Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Võ cổ truyền trên đất Tây Ninh
Thứ ba: 21:12 ngày 26/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Võ cổ truyền- di sản văn hoá truyền thống, ra đời, phát triển song hành cùng các cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cố võ sư Cao Trường Xuân- Trưởng môn phái Đoàn Lâm Vũ ở Tây Ninh.

Trong quá hình thành và phát triển, di dân từ khắp nơi chọn vùng đất Tây Ninh làm nơi dừng chân. Trong số đó, có nhiều người giỏi võ nghệ. Từ đó, họ góp phần lan truyền môn võ cổ truyền ở vùng đất mới.

94 năm môn phái Đoàn Lâm Vũ

Võ sư Cao Trường Chí Hùng, con trai của cố võ sư Cao Trường Xuân kể, năm 1930, võ sư Ðoàn Tam Ðạt, võ hiệu Lâm Vũ, sinh năm 1902, từ làng Tân Khánh, thuộc tỉnh Biên Hoà (nay là tỉnh Đồng Nai) đến vùng đất Tây Ninh lập nghiệp. Ông chọn một khu đất trống ở ấp Hiệp Ðịnh, xã Hiệp Ninh, huyện Phú Khương (nay là khu phố Hiệp Ðịnh, phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) mở trường dạy học, dạy võ và hành nghề thầy thuốc trị bệnh cứu người.

Võ sinh Cao Trường Xuân (Lâm Xuân), ngụ huyện Phú Khương là “đệ tử ruột” của thầy Đạt. Khi cao niên, thầy Đạt chọn đệ tử Cao Trường Xuân làm Trưởng môn phái Đoàn Lâm Vũ ở Tây Ninh; phần ông thì nhập môn theo đạo Cao Đài.

Hằng năm, Sở VH,TT&DL tổ chức giải Vô địch võ cổ truyền tỉnh Tây Ninh để các võ sinh cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn.

VĐV thi đấu võ cổ truyền, nội dung đối kháng.

Võ sư Hồ Cẩm trở thành trọng tài quốc gia.

Vì một số lý do, môn phái Đoàn Lâm Vũ ở Tây Ninh ngưng hoạt động một thời gian dài. Đến năm 1994, võ sư Lâm Xuân cùng các huynh đệ ngày xưa gầy dựng lại. Trong số những võ sinh của ông Cao Trường Xuân có con trai ông là Cao Trường Chí Hùng (Lâm Hùng) và nhiều võ sinh khác, nay đã trở thành những võ sư như Nguyễn Thanh Nhã (Lâm Nhã), Ðặng Phong Vinh (Lâm Vinh), Nguyễn Văn Hoà (Lâm Hoà), Lê Thanh Hải (Lâm Hải), Lê Minh Hiếu (Lâm Hiếu), Lê Trung Bửu (Lâm Bửu), Lê Minh Tài (Lâm Tài), Nguyễn A Lin (Lâm Lin)...

“Tôi theo cha học võ từ khi còn nhỏ. Năm 2009, cha qua đời, tôi được chọn làm Trưởng môn phái Đoàn Lâm Vũ ở Tây Ninh. Hiện nay, tôi thờ cúng sư tổ Ðoàn Tam Ðạt và võ sư Cao Trường Xuân tại gia đình”- võ sư Chí Hùng tâm sự.

Tiếp tục sự nghiệp của sư tổ và cha, võ sư Chí Hùng mở CLB dạy võ tại nhà và ở Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã Trường Hoà (thị xã Hoà Thành). 2 người con của vợ chồng võ sư Chí Hùng cũng đam mê nghề võ.

Hiện nay, nhiều người yêu thích, luyện tập võ cổ truyền.

Người con trai út của vợ chồng anh đã được tuyển vào Đội trẻ Võ cổ truyền của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Người con gái vừa đoạt 2 huy chương vàng nội dung quyền quy định với bài Siêu xung thiên và Độc lư thương nữ tại Giải võ cổ truyền trẻ và vô địch tỉnh Tây Ninh năm 2024.

Võ sư Chí Hùng cho biết thêm, những năm qua, nhiều đệ tử của võ sư Cao Trường Xuân ngày trước cũng mở CLB dạy võ ở các địa phương trong tỉnh. Trung bình mỗi điểm có từ 40 - 50 võ sinh theo học. Để phát triển nghề võ, bên cạnh việc tham gia thi đấu các giải võ cổ truyền do tỉnh, huyện tổ chức, năm 2023, môn phái Đoàn Lâm Vũ ở Tây Ninh còn tổ chức giao lưu các CLB môn phái trong tỉnh.

“Tính đến nay, môn phái Đoàn Lâm Vũ đã có mặt ở Tây Ninh được 94 năm. 6 năm nữa, chúng tôi sẽ trọng thể tổ chức kỷ niệm 100 năm môn phái Đoàn Lâm Vũ hình thành và phát triển ở Tây Ninh”- võ sư Chí Hùng nói.

Và nhiều môn phái khác

Ở huyện Châu Thành, nhiều năm nay môn phái Đoàn Tâm Ảnh do võ sư Nguyễn Văn Chói huấn luyện ngày càng nổi tiếng. Lão võ sư 75 tuổi này kể, quê của ông ở Long An. Hơn 100 năm trước, gia đình ông theo ông nội về Tây Ninh sinh sống. Cha của ông nổi tiếng là “võ vườn”- hoạt động ở địa phương.

Ngay từ nhỏ, ông Chói được học võ từ cha. Yêu thích võ học, năm 1990, ông Chói khăn gói đến TP. Hồ Chí Minh tìm thầy học thêm võ nghệ. Ông được võ sư Nguyễn Thành Nghiêm- môn phái Đoàn Tâm Ảnh- truyền dạy những tuyệt kỹ của võ Lâm chánh tông. Năm 1993, ông đến Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) đăng ký học thêm những bài quyền và binh khí quy định quốc gia.

Trở về địa phương, ông Chói mở CLB dạy võ tại nhà ở thị trấn Châu Thành. Sau đó, ông mở thêm 2 điểm dạy võ khác ở xã Thành Long (huyện Châu Thành). Có thời điểm, các lớp võ của ông có hơn 160 võ sinh. Người con gái đầu lòng của vợ chồng ông đã thọ giáo gần hết tuyệt kỹ võ học của cha và đứng lớp cùng ông dạy võ.

Tuy nhiên, vì điều kiện gia đình, những năm qua, người này đã ngưng dạy võ. Năm 2023, vì lý do sức khoẻ, ông Chói cũng tạm ngưng đứng lớp truyền nghề. Tuổi cao sức yếu, nhưng lão võ sư vẫn tìm tòi học hỏi, trau dồi kiến thức võ học qua sách vở, bí kiếp võ công của các đồng môn trong môn phái.

CLB Lâm Hoà tổ chức kỳ thi thăng cấp đai Võ cổ truyền năm 2024.

Không muốn những tuyệt chiêu của môn phái Đoàn Tâm Ảnh trên đất Tây Ninh thất truyền và mong muốn giúp thanh niên địa phương luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khoẻ theo lời dạy của Bác Hồ, ông dự tính sang năm sẽ chiêu sinh, mở lớp dạy võ trở lại.

Hàng chục năm trước, ở Trảng Bàng, nhiều người biết đến “lò võ” cổ truyền dạy miễn phí của võ sư Trần Đức. Quê ở TP. Hồ Chí Minh, võ sư Trần Đức về Trảng Bàng sinh sống và mở lớp dạy võ từ năm 1986. Suốt hàng chục năm hành nghề, võ sư Trần Đức không thu học phí của võ sinh. Những năm sau đó, người con trai của võ sư Trần Đức học đông y, học thêm võ Wushu đã trở về gia đình, cùng với cha mở lớp dạy võ cổ truyền, Wushu miễn phí.

Các võ sinh ở đây đều được truyền dạy kỹ những tuyệt kỹ võ thuật; đặc biệt chú trọng dạy võ đạo, võ đức. Từ “lò võ” này có nhiều võ sinh trưởng thành. Đơn cử như võ sinh Võ Nhi Hồ Cẩm, được tuyển vào đội tuyển Võ cổ truyền của tỉnh tham gia thi đấu giải quốc gia. Năm 2021, Hồ Cẩm được Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam trao bằng chứng nhận Võ sư cao cấp (7 đẳng).

 

Võ sư Hồ Cẩm kể, trước đây, anh có nhiều năm làm công tác huấn luyện võ cổ truyền ở tỉnh Bình Dương và đã trở thành trọng tài quốc gia. Hiện nay, anh mở lớp dạy võ cổ truyền theo môn phái Thiếu lâm Thiên Long võ đạo và dạy các môn võ Muay Thái, Kickboxing tại gia đình, ở khu phố Lộc Thọ, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng.

Ngoài những môn phái kể trên, trước năm 1989, Tây Ninh đón thêm làn gió võ thuật mới, đậm chất võ Bình Định. Thời điểm đó, võ sư Hoàng Tùng đem theo nhiều võ sĩ từ đất võ Tây Sơn Bình Định vào Tây Ninh thi đấu võ đài. Từ hoạt động này, nhiều võ sinh nổi danh trên vùng đất mới như Phi Long Du, Hoàng Tùng Hoàng, Hoàng Tùng Quốc, Lưu Dung...

Trong đó, Phi Long Du sau này trở thành huấn luyện viên trưởng Đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh. Dưới thời huấn luyện của ông, nhiều VĐV trưởng thành, gặt hái được nhiều thành tích cao trên đấu trường quốc gia. Khi Phi Long Du qua đời, một trong những VĐV của ông là Nguyễn Văn Dương tiếp tục trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh.   

Võ sư Nguyễn Văn Chói vẫn thường xuyên lau chùi binh khí.

Có những lúc thăng lúc trầm, nhưng thực tế cho thấy, võ cổ truyền trên vùng đất Tây Ninh vẫn được nhiều người yêu thích, luyện tập. Môn võ đặc sắc của dân tộc sẽ mãi tồn tại và phát triển, tạo nên những chuẩn mực truyền thống, ngày càng hoàn thiện hơn, là niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục