BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ “đưa người đi cai nghiện không đúng quy định”: Toà án yêu cầu UBND huyện Châu Thành bồi thường hơn 56 triệu đồng

Cập nhật ngày: 01/10/2010 - 09:40

Bài liên quan:

>> Vụ “đưa người đi cai nghiện không đúng quy định”: Thương lượng bất thành

Anh Nguyễn Văn Sơn tại phiên toà xét xử sơ thẩm tháng 9.2008.

Ngày 29.9, TAND huyện Châu Thành đưa ra xét xử vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị “đưa đi cai nghiện không đúng quy định”. Nguyên đơn là anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1985, ngụ ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành), bị đơn là UBND huyện Châu Thành.

Trước đây Báo Tây Ninh đã thông tin, qua các lần xét xử sơ thẩm (TAND tỉnh Tây Ninh), phúc thẩm (TAND Tối cao tại TP.HCM), ngày 20.7.2009 TAND tỉnh Tây Ninh đã tái xét xử sơ thẩm vụ kiện của anh Sơn về việc yêu cầu huỷ bỏ Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 29.3.2006 của UBND huyện Châu Thành. Tại phiên toà này, anh Sơn cho rằng Quyết định 410 “thiếu chính xác, không hợp pháp” khi đưa anh là người không sử dụng ma tuý vào cơ sở chữa bệnh. Anh Sơn trưng ra một số bằng chứng cho thấy hồ sơ đưa anh vào cơ sở chữa bệnh có dấu hiệu “mập mờ”. Thế mà căn cứ vào hồ sơ đó, UBND huyện Châu Thành đã đưa anh Sơn vào “chữa bệnh” tại Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội Tây Ninh hai năm (từ ngày 2.3.2006 đến ngày 4.3.2008). Sau một thời gian dài liên tục kêu oan, anh Sơn được cho về với gia đình “trước thời hạn quy định”.

Tại phiên toà sơ thẩm xét xử lại ngày 20.7.2009, HĐXX nêu lên những sai sót của Công an và UBND huyện Châu Thành trong việc đưa anh Sơn đi chữa bệnh: Các cơ sở ban hành quyết định trên, hình thức, nội dung, các căn cứ, quy trình tiến hành, thủ tục, việc áp dụng pháp luật từ giai đoạn đầu ở cấp xã đến cấp huyện có nhiều chỗ chưa chuẩn xác. HĐXX cũng nêu rõ nhiều điểm mâu thuẫn, vô lý trong hồ sơ đưa Nguyễn Văn Sơn đi cai nghiện. Từ đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyễn Văn Sơn, tuyên huỷ Quyết định số 410/QĐ-UBND của UBND huyện Châu Thành.

Khi bản án của TAND tỉnh Tây Ninh có hiệu lực, anh Sơn và gia đình đã làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Châu Thành, yêu cầu UBND huyện Châu Thành bồi thường thiệt hại. Ngày 13.5.2010, UBND huyện Châu Thành đã có buổi thương lượng về mức đền bù thiệt hại với anh Sơn nhưng không thành. Anh Sơn yêu cầu UBND huyện Châu Thành bồi thường cho anh các khoản: Tiền công lao động trong thời gian ở trung tâm cai nghiện; tiền công lao động sau khi ra trại (phải lo thủ tục kiện tụng, không xin được việc làm); tiền thăm nuôi; tiền thiệt hại trong thời gian mẹ anh Sơn là bà Nguyễn Thị Dung đi khởi kiện; tiền thuê luật sư; chi phí trích dẫn (đưa anh Sơn từ cơ sở chữa bệnh ra dự phiên toà xét xử); tiền thuê xe đi dự phiên toà phúc thẩm tại TP.HCM; tiền photo hồ sơ, tài liệu; thiệt hại tinh thần, danh dự, nhân phẩm của anh Sơn và gia đình. Tổng cộng, anh Sơn yêu cầu UBND huyện Châu Thành bồi thường 564.950.000 đồng.

Tuy nhiên, UBND huyện Châu Thành chỉ đồng ý bồi thường cho anh Sơn 19.520.000 đồng, gồm thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất theo quy định tại Điều 46 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 là 17.520.000 đồng (24 tháng ở trại cai nghiện x 730.000 đồng/tháng, tính theo mức lương tối thiểu); chi phí photo, đi dự xét xử, ăn uống trong các ngày toà triệu tập là 2 triệu đồng. UBND huyện Châu Thành không chấp nhận bồi thường các thiệt hại về danh dự, tinh thần của anh Sơn và các chi phí khác của gia đình, và cho rằng:“Vì ông Sơn có sử dụng trái phép chất ma tuý nên việc cai nghiện không làm tổn thất về tinh thần mà ngược lại còn giúp ông Sơn chữa bệnh nghiện ma tuý”. Anh Sơn và gia đình không chấp nhận mức bồi thường của UBND huyện, khởi kiện ra toà, yêu cầu bồi thường trên 383 triệu đồng (giảm một phần ba so với mức đề nghị ban đầu).

Tại phiên toà ngày 29.9.2010, đại diện UBND huyện Châu Thành khẳng định, anh Nguyễn Văn Sơn không có nghề nghiệp ổn định, sống phụ thuộc gia đình, trước khi bị đưa vào Trung tâm giáo dục thì anh Sơn đang học nghề sửa điện tử chứ chưa phải là “thợ sửa điện tử” như anh Sơn khai tại toà. Do đó, không có căn cứ để anh Sơn yêu cầu bồi thường tiền công lao động mức 5 triệu đồng/tháng trong suốt khoảng thời gian anh này vào Trung tâm. Sau khi về với gia đình, anh Sơn có thể đi làm để kiếm thu nhập nên không thể yêu cầu UBND huyện bồi thường thiệt hại cho anh trong thời gian này. Vị đại diện UBND huyện Châu Thành cũng cho rằng luật pháp quy định chỉ bồi thường tổn thất về tinh thần chứ không có quy định “bồi thường tổn thất nhân phẩm” cho anh Sơn. Một vị hội thẩm nhân dân hỏi anh Sơn: “Anh khai, trước khi bị đưa vào Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội, anh đang là thợ sửa điện tử. Vậy anh có bằng cấp gì do nơi đào tạo cấp cho anh để chứng minh không?”. Khi anh Sơn trình bày nội dung yêu cầu UBND huyện Châu Thành bồi thường các khoản thiệt hại, trong đó có chi phí thuê luật sư tại các phiên toà trước, vị hội thẩm nhân dân này “vặn” anh Sơn: “Tại sao chỉ một vụ này mà anh lại thuê đến 3 luật sư chi vậy?”.

Anh Sơn trả lời, anh yêu cầu UBND huyện Châu Thành bồi thường thiệt hại về thu nhập mức 5 triệu đồng/tháng trong thời gian anh bị đưa vào Trung tâm là có cơ sở. Trước đây, anh học nghề và sửa điện tử tại tiệm của ba anh nên dù không có bằng cấp nhưng vẫn có thu nhập trung bình mỗi ngày là 150.000 đồng. Còn việc anh yêu cầu UBND huyện Châu Thành bồi thường thiệt hại cho anh trong khoảng thời gian rời Trung tâm là vì suốt thời gian này, anh phải bận lo các thủ tục và củng cố hồ sơ khởi kiện UBND huyện. Đồng thời, anh Sơn có đi xin việc ở một số nơi nhưng bị từ chối vì “mang tiếng là người nghiện ma tuý, người ta ai cũng sợ”…

Vị chủ toạ phiên toà nhận định: Toà không xác định được mức thu nhập thực tế của anh Sơn trước khi anh vào Trung tâm, đồng thời cũng không có cơ sở để buộc UBND huyện Châu Thành bồi thường tiền công lao động cho anh Sơn sau khi anh về nhà. Anh Sơn và gia đình không có chứng từ, hoá đơn chứng minh số tiền thăm nuôi mà gia đình gửi anh Sơn trong thời gian anh ở Trung tâm nên không có cơ sở để yêu cầu bồi thường. Toà cũng bác yêu cầu của Anh Sơn về việc yêu cầu UBND huyện Châu Thành bồi thường chi phí trị bệnh trong thời gian anh Sơn ở Trung tâm và thời gian điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (do Trung tâm chuyển ra), chi phí thuê luật sư…

Toà tuyên chấp nhận một phần đơn khởi kiện của anh Sơn, buộc UBND huyện Châu Thành bồi thường thiệt hại về tinh thần, tiền công lao động (tính theo mức quy định của pháp luật) và một số chi phí khác với tổng số tiền bồi thường trên 56 triệu đồng.

BẢO TÂM