Ai cũng xót xa khi nhìn thấy những đám ruộng lúa vừa “vàng mơ” bị chìm trong nước. Lúa mới trổ, hoặc vừa “cong trái me” mà bị mưa gió ngã đổ ngập chìm trong nước như thế thì nông dân bị thất mùa là cái chắc.
Người nông dân, đã khó càng thêm khó |
Những ngày gần đây, có dịp đi trên quốc lộ 22B ngang qua cánh đồng Gò Kén (thuộc địa bàn huyện Hoà Thành) ai cũng xót xa khi nhìn thấy những đám ruộng lúa vừa “vàng mơ” bị chìm trong nước. Lúa mới trổ, hoặc vừa “cong trái me” mà bị mưa gió ngã đổ ngập chìm trong nước như thế thì nông dân bị thất mùa là cái chắc.
Ông Nguyễn Văn Trào (72 tuổi) một lão nông làm 80 cao ruộng (8.000 m2) ở cánh đồng Gò Kén cho biết, từ trước đến nay chưa có vụ lúa đông xuân nào làm “gian nan” như vụ này. Vào đầu vụ, vừa mới xuống giống thì mưa trái mùa dồn dập làm cho ruộng lúa chìm sâu trong nước. Để cứu lúa giống mới sạ, gia đình ông Trào phải be bờ bơm nước ra mấy ngày liền. Sau khoảng ba tháng cần mẫn chăm sóc, lúa phát triển tốt tươi và chỉ còn khoảng một tuần lễ nữa là thu hoạch. Nhưng rồi trời lại mưa dông liên tiếp mấy cây liền làm cho lúa của ông Trào ngã đổ vùi dập trong nước. Nước trong ruộng đang ngập, mà nước ngoài sông, rạch lại đang dâng cao, không thể nào bơm ra được. Trước tình thế đó, ông Trào phải kêu công thợ đến gặt lúa sớm. Nhìn công thợ cắt lúa, ôm lúa bì bõm trong nước, ông Trào cho biết, vụ này ông thất thoát ít nhất cũng phải 40%, trong khi đó giá công cắt lúa thủ công lên rất cao so với thu hoạch bằng máy (nông dân ở cánh đồng Gò Kén cho biết, công thu hoạch hiện đã lên đến 4 triệu đồng/ha). Ông Trào cho biết thêm, ruộng lúa của ông vừa chín tới nên cũng còn vớt vát được. Còn nhiều đám ruộng khác lúa mới trổ hoặc mới “cong trái me” mà bị chìm trong nước nhiều ngày liền thì coi như thiệt hại nặng nề. Hiện ông không biết chính xác có bao nhiêu diện tích ruộng lúa đông xuân ở cánh đồng Gò Kén bị ngập nước, nhưng ước chừng cũng khoảng 50%. Không chỉ có cánh đồng Gò Kén mà cánh đồng ở ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân (Hoà Thành) lúa cũng bị ngã đổ và chìm trong nước. Nhiều nông dân ở đây đang khổ sở vì ruộng lúa bị ngập nước. Như anh Lê Hoàng Oanh làm 1,5 ha; anh Lê Hoàng Anh Vũ làm 0,5 ha… lúa đang trổ bị ngã vùi trong nước đang có nguy cơ thất mùa nặng nề.
Không riêng gì các cánh đồng ở Hoà Thành, các cánh đồng trũng ven sông rạch ở các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng cũng ngập chìm trong nước. Ông Nguyễn Văn Nháng ở ấp Phước Hội, xã Phước Thạnh (Gò Dầu), nhà không có ruộng, ông thuê 80 cao ruộng ở cánh đồng cầu Bến Đò (cũng thuộc ấp Phước Hội) với giá 40 giạ lúa/năm (mỗi năm làm hai vụ đông- xuân và hè thu). Vụ đông xuân này ông sạ giống 504. Lúa phát triển rất tốt. Nhìn ngọn lúa ông đoán vụ này chắc năng suất cũng đạt cỡ 6 tấn/ha. Trong lúc gia đình ông đang chờ khoảng một tuần nữa thu hoạch lúa, thì trời liên tiếp đổ mưa. Lúa của ông ngã đổ chìm trong nước. Để cứu lúa, ông sử dụng máy bơm nhà và thuê thêm một máy bơm nữa bơm suốt 4 ngày liền, tốn hơn 50 lít xăng. Hiện ông Nháng đang thuê công cắt lúa với giá 80.000 đồng/ngày/người. Ông Nháng cho biết thêm, mưa to làm ông bị thiệt hại nhiều bề, lúa ngập chìm trong nước thiệt hại khoảng 50%; cũng do lúa nằm trong nước, không thu hoạch bằng máy được phải thuê công cắt tay, từ đó giá công thu hoạch tăng cao hơn gặt máy khoảng 1 triệu đồng/ha. Cũng do bị chìm trong nước mà chất lượng lúa rất kém, rất khó bán. Tính ra vụ đông xuân này ông Kháng làm 80 cao ruộng thuê ở cánh đồng cầu Bến Đò lỗ hết 3 triệu đồng.
Một số nông dân ở Trảng Bàng làm lúa đông xuân muộn, ven sông rạch cũng phải ngụp lặn trong nước để cắt lúa. Như anh ba Hạnh, anh chín Dũng… ở cánh đồng ở xã An Hoà đang mò trong nước để cắt từng bụi lúa. Bà con ở xã An Hoà cho biết, chưa có năm nào “kỳ cục” như năm nay. Những năm trước đây, cứ vào khoảng mùng Mười tháng Ba âm lịch là nước cạn sát sông, rạch. Còn năm nay, mưa đầu mùa ở xứ Trảng không nhiều lắm, nhưng nước ở đâu dồn về dâng cao ngập bờ. Những đám ruộng sâu trũng ven sông rạch đang có nguy cơ ngập chìm trong nước. Còn những đám ruộng gò cao hơn, nông dân cũng phải be bờ, bơm nước ra mới thu hoạch lúa được. Thời tiết quả là quá bất thường, nông dân luôn phải đối mặt với khó khăn và nơm nớp lo sợ “có làm mà không có ăn”, hoặc “năm ăn, năm thua”.
Đến nay, ngành chức năng chưa có số thống kê cụ thể, nhưng những cơn mưa to, kèm theo gió lớn đầu mùa đã và đang xảy ra, làm cho diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại chắc chắn là không ít. Vì hiện nay diện tích lúa đông xuân đang ở giai đoạn mới trổ còn khá nhiều. Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh, vụ lúa đông –xuân năm nay, toàn tỉnh xuống giống trên 41.600 ha. Đến nay (10.4.2009) nông dân đã thu hoạch hơn 20.600 ha. Số còn khoảng 20.000 ha mới trổ hoặc đang chín và một số ít mới làm đồng. Trong đó nhiều nhất là huyện Châu Thành, đến nay vẫn còn khoảng 8.000 ha lúa đông xuân chưa thu hoạch (chỉ mới thu hoạch hơn 3.000 ha); huyện Bến Cầu còn hơn 4.000 ha, Gò Dầu và Trảng Bàng, mỗi huyện còn hơn 3.000 ha lúa đông xuân chưa thu hoạch.
D.H