biết được tình trạng của mình, tôi rơi vào tuyệt vọng, tôi khóc rất nhiều. Tôi chỉ muốn chết đi cho rồi, để không làm gánh nặng gia đình, làm khổ vợ con nữa”, anh Quyết đau khổ chia sẻ.
Đau đớn khi thấy anh tự dằn vặt mình, nhưng chị Loan vẫn cố gắng nén nỗi đau, cùng người thân, bác sĩ động viên anh dưỡng thương, khoẻ lại để về với gia đình. Hơn một tháng trời ròng rã chăm sóc anh ở bệnh viện, chị Loan phải vừa chạy vạy tìm người bán tháo bè cá đang nuôi vì không có ai chăm sóc, vừa chạy đôn chạy đáo vay tiền chữa trị cho anh. Ba đứa con thơ, đứa lớn nhất 11 tuổi, đứa nhỏ nhất 20 tháng tuổi được chị gửi nhờ mẹ ruột chăm giúp.
Mặc dù anh Quyết có bảo hiểm y tế nhưng do vết thương quá nặng, chi phí tăng thêm khi điều trị cũng trở thành gánh nặng của gia đình anh chị. Số tiền mà hai vợ chồng tích lũy nhiều năm với mong muốn sửa lại mái nhà ăn Tết cũng đã dồn hết vào tiền viện phí cho anh. Tai nạn bất ngờ đã cướp đi sự bình yên của một gia đình.
Sức khoẻ dần bình phục, anh Quyết được bệnh viện cho về nhà. Lúc này anh chỉ có thể nằm một chỗ, mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân cho anh đều do vợ anh lo. Để chăm sóc cho anh, chị xin nghỉ việc ở xí nghiệp. Ngày ngày lo chăm sóc cho anh và các con nên chị chẳng còn thời gian đi làm kiếm tiền mưu sinh.
Chị Loan kể, một ngày của chị bắt đầu từ tờ mờ sáng, chị đi lưới cá ở mé sông về bán rồi đưa hai con lớn đi học lớp 5 và lớp 2, còn bé mới 20 tháng tuổi thì nhờ bà ngoại trông giúp. Sau khi lo cho các con, chị chở chồng đi châm cứu, tập vật lý trị liệu. Xong việc, chị lại chở anh về nhà lo cơm nước rồi rước các con, cứ thế loay hoay hết cả ngày. Có hôm chẳng có thời gian đi lưới cá, thu nhập cả gia đình ngày càng bấp bênh.
Nhà chị ở mé sông, muốn lên lộ chính phải trèo một cái dốc cao, những hôm trời mưa trơn trợt, đi đứng đã khó khăn, để đưa anh đi khám mỗi ngày cũng là một sự vất vả không kể xiết. Có hôm nước lên cao đến tận mép giường của anh, chị cùng người thân phải chuyển anh và các con đến nhà mẹ chồng để ở nhờ, chờ nước rút rồi lại về.
Sau hơn 1 tháng kiên trì tập vật lý trị liệu, anh Quyết đã có thể tự ngồi được. Thương vợ quá vất vả, anh nói với vợ cho anh ở nhà tự tập theo các bài tập do bác sĩ hướng dẫn để tiết kiệm chi phí. Nghĩ là làm, anh nói vợ gắn một sợi dây thừng trên đòn ngang nhà và treo trước giường, từ sợi dây đó a tự mình dùng tay gượng dậy, nằm xuống tập vật lý trị liệu mỗi ngày. “Bây giờ mong ước của anh là có thể tự lo việc sinh hoạt, vệ sinh cá nhân cho mình để vợ con đỡ vất vả phần nào”, anh Quyết chia sẻ.
Từ khi anh bệnh, chị Loan luôn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho chồng. Chị hiểu rằng, tai nạn xảy ra với anh là quá đau thương và khó có thể chấp nhận được trong thời gian ngắn. Nén nỗi đau, chị quyết tâm giúp chồng hồi phục dần sức khỏe, đồng thời luôn chia sẻ, động viên để chồng vượt qua được cú sốc về tinh thần, an tâm dưỡng bệnh.
Chị bộc bạch: “Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, anh Quyết lại là người chồng biết chăm lo cho gia đình, yêu thương vợ con. Dù còn một chút hy vọng, tôi cũng sẽ cố gắng đến cùng”.
Sau ba tháng tích cực chữa trị, đến nay, tuy vẫn chưa đi lại được nhưng anh Quyết đã có thể ngồi lâu hơn, tự ăn cơm và tập vật lý trị liệu, xoa bóp cho đôi chân của mình. Sức khoẻ đã khá hơn, anh xin vợ cho anh ngồi xe lăn bán vé số ở đầu cầu Gò Chai để phụ giúp vợ. Thấy anh quyết tâm, chị cũng xiêu lòng cho anh bán thử. Tuy nhiên, cứ ngồi 30 phút anh lại bị mệt, lưng đau nhức, nhiều hôm anh gắng gượng đến rách vết thương. Biết tình trạng của anh, chị Loan cùng gia đình không cho anh bán nữa, khuyên anh nên nghỉ ngơi đến khi khoẻ hẳn.
Hiểu được hoàn cảnh gia đình, con trai lớn của anh chị xin mẹ nghỉ học để phụ mẹ đi vớt cá, ở nhà chăm nom ba nhưng chị Loan nhất quyết không cho. Chị bảo: “Vợ chồng khổ từ nhỏ rồi, tôi không muốn các con của mình phải khổ như ba mẹ nó. Dù khó khăn đến đâu tôi cũng cố gắng cho các con đi học đến nơi đến chốn”. Còn anh Quyết tâm sự: “Tôi đau bệnh như thế này, nghe con nó nói vậy tôi xót xa lắm. Người làm cha không thể chăm lo cho vợ con là một điều đau khổ nhất”.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả là thế, nhưng với tinh thần lạc quan, hai vợ chồng anh Quyết, chị Loan luôn hy vọng một ngày anh Quyết khoẻ lại, cuộc sống gia đình sẽ khá hơn. Chị Loan tâm sự: “Bây giờ vợ chồng chị chỉ còn biết cố gắng nương tựa nhau mà sống. Mặc dù biết tương lai sau này của mình không được tươi sáng như người ta nhưng chị tin, gia đình cùng cố gắng thì khó khăn nào cũng vượt qua được”.
Anh Quyết lạc quan nói: "Bây giờ không thể đi lại được nhưng tôi quyết tâm "tàn mà không phế". Cuộc sống sau này không có đôi chân thì tôi còn đôi tay, tôi sẽ cố gắng dưỡng thương thiệt tốt để có thể phụ vợ những việc mà mình có thể làm”. Còn chị Loan ước mong, sau khi nước rút, chị có nguồn vốn chăn nuôi gà, vịt để tăng thêm thu nhập cho gia đình, từ đó dành dụm, có thêm chi phí cho anh đi chữa trị.
Mong quý bạn đọc, các mạnh thường quân hãy quan tâm hỗ trợ vợ chồng anh Quyết, chị Loan. Mọi sự giúp đỡ có thể gọi trực tiếp đến gia đình anh Quyết qua số điện thoại 0346.646.899 (gặp anh Quyết) hoặc gửi đến Toà soạn Báo Tây Ninh, số 221, đường 30.4, phường 2, thành phố Tây Ninh.
Ngọc Bích – Lê Thuỳ