Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Voọc chà vá chân đen xuất hiện ở VQG Lò Gò – Xa Mát
Thứ sáu: 10:54 ngày 15/10/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau 3 đợt khảo sát thực địa, cán bộ VQG đã phát hiện được một quần thể Voọc có từ 10 đến 12 cá thể ở khu vực suối Đa Ha - thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG và đã ghi được hình ảnh.

Phần đầu Chà vá chân đen - ảnh do CB VQG chụp được.

Sau 7 năm thực hiện bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt vùng sinh sống và có khả năng phân bố của các loài linh trưởng trong Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (VQG). Đầu tháng 8.2010, trong quá trình đi tuần tra, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện chất thải dư thừa từ thức ăn của các loài Voọc. Từ phát hiện này, VQG đã tiến hành điều tra và khảo sát thực địa để đánh giá sự phát triển của chúng.

Sau 3 đợt khảo sát thực địa, ngày 10.8.2010 các cán bộ VQG đã phát hiện được một quần thể Voọc có từ 10 đến 12 cá thể ở khu vực suối Đa Ha - thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG và đã ghi được hình ảnh. Tuy nhiên do tập tính của các loài Voọc là thường sống, hoạt động trên những cây cao và thường giấu mình khi có tiếng động; mặt khác, do phương tiện, công cụ của VQG để phục vụ cho việc ghi hình ảnh chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, nên hình ảnh thu được không được rõ. Sau đó những bức ảnh này được gửi đến Viện Sinh học Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh (SHNĐ TP.HCM) để nhận dạng và định danh. Qua thẩm định, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức - chuyên gia linh trưởng của Viện SHNĐ TP.HCM, khẳng định đây là loài “Chà vá chân đen”. Thông tin này ngay sau đó đã được chính thức đưa lên trang web của Viện SHNĐ TP.HCM ngày 27.8.2010, tại địa chỉ http://www.cbd-itb.org.vn/vn/default.aspx?n=513.

Chà vá chân đen có tên khoa học là  Pygathrix nigripes (Milne-Edwards, 1871), thuộc họ Khỉ - Cercopithecidae, bộ Linh trưởng – Primates. Dân gian còn gọi Chà vá chân đen với nhiều tên khác nhau như: Voọc Chà vá chân đen, Voọc vá Nam bộ, Voọc ngũ sắc (Việt); Dộc hoa (Ba Na, Ê Đê).

Chà vá chân đen là loài linh trưởng có thân hình thon nhỏ, con trưởng thành có độ dài thân và đầu biến động từ 530 đến 620mm, chân, tay đều dài. Bộ lông dày, nhiều màu và mềm. Lưng màu xám - đen. Đầu trắng xám. Hai bên thái dương có viền lông nâu đỏ. Mặt nhiều lông dài màu trắng xám đến xám, dầy tạo thành đĩa quanh mặt. Da quanh mắt màu vàng cam. Trán và quanh miệng màu xanh lam nhạt. Mũi xám nâu. Mắt nâu. Vai màu xám đen. Cẳng tay xám trắng, không có khúc trắng trên cẳng tay. Từ móng đến mu bàn chân đen. Cẳng chân xanh đen đến đen. Vùng bẹn và đuôi trắng đục. Đuôi nhỏ thon, dài hơn thân (620 – 690mm).

Chà vá chân đen (ảnh tư liệu)

Chà vá chân đen thường sống ở những khu rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá, rụng lá và rừng cây họ dầu. Chúng sống thành đàn, mỗi đàn có từ 10 đến 30 con, có con đực đầu đàn. Kiếm ăn vào buổi sáng sớm và chiều, ngủ trên cây gỗ cao. Ăn lá non và mầm cây. Hiện chưa có nghiên cứu về sinh sản của Chà vá chân đen.

Theo Sách đỏ Việt Nam (2007), Chà vá chân đen có ý nghĩa khoa học lớn. Song do nhiều nguyên nhân khác nhau từ năm 1980 đến nay, quần thể Chà vá chân đen bị suy giảm khá nhanh, hơn 50% số cá thể đã bị mất. Nguyên nhân chính được xác định là do diện tích rừng ngày càng thu hẹp, rừng thường xuyên bị tác động với nhiều hình thức khác nhau; do bị săn, bắt làm thịt và nuôi nhốt làm vật cảnh; do chất lượng nơi cư trú và nguồn thức ăn suy giảm… Do vậy, tình trạng hiện tại của Chà vá chân đen được xếp loài nguy cấp (EN) – có nghĩa Chà vá chân đen đang đứng trước một nguy cơ rất lớn sẽ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong một tương lai gần. Sách Đỏ Thế giới (IUCN, 2000) cũng phân hạng EN. Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, Chà vá chân đen nằm trong phụ lục IB (nghiêm cấm khai thác, sử dụng  những loài động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số luợng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao).

Để bảo tồn loài Chà vá chân đen, các biện pháp bảo vệ được đề xuất và thực thi như cấm tuyệt đối săn bắn; thực hiện bảo tồn trong Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên ở vùng phân bố của Chà vá chân đen; nghiên cứu gây nuôi ở các Trung tâm cứu hộ linh trưởng và Vườn Thú.

Nhận định về phát hiện này, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức cho biết: “Với kết quả này, loài Chà vá chân đen chính thức ghi nhận tại VQG Lò Gò - Xa Mát. Cùng với sự hiện diện của Sếu đầu đỏ, VQG Lò Gò - Xa Mát thực sự là một địa điểm quan trọng cần được bảo tồn và nghiên cứu đúng mức”.

Khẳng định sự tồn tại của loài Chà vá chân đen ở VQG Lò Gò - Xa Mát (ngày 27.8.2010, lúc 10:54:00 )

“Đặc hữu” là loài động, thực vật hay côn trùng nào đó mà trong môi trường hoang dã nó có vùng phân bố rất hẹp hay đặc trưng cho một vùng sống nhất định mà nơi khác không có. Chà vá chân đen được xem là loài thú linh trưởng đặc hữu của Đông Dương. Cho đến nay, loài này được ghi nhận chính thức ở phía Đông Cambodia và phía Nam Việt Nam, khoảng giữa vĩ tuyến 14 và 10045 Bắc bán cầu.

Các nghiên cứu trước đây của Viện Sinh học Nhiệt đới (2000 và 2006) cũng như của Birdlife International (2000) ghi nhận tạm thời loài Chà vá chân đen ở VQG Lò Gò - Xa Mát dựa vào các thông tin phòng vấn và một cá thể non được nuôi nhốt tại địa phương. Các cán bộ VQG Lò Gò - Xa Mát đã quan sát được một bầy Chà vá chân đen khoảng từ 10 đến 12 cá thể. Hai bức ảnh chụp tại hiện trường xác minh báo cáo của cán bộ VQG. Với kết quả này, loài Chà vá chân đen chính thức ghi nhận tại VQG Lò Gò - Xa Mát.

THANH TÙNG

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh