BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ hè thu: Diện tích mía lại giảm

Cập nhật ngày: 26/06/2011 - 10:10

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh cho biết vụ chế biến 2010-2011 vừa qua, diện tích mía do Nhà máy đầu tư đạt 6.727 ha, tăng hơn vụ trước gần 400 ha. Từ đó sản lượng mía thu mua chế biến cũng tăng hơn vụ trước 126.700 tấn trong tổng sản lượng gần 430.000 tấn. Năng suất mía bình quân hơn 65 tấn/ha, cao hơn vụ trước gần 20 tấn/ha. Tuy nhiên, thực tế lợi nhuận từ cây mì, cây cao su vẫn còn cao hơn lợi nhuận từ cây mía nên diện tích mía chuẩn bị vụ chế biến tới lại giảm, cho dù nhà máy có tăng cường các chính sách đầu tư, hỗ trợ. Cụ thể đến nay, tổng diện tích mía do Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh đầu tư chỉ đạt có khoảng 6.100 ha, thấp hơn năm trước trên 600 ha. Trong đó, riêng diện tích mía trồng mới chỉ đạt có khoảng 800 ha, thấp hơn kế hoạch đến 400 ha và diện tích mía lưu gốc cũng giảm thêm hơn 200 ha.

Diện tích mía năm nay giảm

Ở Công ty CP Bourbon- Tây Ninh (SBT) cũng như vậy. Ông Trương Văn Phỉ, Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp cho biết: Vụ chế biến 2010-2011, tổng diện tích vùng nguyên liệu mía do SBT đầu tư đạt 12.000 ha, tăng hơn đôi chút so với vụ trước. Tuy nhiên do năng suất mía cao hơn vụ trước khoảng 20 tấn/ha nên SBT đã thu mua đưa vào chế biến được đến hơn 933.000 tấn mía cây và gần 24.000 tấn mía hom, vượt cao hơn kế hoạch đến hơn 250.000 tấn. Để phát triển vùng nguyên liệu mía chuẩn bị cho vụ chế biến 2011-2012, Công ty SBT tiếp tục tăng cường suất đầu tư và các chính sách hỗ trợ khác. Thế nhưng tổng diện tích mía do công ty đầu tư ở Tây Ninh hiện nay chỉ đạt có khoảng 11.500 ha, giảm hơn vụ trước khoảng 500 ha.

Như vậy, đến nay đã có thể chắc chắn rằng diện tích mía ở Tây Ninh tiếp tục giảm hơn so với năm trước do diện tích vùng nguyên liệu của 2 nhà máy lớn đã giảm đến hơn 1.100 ha. Tuy nhiên, để bù vào sự giảm sút về diện tích, các nhà máy tập trung vào lĩnh vực tăng năng suất và chất lượng cây mía để giữ sản lượng mía và sản phẩm đường chế biến không giảm. Để tăng năng suất và chất lượng mía, ngoài việc tăng cường chính sách đầu tư, chính sách hỗ trợ, các nhà máy tiếp tục áp dụng và tăng cường các giống mía mới có năng suất và chữ đường vượt trội. Ngoài những giống đã được áp dụng trong vụ trước như: K88-92, K95-156, K95-84, K93-347, LK92-11…, trong vụ sản xuất 2011-2012  các nhà máy còn đưa ra một số giống mới khác như: K94-2-483; Suphanburi 7, Suphanburi 8… Ngoài ra, các nhà máy còn tăng cường công tác khuyến nông, phổ biến các biện pháp canh tác phù hợp và tổ chức hỗ trợ dịch vụ làm đất, chăm sóc mía với giá cả thấp hơn các dịch vụ bên ngoài, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, các nhà máy còn đầu tư kinh phí tiếp tục làm kênh thuỷ lợi ở một số khu vực thường bị ngập úng để cây mía phát triển tốt hơn.

Theo đánh giá của các nhà máy, với trà mía đang phát triển tốt như hiện nay và nếu thời tiết tiếp tục diễn biến thuận lợi thì đến vụ thu hoạch tới, có khả năng năng suất mía ở Tây Ninh tiếp tục đạt trên 70 tấn/ha. Nếu như thế cho dù diện tích mía có giảm so với vụ trước trên 1.000 ha, nhưng tổng sản lượng mía vụ chế biến tới cũng sẽ không giảm.

Sơn Trần