Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vụ Đông Xuân 2022-2023: Nông dân xã Phước Chỉ trúng mùa
Thứ tư: 15:32 ngày 22/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTGQ) xây dựng nông thôn mới, xã Phước Chỉ đã có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn của địa phương thay đổi từng ngày.

Từ vùng chuyên canh lúa nước, xã nông thôn mới Phước Chỉ tiến tới hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản

Là địa phương nằm ở cánh Tây thị xã Trảng Bàng, xã biên giới Phước Chỉ được bao bọc bởi hệ thống sông Vàm Cỏ, có 8,9km đường biên giới giáp Campuchia, phần lớn người dân (trên 70%) sống bằng nghề nông nghiệp, đời sống kinh tế khá khó khăn. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTGQ) xây dựng nông thôn mới, xã Phước Chỉ đã có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn của địa phương thay đổi từng ngày.

Trước đây, nông dân bị phụ thuộc vào thương lái, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”. Để khắc phục, cấp uỷ, chính quyền xã Phước Chỉ vận dụng linh hoạt các giải pháp trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lựa chọn xây dựng mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn, quan tâm sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, hình thành các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để phát triển chuỗi giá trị.

Ông Lê Tấn Thanh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Chỉ cho biết, trên địa bàn xã có 4 hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất lúa. Bên cạnh mở rộng diện tích sản xuất, các HTX chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất lúa sạch, đồng thời liên kết sản xuất với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm. Việc tham gia HTX giúp bà con nông dân được tập huấn kĩ thuật, tư vấn kĩ lưỡng về giống, phân bón, cách bón phân, thu hoạch, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao.

“Lúc mới thành lập, trung bình mỗi HTX chỉ có khoảng 30 hội viên, do người dân quen sản xuất theo phương thức thông thường, tự lo đầu vào, đầu ra sản phẩm, còn e ngại với phương thức liên kết. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động hiệu quả của các HTX, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, đến nay các HTX nông nghiệp của xã đã phát triển khoảng hơn 300 hội viên”- ông Thanh chia sẻ.

Vùng trồng lúa chất lượng cao sau thu hoạch.

Ông Thanh cho biết thêm, tổng diện tích sản xuất lúa toàn xã trên 3.900 ha. Nhờ liên kết sản xuất theo hợp đồng, nông dân trên địa bàn xã chủ yếu sản xuất các giống lúa chất lượng cao như ST25, Đài thơm, 504, OM18, hương Cửu Long…

Thuận lợi năm nay, nông dân Phước Chỉ được trúng mùa. Đáng mừng hơn, giá lúa năm nay tương đối cao so với mọi năm. “Năng suất lúa vụ Đông Xuân bình quân đạt từ 7,5 - 8 tấn/ha/vụ, có hộ đạt gần 10 tấn/ha/vụ. Giá lúa tươi từ 6.000 đồng/kg - 6.300 đồng/kg. Bà con rất phấn khởi! Có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền đầu tư hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu bao phủ toàn bộ diện tích đất sản xuất.

Đặc biệt, xã được tỉnh và thị xã Trảng Bàng định hướng cho bà con tham gia chuỗi liên kết, hợp tác sản xuất cùng các HTX nông nghiệp, các doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân”- ông Thanh phấn khởi nói.

Vụ Đông Xuân 2022-2023, năng suất lúa bình quân đạt từ 7,5 - 8 tấn/ha/vụ, có hộ đạt gần 10 tấn/ha/vụ.

Bà Đào Duy Băng Thanh- Trưởng Phòng Phát triển dự Án (Công ty TNHH Đức Thành) cho biết Tổ liên kết Đức Thành - Lúa Vàng Việt đã hợp tác và bao tiêu đầu ra với hơn 200 hộ nông dân xã Phước Chỉ, tương đương 430 ha giống lúa các loại, trong đó có hơn 30 ha giống lúa ST25. Vụ Đông Xuân 2022-2023, nông dân “trúng mùa, được giá”, riêng lúa ST25 đạt bình quân 6,5 - 7 tấn/ha.

Ngoài ra, công ty còn liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Hoà và Phước Bình mở rộng, đầu tư phát triển các giống lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị nông sản nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thời gian tới, công ty sẽ mở rộng quy mô, triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương.

Thu hoạch lúa ST25 tại Phước Chỉ.

Theo ông Ngô Văn Bình- Phó UBND xã Phước Chỉ, đây là tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đến năm 2025, xã Phước Chỉ hình thành 600 ha lúa chất lượng cao, lúa đặc sản (ST24, ST25, hương Cửu long, OM 18, nếp...) theo nhu cầu của thị trường, đáp ứng nguồn giống cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, từng bước phát triển mô hình lúa hữu cơ.

Tâm Giang - Tuệ Lâm

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục