Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
VPF có biến thành VFF thu nhỏ?
Thứ năm: 16:01 ngày 30/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 3-12, đại hội cổ đông Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) khóa III giai đoạn 2017-2020 sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Ông Trần Anh Tú (phải) - ứng viên sáng giá thay ông Võ Quốc Thắng. Ảnh: N.K

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, sẽ có nhiều thay đổi trong hội đồng quản trị (HĐQT), ban giám đốc của VPF nhiệm kỳ 2017-2020. Nhiều khả năng các vị trí chủ chốt của VPF thời gian tới sẽ do các đại diện của VFF (LĐBĐVN) nắm giữ.

Ông Võ Quốc Thắng xin rút lui

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch HĐQT VPF, cho biết ông đã bày tỏ quan điểm về việc xin rút khỏi vị trí chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 2017-2020 trong cuộc họp HĐQT VPF vào tháng 11 vừa qua. Lý do khiến ông Thắng nhất quyết rời ghế là do ông đã làm hai nhiệm kỳ và rất bận công việc kinh doanh. Dù vậy, “bầu” Thắng nói: “Dù có làm chủ tịch HĐQT VPF hay không thì tôi vẫn tiếp tục cống hiến cho bóng đá VN như tôi đã làm suốt 20 năm qua”.

Ông Võ Quốc Thắng là người rất có tâm với bóng đá VN. Uy tín và vị thế của ông Thắng ở VPF khiến cho việc điều hành, tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp VN trong 7 năm qua có nhiều tiến bộ. Việc phối hợp giữa VPF với VFF, các CLB, địa phương cũng gặp nhiều thuận lợi. Ở những thời điểm một số CLB gặp hoàn cảnh khó khăn đứng trước nguy cơ bỏ giải, chính sự ra tay của ông Thắng đã làm xoay chuyển tình hình. Vì vậy, nếu ông Võ Quốc Thắng nhất quyết rời ghế chủ tịch HĐQT VPF trong đại hội ngày 3-12 tới sẽ là tổn thất rất lớn với VPF.

Không chỉ có ông Thắng xin rút, theo thông tin của Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Viễn - phó chủ tịch thường trực HĐQT VPF - cũng xin rút lui. Ông Viễn là thành viên ban chấp hành VFF và là một trong ba đại diện của VFF đại diện phần vốn của đơn vị này tại VPF. Dù vậy, đến thời điểm này ông Viễn cho biết “đã đến lúc tôi phải dành thời gian để nghỉ ngơi”.

Ông Phạm Ngọc Viễn là người rất có chuyên môn, kinh nghiệm bóng đá. Ông Viễn được đào tạo tiến sĩ bóng đá tại Nga, đã kinh qua nhiều vị trí như: tổng thư ký, phó chủ tịch VFF; giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội; tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT VPF... Việc ông Viễn không tham gia VPF nữa cũng là thiệt thòi cho VPF.

Ngoài ông Thắng, ông Viễn, phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Công Khế cũng đã bày tỏ quan điểm xin rút lui ở nhiệm kỳ tới. Nếu ông Khế nhất quyết xin rút lui tại đại hội ngày 3-12 tới, xem như bộ máy HĐQT VPF khóa III là những người mới.

Ứng viên chủ tịch HĐQT VPF: Trần Anh Tú

VPF là công ty cổ phần với sự tham gia góp vốn của 19 cổ đông, trong đó VFF nắm giữ 35,4% cổ phần. Với số cổ phần nắm giữ, VFF cử ba thành viên là đại diện phần vốn của VFF tại VPF thời điểm hiện tại là: ông Trần Quốc Tuấn - phó chủ tịch VFF (phó chủ tịch HĐQT VPF), ông Phạm Ngọc Viễn - phó chủ tịch HĐQT VPF, bà Đinh Thị Thu Trang - kế toán trưởng VFF (thành viên HĐQT VPF).

Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông ngày 3-12 tới, ông Trần Quốc Tuấn và ông Phạm Ngọc Viễn sẽ rút không tham gia đại diện góp vốn của VFF tại VPF. Thay vào đó, VFF sẽ cử ông Lê Hoài Anh - tổng thư ký VFF, và ông Trần Anh Tú - ủy viên thường trực VFF, cùng với bà Thu Trang là đại diện phần vốn của VFF tham gia VPF giai đoạn 2017-2020.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-11, một lãnh đạo VPF cho biết đến thời điểm này có một số ứng viên được giới thiệu tham gia HĐQT VPF khóa III là các ông: Trần Anh Tú (VFF), Nguyễn Hồng Thanh (SLNA), Lê Nguyên Hồng (Quảng Nam), Trần Mạnh Hùng (CLB Hải Phòng), Phạm Thanh Hùng (CLB Than Quảng Ninh)... Tuy nhiên, ứng viên nặng ký gần như không có ai ngoài ông Trần Anh Tú. Nói vậy bởi ông Trần Anh Tú ngoài việc là ủy viên thường trực VFF còn là chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM, chủ tịch HĐQT Công ty Thái Sơn Nam.

Ai là tổng giám đốc VPF?

Đại hội cổ đông sẽ bầu ra HĐQT VPF khóa mới, trong phiên họp đầu tiên HĐQT sẽ bầu người giữ vị trí chủ tịch HĐQT. Vị trí tổng giám đốc VPF sẽ do HĐQT bổ nhiệm và đó là ẩn số.

Ông Cao Văn Chóng đang là tổng giám đốc VPF nhưng là người của CLB Becamex Bình Dương được VPF mời làm việc theo dạng biệt phái trong 2 năm.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục