Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hầu hết những phụ nữ lấy chồng ngoại quốc “thiếu may mắn” quay về Việt Nam đều không muốn nhắc tới quá khứ u buồn của họ.

Chúng tôi khá bất ngờ khi nghe Mỹ nói: “Từ ngày về Việt Nam, gặp những người phụ nữ trẻ, em đều kể cho họ nghe cảnh đời bất hạnh của em từ khi lấy chồng Trung Quốc. Chuyện chẳng hay ho gì nhưng em muốn mọi người nhìn vào trường hợp của em mà từ bỏ ý định đổi đời bằng việc lấy chồng nước ngoài. Thật tâm em không muốn ai phải rơi vào cảnh khổ như mình, dù rằng em vẫn còn một chút may mắn!”.
Mỹ kể, ở chỗ cô làm (một công ty gia công hàng may mặc xuất khẩu của Đài Loan tại Tây Ninh) có đến hàng trăm cô gái. Và chỉ sau khoảng 10 ngày khi Mỹ vào làm ở đây, hầu hết mọi người đều biết câu chuyện của cô, trong đó có một số đã và đang có ý định “lấy chồng ngoại”. Đây quả là chuyện hiếm gặp, bởi hầu hết những phụ nữ lấy chồng ngoại quốc “thiếu may mắn” quay về Việt Nam đều không muốn nhắc tới quá khứ u buồn của họ.
Mỹ sinh ra trong một gia đình nông dân, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Năm 18 tuổi, cô làm nhân viên quán nước để mưu sinh. Cuối tháng 2.2011, một gã đàn ông tên Bảo từ TP.HCM lên Tây Ninh ghé quán uống nước rồi gạ gẫm chuyện đổi đời nhờ lấy chồng ngoại. Bảo vẽ ra viễn cảnh sẽ tìm cho cô một tấm chồng tử tế, có ô tô, nhà lầu ở thành phố. Sang bên đó, cô sẽ được chồng tìm việc làm với mức lương thấp nhất cũng khoảng 7 triệu đồng/tháng. Chỉ làm vài năm là đã “có dư” vài trăm triệu đồng, số tiền mà ở Việt Nam, Mỹ đi làm “cả đời” cũng chưa kiếm được. Cô gái xiêu lòng nên chỉ sau lần “xem mặt”, vài ngày sau đó, Mỹ “lấy chồng”, ra Hà Nội rồi sang Trung Quốc.
Cũng như Ngọc Liên, khi bước chân về nhà chồng, Mỹ suýt ngất xỉu khi biết mình bị lừa. “Đến khi đó, em mới hiểu mình chỉ là một món hàng cho bọn buôn người kiếm tiền. Thực chất, gia đình chồng “mua” em qua sự môi giới của những kẻ này và phải trả “thù lao” khá nhiều cho chúng. Sở dĩ chồng em phải lặn lội sang Việt Nam để mua em về là vì ở bên này có rất nhiều người như anh ta chẳng thể nào cưới nổi vợ người bản xứ. Ở bển đàn ông nhiều, phụ nữ ít nên phụ nữ rất “có giá”, người nghèo không cưới nổi vợ vì các cô gái đòi hỏi nhiều thứ ngoài khả năng của họ”. Nhà chồng Mỹ ở vùng rừng núi hẻo lánh, xa xôi ở tỉnh Chiết Giang. Chồng Mỹ không “đi làm công ty” mà ở nhà trồng nấm, quanh năm vất vả nhọc nhằn, việc ăn uống vô cùng kham khổ vì gia đình chồng rất “tiết kiệm”.
![]() |
Mỹ mong rằng những kẻ môi giới buôn người đều bị pháp luật xử lý. |
Mỹ kể, trong quá trình “tập kết” cho những người đàn ông Trung Quốc xem mặt ở TP.HCM, nhiều cô gái có tham vọng lấy chồng ngoại đã trở thành món đồ chơi của những kẻ môi giới bất nhân. “Tụi nó nói với mấy cô gái nếu muốn giúp đỡ để kiếm được chồng tốt thì phải ăn nằm, chìu chuộng tụi nó. Người nào từ chối, tụi nó ghét, làm khó dễ”. Cũng theo lời Mỹ, cô “may mắn” được “bán ngay gốc” nên “có giá” hơn nhiều người khác. Sau đám cưới, gia đình cô được Bảo đưa 16 triệu đồng. Trong khi đó, nhiều đồng hương mà Mỹ gặp ở Chiết Giang cho biết, gia đình họ chỉ được nhận vài triệu đồng. Lý do là vì qua nhiều lần “sang tay”, chi phí cho những kẻ môi giới nhiều, nên “tiền cưới” mà bên chồng trả cho nhà gái “teo tóp” dần.
Những cô gái Việt Nam lấy chồng Trung Quốc mà Mỹ đã gặp tại vùng rừng núi của tỉnh Chiết Giang chủ yếu là ở các tỉnh miền Tây và Tây Ninh. Chỉ riêng trong vài thôn lân cận mà cô có dịp đi qua, Mỹ ước tính có cả trăm “cô dâu Việt”, hầu hết đều cho biết họ rất khổ sở khi sống ở đây. Nhiều người đã bỏ trốn khỏi nhà chồng, tìm cách về nước nhưng sau đó có kết cục bi thảm hơn. Không ít người điện thoại cầu cứu với những kẻ môi giới sau đó đã bị “trưởng đoàn”- tức kẻ cầm đầu môi giới người bản địa đưa vào các ổ mại dâm. Có phụ nữ đồng hương ở gần nhà cô, chỉ vì dám phản kháng sự ức hiếp của chồng đã bị chồng đánh đập dã man, bị thương tích nặng dẫn tới vô sinh. Cô gái này đã nhờ cơ quan chức năng sở tại giúp đỡ đưa về nước nhưng chưa biết kết cục ra sao. “Thường thì đa số họ bênh nhau, ngó lơ trước những bất hạnh của các cô dâu Việt. Ở bển, ngày nào em cũng khóc”, Mỹ kể.
Các loại giấy tờ tuỳ thân, mà nhất là hộ chiếu là “tính mạng thứ hai” của các cô gái. Tuy nhiên, hầu hết các ông chồng đều đã tìm cách giấu hoặc thủ tiêu các loại giấy tờ này sau khi làm thủ tục đăng ký kết hôn (tại Trung Quốc). Lý do là để các cô không thể trốn về quê hương. Mỹ cũng không ngoại lệ, nhưng nhận thức được điều này nên cô gái đã đấu tranh quyết liệt, kể cả chuyện tuyệt thực và… cắt mạch máu tay tự tử để yêu cầu chồng phải trả giấy tờ tuỳ thân. Mỹ còn bỏ trốn khỏi nhà, tìm gặp trưởng thôn và công an để nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, phải mất hơn 4 tháng sau, nhờ sự giúp đỡ của người họ hàng đang sống tại Malaysia và Trung Quốc, Mỹ mới được rời khỏi nơi này. “Không có niềm hạnh phúc nào hơn khi em đặt chân về đến quê hương. Từ chuyến đi này em mới thấy không đâu bằng ở quê mình. Em ước gì tất cả bọn môi giới gả bán phụ nữ đều bị bắt và bị trừng trị. Em cũng ước gì những cô gái khác đừng có suy nghĩ dại dột như em trước kia. Em rất buồn vì biết bao nhiêu người ở bên ấy muốn về quê hương thì ở đây lại có nhiều người tìm cách sang bên ấy”, Mỹ tâm tình. Về quê được một tuần, cô đã xin đi làm. Hiện Mỹ đang làm công nhân với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng. Cô sẽ dành dụm để trả món nợ hơn 20 triệu đồng đã vay của người quen để lo thủ tục, vé máy bay từ Trung Quốc về Việt Nam. Dù vậy, Mỹ cười rất tươi, cô cho biết sẽ làm lại từ đầu và tin tưởng rằng sẽ có cuộc sống êm đềm hạnh phúc.
Chúng tôi đã tìm cách liên lạc với Tú và Hùng, hai kẻ trong đường dây môi giới đã đưa Liên và nhiều cô gái khác sang Trung Quốc “lấy chồng”. Bên cạnh chứng cứ chúng tôi thu thập được, cùng với thông tin cung cấp của nạn nhân và gia đình, có thể nói rằng hai kẻ này đã có hành vi tổ chức “môi giới hôn nhân” trái phép. Còn nói theo nạn nhân và gia đình thì đây là những kẻ lừa đảo. Chúng tôi cũng đã trao đổi với một vị lãnh đạo Sở Tư pháp để tìm hiểu quy định về kết hôn với đàn ông nước ngoài và được biết thủ tục khá “đơn giản”, còn “kẽ hở” để kẻ xấu lợi dụng trục lợi.
BẢO TÂM
(Còn tiếp)