Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sau nhiều lần đấu giá, số gỗ đào dưới ruộng tại H.Sa Thầy (Kon Tum) đã được bán với giá chỉ hơn 20 triệu đồng.
Ngày 23.10, Phòng Tài chính - Kế hoạch H.Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cho biết đã đấu giá thành công số gỗ trong vụ gỗ đào dưới ruộng xảy ra năm 2022.
Giảm giá do số gỗ hư hại
Cụ thể, Phòng Tài chính - Kế hoạch H.Sa Thầy đã tổ chức đấu giá gần 4,3 m3 gỗ với giá khởi điểm là 20,4 triệu đồng. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH MTV Thạch Anh Phú (thị trấn Sa Thầy, H.Sa Thầy).
Số gỗ đào dưới ruộng vừa được đấu giá thành công với giá 20 triệu đồng. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Đây là lần thứ 4 cơ quan này đưa ra đấu giá số gỗ trên. Ở lần đầu, số gỗ được đưa ra tổ chức đấu giá với giá khởi điểm là 50 triệu đồng nhưng không có đơn vị, cá nhân nào tham gia.
Do nhiều lần đấu giá bất thành, UBND H.Sa Thầy quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản bị vùi lấp. Cụ thể, điều chỉnh lô tài sản có giá từ 50 triệu đồng xuống còn hơn 20 triệu đồng. Lý do điều chỉnh là sau khi vớt lên dưới tác động của thời tiết, số gỗ bị mục nát, hư hỏng dẫn đến giảm sút chất lượng, giá trị gỗ.
Trước đó, ngày 23.3.2022, khi đang cải tạo ruộng thuê ở xã Sa Sơn (H.Sa Thầy), ông Lê Quang Nam (45 tuổi, trú tại thị trấn Sa Thầy) phát hiện 1 cây gỗ nằm sâu dưới lớp bùn. Ông Nam đã thỏa thuận với chủ đất để lấy cây gỗ thay cho tiền công cải tạo ruộng.
Cây gỗ đào dưới ruộng là gỗ phay thuộc nhóm 6. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Khi ông Nam đang trục vớt cây gỗ, Công an H.Sa Thầy phát hiện sự việc và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, chờ xử lý theo quy định. Sau đó, ông Nam đã viết đơn gửi UBND xã Sa Sơn xin được trục vớt, tận dụng cây gỗ trên. UBND xã đã kiểm tra, xác minh và đồng ý cho phép ông Nam trục vớt nhưng không cho phép mua bán, trao đổi.
Ông Nam tiếp tục trục vớt số gỗ rồi đưa đi gia công thì bị Công an H.Sa Thầy lập biên bản, tạm giữ số gỗ. Sau đó, ông Nam bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.
Công an H.Sa Thầy ra quyết định này khi UBND tỉnh Kon Tum chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với số gỗ ông Nam đã trục vớt. Theo các luật sư, việc Công an H.Sa Thầy ra quyết định xử phạt khi số gỗ chưa được xác lập quyền sở hữu là không đúng quy trình.
Sau khi vớt lên dưới tác động của thời tiết, số gỗ bị mục nát, hư hỏng khiến giá trị giảm sút. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Không được thưởng, còn bị phạt
Trao đổi với phóng viên, ông Nam cho biết vẫn chưa nhận được thông báo về kết quả đấu giá số gỗ do ông trục vớt. Ông Nam cũng mong cơ quan chức năng trả lời về việc liệu bản thân có được hỗ trợ chi phí đã bỏ ra là 90 triệu đồng khi trục vớt cây gỗ hay không.
Liên quan đến vụ việc, trung tá Nguyễn Đình Minh, Đội phó đội Cảnh sát điều tra, Công an H.Sa Thầy cho biết, theo quy định ông Lê Quang Nam không được thưởng. Cụ thể, ông Nam chỉ được thưởng khi phát hiện và giao nộp tài sản cho cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, ông Nam đã cố tình chiếm giữ tài sản; tự ý cưa xẻ và rao bán nên không được thưởng. Ngoài ra, giá trị của số gỗ (định giá ban đầu hơn 68 triệu đồng) lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định là 14,9 triệu đồng, nên không thuộc sở hữu của người tìm thấy mà thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
Ông Lê Quang Nam mong cơ quan chức năng trả lời việc hỗ trợ chi phí trục vớt cây gỗ. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Việc Công an H.Sa Thầy ra quyết định xử phạt đối với ông Nam về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác, trung tá Minh khẳng định là đúng. Theo trung tá Minh, VKSND, TAND huyện đã nghiên cứu và cho ý kiến về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nam là có căn cứ, đúng theo quy định của pháp luật. Đến nay, ông Nam vẫn chưa thực hiện nộp phạt. Công an huyện sẽ có hướng xử lý theo quy định pháp luật.
Nguồn TNO