Vụ hè thu năm nay nông dân gieo sạ được hơn 49.400 ha lúa, đạt trên 123% kế hoạch. Đến nay đã thu hoạch được khoảng 46.000 ha, năng suất đạt từ 4-4,5 tấn/ha.
Nông dân Trảng Bàng thu hoạch lúa hè thu. |
Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Tây Ninh, vụ hè thu năm nay nông dân gieo sạ được hơn 49.400 ha lúa, đạt trên 123% kế hoạch. Đến nay đã thu hoạch được khoảng 46.000 ha, năng suất đạt từ 4-4,5 tấn/ha. Số còn lại đang trổ và chín. Vụ mùa gieo sạ được hơn 33.000 ha, đạt khoảng 68% kế hoạch. Đã xuất hiện một số sâu bệnh trên lúa mùa như rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn lá và một số bệnh khác, nhưng còn ở diện hẹp và mật độ thấp. Trong đó đáng lưu ý số diện tích bị nhiễm rầy nâu là 788 ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Thị xã, Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu.
Cây đậu phộng, vụ hè thu nông dân xuống giống được 2.502 ha, đạt hơn 50% kế hoạch, đã thu hoạch sắp dứt điểm, năng suất bình quân từ 2-2,2 tấn/ha. Đến nay (10.9.2009) nông dân xuống giống đậu phộng vụ mùa mới được 844 ha, chỉ đạt khoảng 28% kế hoạch. Tình hình sâu bệnh trên cây đậu phộng đã xuất hiện sâu xanh, sâu khoang, đốm lá, chết cây con. Tuy nhiên còn ở mức thấp, chưa đáng ngại.
Đáng lưu ý là tình hình sâu bệnh trên cây mía. Tổng diện tích mía trên toàn tỉnh đến nay (10.9.2009) là gần 24.500 ha. Trong đó mía lưu gốc gần 20.000 ha, còn lại là mía trồng mới. Đáng lo ngại đối với cây mía hiện nay là bệnh rượu. Từ đầu tháng 9.2009 đến nay, đã phát sinh thêm 25 ha mía bị bệnh rượu (Bến Cầu 19 ha, Tân Châu 6 ha). Bệnh gây hại trên giống mía K84-200. Luỹ kế đến nay tổng diện tích mía bị nhiễm bệnh rượu trên địa bàn tỉnh là 337,8 ha. Trong đó nhiễm nhẹ 233 ha, trung bình 64 ha, nhiễm nặng 19,4 ha và rất nặng 21,4 ha. Tác nhân gây bệnh rượu trên cây mía là do nấm Colletotricchum falcaltum went. Chi cục BVTV tỉnh đã đề xuất biện pháp xử lý bệnh rượu trên cây mía: Đối với những ruộng đang nhiễm bệnh: Phun thuốc BVTV trừ bệnh trong giai đoạn hiện nay sẽ có hiệu quả kém, do mía đã lớn (5-6 tháng tuổi).
Để hạn chế bệnh gia tăng mức độ hại, nên khai mương, thoát nước tốt cho ruộng mía (những ruộng bị úng thuỷ sẽ nhiễm rất nặng). Các nhà máy nên có kế hoạch thu mua những ruộng mía bị nhiễm bệnh trước nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân; không sử dụng các ruộng mía bị nhiễm bệnh để làm giống. Đối với những ruộng bị nhiễm từ trung bình đến rất nặng: Khuyến cáo nông dân không để lưu gốc, cày bỏ chuyển sang luân canh cây trồng khác, hoặc trồng mới lại.
Khi trồng mới lại, nông dân nên lưu ý: Chọn giống khác để trồng; hạn chế sử dụng giống K84 -200 do tình hình nhiễm bệnh rượu ngày càng gia tăng. Trường hợp cần sử dụng giống K84 -200, cần phải chọn giống sạch bệnh và nên xử lý hom giống trước khi trồng. Nông dân phải vệ sinh đồng ruộng, tiêu huỷ tàn dư thực vật và thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm, loại bỏ và tiêu huỷ những cây bị bệnh. Trên mía còn nhỏ nếu phát hiện sớm, có thể dùng các loại thuốc trừ nấm như: Ridomil gold 68WP, Ridozeb 72WP, Mexyl-MZ 72WP, Score 250ND… để hạn chế bệnh; thoát nước tốt cho ruộng mía vào mùa mưa; bón phân đầy đủ cân đối hợp lý giữa N-P-K để tăng sức đề kháng cho cây mía; phòng trừ sâu đục thân tốt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh đề nghị các phòng NN&PTNT các huyện thị xã, các đơn vị có liên quan, lưu ý tình hình bệnh rượu trên giống mía K84-200; khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng giống mía này; mở rộng dần diện tích các giống mía triển vọng do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía đường Bến Cát khuyến cáo như: K88-65; K88-200; K88-92; LK 92-11; K95-156… Trung tâm Khuyến nông và các nhà máy đường lớn trong tỉnh giúp cung cấp nguồn giống mía cho nông dân, để thay thế dần giống mía K84-200 đã bị nhiễm bệnh.
D.H