BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vỡ mộng đổi đời nhờ… chồng ngoại

Cập nhật ngày: 05/09/2011 - 10:58

Từ thông tin về một phụ nữ lấy chồng người Trung Quốc sau gần 2 tháng đã điện thoại về nhà cầu cứu vì bị lừa đảo, chúng tôi đã lần theo nguồn tin, tìm đến nhà mẹ ruột cô gái nọ ở Gò Dầu. Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi phát hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy một đường dây môi giới “xuất khẩu phụ nữ” đi từ Tây Ninh- TP.HCM- Hà Nội sang Trung Quốc.

Ảnh cưới của Liên

Phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục, bà Hoa (vì lý do tế nhị, tên nhân vật trong bài viết này đã được thay đổi) mới đồng ý cung cấp thông tin về việc con gái bà là Ngọc Liên, hiện đang “ở nhà chồng” tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc điện thoại về nhà kêu cứu vì bị  những kẻ môi giới lừa đảo. Cũng từ bà Hoa, chúng tôi đã liên lạc được qua điện thoại với Liên.

Gần 2 tháng trước (đầu tháng 7.2011), khi đang làm tại một công ty tại Khu Công nghiệp Trảng Bàng thì bất ngờ, một buổi chiều, một người đàn ông Trung Quốc đi cùng một phụ nữ Việt Nam trạc 40 tuổi đến nhà “xem mắt”. Người phụ nữ tên Tú, là kẻ môi giới cho biết thị đang “tuyển vợ” cho người Trung Quốc đi cùng. Qua lời giới thiệu của người quen, được biết nhà bà Hoa có 2 cô con gái khá nhan sắc nên đến “tìm hiểu”.

Theo lời giới thiệu của bà Tú, người đàn ông Trung Quốc tên Xa Phu (phiên âm Hán Việt), làm cho một công ty lớn ở Trung Quốc, có nhà cửa bề thế ở tỉnh Phúc Kiến. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ngọc Liên (22 tuổi) muốn kiếm được nhiều tiền để phụ giúp gia đình nên dù đang đi làm với mức lương trên 2,5 triệu đồng/tháng nhưng Liên vẫn gật đầu đồng ý lấy người ngoại quốc xa lạ. Nhất là sau khi Liên nghe lời ngon tiếng ngọt của kẻ môi giới: “Đám cưới xong, về bển ổng sẽ đưa cưng vô công ty làm, có thu nhập cao, có nhiều tiền gửi về cho ba mẹ nở mặt nở mày với người ta”.

Vậy là không đầy một tuần lễ, Liên đã chính thức có chồng. Đám cưới được tổ chức vội vã tại một nhà hàng nhỏ ở TP.HCM, chỉ với vài ba bàn. Họ hàng nội ngoại hai bên chỉ vài người thân thích dự bữa tiệc rượu buồn tẻ, tiễn cô gái lên đường làm dâu xứ lạ trong tâm trạng nửa mừng nửa lo. Mừng vì cô cháu có được tấm chồng lành lặn, trẻ trung chứ không phải tật nguyền, già hom hem như nhiều cô gái khác, lại nghe nói gia đình chú rể thuộc hạng khá giả. Lo vì nơi đất khách quê người, không biết cô sẽ sống ra sao, khi mà một chữ Hoa cô cũng chưa biết. Ngay sau đám cưới, Liên được chồng đưa ra Hà Nội, sau nhiều chặng đường ô tô khá vất vả, Liên đến cửa khẩu Lạng Sơn rồi sang Trung Quốc. Sau đó, lại thêm một chuyến hành trình gian nan bằng ô tô, Liên về đến nhà chồng, một căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa heo hút ở vùng núi tỉnh Phúc Kiến. Đến lúc này, Liên mới đau đớn hiểu rằng dự định đổi đời của cô đã tan thành mây khói, bởi chồng cô chỉ có nghề duy nhất: đi hái trà thuê, không hơn gì những người làm thuê trên các cánh đồng ở Tây Ninh nơi cô đã ra đi. Đời con gái của Liên đã được trao đổi với giá… 6 triệu đồng, số tiền mà mụ Tú đã đưa cho mẹ cô sau đám cưới.

Sau hơn một tháng “cầm cự”, không chịu nổi cảnh sống tù túng, khổ sở ở xứ người. Liên điện thoại về nhà, nói đúng một câu:  “Mẹ ơi gọi lại cho con, con bị lừa rồi”. Bà Hoa gọi cho Liên, nghe con gái kể lại gia cảnh nhà chồng mà hỡi ôi. Liên may mắn hơn nhiều cô gái khác khi không bị bán vào các ổ mại dâm, cũng không bị gia đình chồng ngược đãi. Tuy nhiên, mộng “đổi đời” nhờ chồng ngoại của cô gái trẻ đã vỡ tan. 

Cuộc sống mới của cô còn thiếu thốn hơn, cực khổ hơn lúc còn ở quê hương. Thay vì làm việc ở công ty như đã được hứa, cô gái đã học hết THPT, đã có bằng trung cấp kế toán phải làm người nông phu hái trà thuê. Cô than thở: “Biết thế này, em chẳng dại gì mà sang đây cho khổ. Các anh có cách nào giúp đỡ cho em về nhà…”, rồi cô nghẹn lời. Liên kể, cùng đi với cô trong đợt vừa rồi còn có hai cô gái trẻ khác là Mộc Lan và Mỹ Chi. Sang xứ người, ba cô gái đồng hương trở thành “láng giềng” của nhau, vì cả 3 ông chồng họ đều ngụ cùng địa phương, cùng là “đồng nghiệp” hái trà thuê. Trong 3 cô, Mỹ Chi may mắn hơn vì gia đình chồng “có chút của” nên cô không phải vất vả nhiều. Còn Mộc Lan thì đồng cảnh ngộ với Liên.

Chúng tôi tìm gặp Mỹ, cô gái vừa “đào thoát” về Việt Nam cách đây đúng 2 tuần và hiện đang đi làm công nhân để… trả nợ. Một quãng thời gian ngắn ngủi bên “nhà chồng” đã khiến cô gái trẻ này tỉnh ngộ nhận ra rằng: Không ở đâu bằng quê cha đất mẹ, cuộc sống ở xứ mình tuy còn vất vả nhưng sung sướng hơn nhiều lần ở nơi mà nhiều người cứ nghĩ là “thiên đường”…

BẢO TÂM

(Còn tiếp)