BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ bể hụi tiền tỷ ở xã Cầu Khởi

Cập nhật ngày: 25/06/2016 - 05:27

Sổ hụi được bà Nguyệt làm giao cho các hụi viên để tạo niềm tin khi tham gia các dây hụi do bà Nguyệt tổ chức.

Lãnh đạo UBND xã Cầu Khởi cho biết có vụ vỡ hụi của bà Nguyệt tại địa phương, với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. UBND xã đã tiến hành làm việc với bà Nguyệt và các hụi viên bị bà Nguyệt giật hụi, sau đó hướng dẫn các hụi viên khởi kiện ra toà, nhưng các hụi viên không đồng ý mà yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý hành vi lừa đảo của bà Nguyệt. Hiện kết quả xử lý của các ngành chức năng như thế nào, UBND xã cũng không nắm rõ.

Tuy nhiên, điều làm chính quyền địa phương ngạc nhiên là vì sao nhiều người có thể tin tưởng tham gia vào những dây hụi do bà Nguyệt mở, bởi bà Nguyệt là dân ở miền Trung, theo chồng vào xã Cầu Khởi làm công nhân cạo mủ cho nông trường cao su, chưa có nhà riêng phải ở nhà tập thể!

Sau khi bể hụi, bà Nguyệt bỏ đi một thời gian rồi quay về. Tháng 3.2016, UBND mời bà Nguyệt đến làm việc và bà thừa nhận số tiền nợ các hụi viên có đơn thưa bà. Tuy nhiên, bà Nguyệt cho rằng hiện nay hoàn cảnh khó khăn nên bà xin được trả dần cho các hụi viên, mỗi tháng 2 triệu đồng cho những người bà nợ vài trăm triệu, mỗi tháng 1 triệu đồng cho những người bà nợ số tiền ít hơn.

Thế nhưng, hiện nay bà Nguyệt đang đi làm công nhân, thu nhập mỗi tháng vài triệu đồng, với số nợ hơn 1,5 tỷ đồng, không biết bà trả bằng cách nào. Vì thế, các hụi viên đã không đồng ý và đi tố cáo đến các ngành chức năng hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Nguyệt.

Bà Phạm Thị Thu Hồng- một hụi viên bị bà Nguyệt chiếm đoạt số tiền hụi hơn 350 triệu đồng và 50 triệu đồng tiền mượn cho biết, các hụi viên tham gia vào các dây hụi của bà Nguyệt bởi bà Nguyệt rất có khiếu ăn nói. Dù biết bà Nguyệt đang ở nhà tập thể và đi làm công nhân, nhưng qua những “kế hoạch làm ăn” của bà Nguyệt, bà Hồng và nhiều người khác nghe bùi tai nên không ngần ngại tham gia hụi của bà. Do đó mà chỉ trong thời gian hơn 1,5 năm, số người tham gia chơi hụi với bà Nguyệt rất đông, nhưng chẳng mấy người được hốt hụi.

Để tạo lòng tin của mọi người, bà Nguyệt luôn thể hiện là người có đạo đức, thường xuyên đi làm từ thiện, cho tiền người nghèo, người bị bệnh, thường xuyên ủng hộ xã trong các chương trình từ thiện. Với con người “đạo đức” như vậy, ai có thể ngờ lại là người có âm mưu chiếm đoạt tiền của người khác. Đến khi bà Nguyệt tuyên bố vỡ hụi và bỏ địa phương đi, nhiều hụi viên mới “bật ngửa”. Lúc đó mới biết số tiền bà Nguyệt còn nợ đến hơn 1,5 tỷ đồng- cả tiền hụi lẫn tiền mượn.

Sau khi bà Hồng cùng các hụi viên khác làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của bà Nguyệt gửi đến Công an huyện Dương Minh Châu, Công an huyện trả lời rằng hụi là tranh chấp dân sự, nên hướng dẫn hụi viên khởi kiện tại toà án. Bà Hồng và các hụi viên không đồng ý nên đã gửi đơn tố cáo bà Nguyệt đến Công an tỉnh. Mới đây, Công an tỉnh đã mời bà Hồng cùng các hụi viên đến làm việc xung quanh việc họ tố cáo hành vi của bà Nguyệt.

Báo Tây Ninh đã có nhiều bài viết phản ánh về các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc tổ chức các dây hụi, lập hụi ma để chiếm đoạt tài sản của các hụi viên. Nhiều chuyên gia pháp lý cũng đã lên tiếng cảnh báo về mức độ rủi ro khi tham gia chơi hụi để người dân nắm bắt và hiểu được. Thế nhưng, tình trạng bể hụi vẫn cứ diễn ra khiến nhiều người bị chiếm đoạt tài sản, không ít người tan vỡ gia đình vì bị giật hụi.

Hy vọng trong thời gian tới, chính quyền địa phương nỗ lực tuyên truyền các quy định pháp luật về hụi đến người dân, để người dân nắm được nhiều thông tin hơn.

THẾ NHÂN – ĐỨC AN