Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Từ năm 2004 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã giải quyết cho trên 80.000 hộ nghèo vay vốn ưu đãi, với số vốn dư nợ bình quân lên đến gần 14.000 tỷ đồng/năm để bà con đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, góp phần cải thiện, nâng chất lượng cuộc sống.

Ông Trần Văn Vũ, 62 tuổi, ngụ ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành cho biết, từ năm 2009, gia đình ông được Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết vay số vốn 30 triệu đồng. Theo đó, gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây trại, đào ao nuôi cá. Hàng năm, gia đình thu lãi gần 60 triệu đồng.
![]() |
Nhân viên tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh tư vấn điều kiện vay vốn cho người dân xã Biên Giới, huyện Châu Thành. |
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội của tỉnh, phần lớn số hộ dân được vay vốn ưu đãi đều sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả cao. Một số hộ đã trả hoàn tất nợ vay trước đó và còn lại số vốn mua sắm phương tiện, công cụ sản xuất như: trâu, bò, máy móc để phục vụ sản xuất nông nghiệp, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, chỉ còn 4,89% vào cuối năm 2014.
Đánh giá về hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Văn Lai- Phó Chủ tịch UBND xã Biên Giới (huyện Châu Thành) cho biết, việc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện để hộ nghèo của xã Biên Giới, kể cả hộ kinh doanh sản xuất được vay vốn đã tạo điều kiện cho các hộ có vốn để đầu tư vào chăn nuôi sản xuất, đạt được hiệu quả rất cao, giúp giảm số hộ nghèo ở địa phương.
Trao đổi về định mức cho vay đối với các hộ nghèo, ông Trương Hồng Đức- Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh cho biết, tùy theo nhu cầu về vốn và khả năng sản xuất kinh doanh của từng hộ vay, ngân hàng chính sách sẽ áp mức tín dụng cho vay hợp lý với mỗi đối tượng. Mức tối đa không vượt quá 30 triệu đồng.
Năm 2014 mức vay được nâng lên không vượt quá 50 triệu đồng. Thời gian qua, các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đáp ứng sâu rộng đến từng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. “Riêng các đối tượng chính sách tại 20 xã biên giới luôn được ưu tiên hơn so với các nơi khác. Khi vay vốn, các hộ nghèo không phải thế chấp tài sản, kèm theo thủ tục cho vay đơn giản, dễ hiểu, góp phần giúp gần 35.000 hộ dân vay vốn làm ăn, thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động và hơn 36.000 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn ưu đãi để được tiếp tục học tập”- ông Đức cho biết thêm.
Trong năm 2015, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh tiếp tục giải ngân mức vốn cho vay bổ sung thêm 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, để giải quyết những khó khăn về vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm và cho vay vốn các hộ sản xuất kinh doanh vùng kinh tế đặc biệt khó khăn để giúp bà con vươn lên làm giàu chính đáng.
Tuấn Anh