BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ chủ nhà nghỉ đến xã đăng ký khách lưu trú, nhưng vẫn bị phạt: Quyết định xử phạt chưa thuyết phục...

Cập nhật ngày: 11/07/2009 - 06:13

Trước đây, Báo Tây Ninh đã có bài phản ánh trường hợp bà Nguyễn Thị Mộng Nguyên là chủ cơ sở kinh doanh nhà nghỉ Quỳnh Như tại ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành khiếu nại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTP về TTXH), Công an Tây Ninh xử phạt hành chính về việc nhà nghỉ của bà không vào sổ lưu trú cho khách chưa khách quan, đúng quy định. Bởi vì, sự việc bà Nguyên chưa kịp vào sổ đăng ký cho khách là do nguyên nhân khách quan, có xác nhận của công an địa phương, phù hợp với Luật Cư trú.

Vừa qua, Phòng CSĐTTP về TTXH, Công an tỉnh có công văn trả lời bà Nguyên và Báo Tây Ninh cho biết: “Ngày 24.2.2009, Đội phòng chống tệ nạn xã hội, Phòng CSĐTTP về TTXH, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh nhà nghỉ Quỳnh Như... Lúc này, không có bà Nguyên ở nhà mà chỉ có mặt bà Nguyễn Thị Dung, mẹ của bà Nguyên. Quá trình làm việc, đoàn kiểm tra yêu cầu xuất trình những giấy tờ có liên quan đến việc đăng ký kinh doanh và tiến hành kiểm tra các phòng trọ, phát hiện 2 phòng có khách đến nghỉ trọ, trong đó có 1 phòng có 2 khách vào lưu trú nhưng không vào sổ nên đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi “không thực hiện việc đăng ký lưu trú đối với khách tại cơ sở của mình”... Căn cứ vào các quy định của Nhà nước đối với cơ sở lưu trú và biên bản vi phạm hành chính, kết quả làm việc bà Nguyễn Thị Mộng Nguyên và 2 người khách nghỉ trọ đã có đủ cơ sở chứng minh chủ nhà nghỉ Quỳnh Như đã vi phạm: không thực hiện việc vào sổ trước khi khách vào phòng nghỉ...”.

Theo bà Nguyên, nội dung nêu trên của Phòng CSĐTTP về TTXH, Công an tỉnh xử phạt hành chính nhà nghỉ về hành vi không vào sổ khách lưu trú là chưa thuyết phục. Bởi vì, bà Nguyên đã trình bày trong đơn và được sự xác nhận của Phó Trưởng Công an xã Đồng Khởi -Phạm Văn Thành là trong khi gia đình bà Nguyên đang đến xã đăng ký cho hai người khách, thì lúc này có hai người khách khác vào nghỉ nên đã điện thoại báo cho anh Thành. Do cuốn sổ đăng ký khách lưu trú đã mang đến xã nên gia đình bà Nguyên chưa vào sổ được. Khi gia đình bà Nguyên mang sổ vừa về đến nhà nghỉ thì ngành chức năng kiểm tra phát hiện chưa vào sổ đăng ký cho khách. Nguyên nhân khách quan này, ngành chức năng không xét đến mà chỉ căn cứ “cứng nhắc” Thông tư số 02/2001/TT-BCA ngày 4.5.2001 về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 08/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện là “phải thực hiện vào sổ trước khi khách vào phòng” để xử lý. Trong khi đó, gia đình bà Nguyên đã thực hiện đúng theo Thông tư số 06/2007/TT.BCA.C11 ngày 1.7.2007 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 107/NĐ-CP ngày 25.6.2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú là phải “có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với công an xã, phường, thị trấn... trực tiếp hoặc bằng điện thoại”. Bà Nguyên phản ánh, việc Phòng CSĐTTP về TTXH, Công an tỉnh kiên quyết xử phạt thì công dân phải chấp hành, nhưng bà cho rằng ngành chức năng không xem xét “tình huống” dẫn đến việc chưa kịp vào sổ là chưa thấu tình, đạt lý.

Theo chúng tôi được biết, tại Thông tư số 06/2007/TT.BCA.C11 có nêu rõ, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Cư trú, các ngành và địa phương cần báo cáo tình hình hoặc đề xuất lên Bộ trưởng Bộ Công an biện pháp giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú. Vì vậy, trong thực tiễn, khi thực hiện Luật Cư trú, gặp phải trường hợp như nêu trên mà Phòng CSĐTTP về TTXH, Công an tỉnh kiên quyết xử phạt theo Nghị định số 08/2001/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành trước khi Luật Cư trú ra đời), không xem xét đến tình tiết khách quan nêu trên là chưa thuyết phục người dân.

ĐỨC TIẾN