Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vì sao vấn đề thắc mắc về chữ đường đã tạm lắng trong một thời gian, nay lại gây bức xúc đối với nông dân trồng mía?

Những ngày gần đây, khi các nhà máy công suất lớn bắt đầu vào vụ chế biến 2011-2012, có nhiều nông dân trồng mía bày tỏ sự băn khoăn về việc đo chữ đường của các nhà máy. Vì sao vấn đề thắc mắc về chữ đường đã tạm lắng trong một thời gian, nay lại gây bức xúc đối với nông dân trồng mía?
Cách nay hơn 10 năm, vấn đề chữ đường đã từng gây bức xúc lớn cho nông dân và các ngành chức năng đã phải tổ chức hội thảo để tìm giải pháp minh bạch nhằm tạo lòng tin của người trồng mía. Tại các cuộc hội thảo, các nhà máy đã trình bày phương pháp lấy mẫu mía, phương pháp đo các thông số, công thức tính chữ đường… Thế nhưng, việc giải thích của các nhà máy vẫn chưa đủ sức thuyết phục người trồng mía tin tưởng do không ít người vẫn cho rằng máy móc đo chữ đường do con người tạo ra thì con người cũng có thể điều chỉnh theo ý của mình. Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải có tổ chức độc lập đo chữ đường để đảm bảo tính khách quan. Sau đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ đến các nhà máy đường lấy mẫu đo kiểm chứng chữ đường để so sánh kết quả do nhà máy đo. Tuy nhiên, nông dân trồng mía vẫn chưa được yên tâm. Cuối cùng, các nhà máy chọn giải pháp bảo hiểm chữ đường khi thu mua mía, lúc đó thắc mắc của nông dân về chữ đường của nông dân mới tạm lắng dịu.
![]() |
Khoan mía lấy mẫu đo chữ đường |
Vì sao đầu vụ chế biến mía đường năm nay vấn đề chữ đường lại gây bức xúc trở lại cho những nông dân trồng mía? Nguyên nhân chủ yếu là do năm nay các nhà máy bắt đầu thực hiện lộ trình khuyến khích nông dân khi sản xuất mía chú trọng hơn đến chất lượng- cụ thể là chú trọng đến chữ đường. Để khuyến khích nông dân, năm nay các nhà máy có chính sách thu mua với giá càng tăng đối với mía có chữ đường càng cao. Cụ thể như ở Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) thì đầu vụ thu hoạch năm nay nhà máy sẽ thu mua mía với giá 1,1 triệu đồng/tấn mía 10 CCS tại ruộng trên phương tiện vận chuyển. Đồng thời Công ty SBT cũng có thêm chính sách trả thêm cho chủ mía có mía đạt chữ đường cao như: đối với mía có chữ đường đạt từ 9-9,49 CCS công ty sẽ trả thêm 40.000 đồng/tấn; đối với mía có chữ đường từ 9,5 đến 9,99 CCS công ty sẽ trả thêm 60.000 đồng/tấn và mía có chữ đường từ 10 CCS trở lên công ty trả thêm 80.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, song song với chính sách trả thêm cho mía có chữ đường cao thì Công ty SBT lại giảm mức bảo hiểm chữ đường thấp hơn vụ chế biến trước. Trong vụ chế biến trước, ngay từ đầu vụ Công ty SBT đã bảo hiểm chữ đường là 9 CCS, nhưng đầu vụ chế biến này, chữ đường chỉ được bảo hiểm có 8,5 CCS mà thôi. Việc giảm mức bảo hiểm chữ đường đã khiến cho nông dân băn khoăn. Khi chữ đường được bảo hiểm ở mức tương đối thì nông dân chẳng quan tâm nhiều đến việc đo lường vì thấp nhất thì thu nhập của nông dân cũng ở mức chấp nhận được. Khi mức bảo hiểm chữ đường thấp thì nông dân lại quan tâm đến việc đo lường vì việc này có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân. Ngoài ra, việc trả thêm cho mía có chữ đường cao cũng khiến một số nông dân băn khoăn- không biết việc đo lường có đảm bảo khách quan hay không? Và tính minh bạch trong việc đo chữ đường lại được nông dân đề cập trở lại.
Thực tế cho thấy để nông dân yên tâm đối với chữ đường thì giải pháp hiệu quả nhất là nhà máy bảo hiểm chữ đường ở mức chấp nhận được. Bởi vì dù các nhà máy có nỗ lực giải thích về quy trình lấy mẫu mía, quy trình đo lường các thông số và cách tính chữ đường… bao nhiêu lần đi nữa, nhưng nông dân không “mắt thấy, tai nghe” thì cũng không thể tin tưởng hoàn toàn được. Từ đó, có nhiều nông dân đề xuất các nhà máy nên áp dụng mức bảo hiểm chữ đường như vụ chế biến trước. Có như thế nông dân sẽ yên tâm hơn khi bán mía cho các nhà máy.
SƠN TRẦN