Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Vụ khiếu nại Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận (Trảng Bàng): “Phán quyết” gây thiệt hại cho dân, có phải bồi thường ?
Thứ hai: 05:50 ngày 21/04/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTN) - Khi tiến hành hoà giải, Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận đã đưa ra “phán quyết” trái với tinh thần công văn của UBND huyện Trảng Bàng, dẫn đến việc ngăn cản, không cho thu hoạch mủ cao su, gây thiệt hại về tài sản cho người quản lý, sử dụng vườn cao su. Từ đó dẫn đến vụ khiếu nại yêu cầu bồi thường.

Khi tiến hành hoà giải, Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận đã đưa ra “phán quyết” trái với tinh thần công văn của UBND huyện Trảng Bàng, dẫn đến việc ngăn cản, không cho thu hoạch mủ cao su, gây thiệt hại về tài sản cho người quản lý, sử dụng vườn cao su. Từ đó dẫn đến vụ khiếu nại yêu cầu bồi thường.

Nguồn gốc vụ việc

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hữu và bà Trần Thị Tồn có năm người con là Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Phúc Tâm, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Ngọc Lan và Nguyễn Văn Lâm. Vợ chồng ông Hữu, bà Tồn có một phần đất ở ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng.

Lúc còn sống, bà Tồn đã chia đất cho các con, còn lại khoảng 14.291m2 bà giao cho ông Lâm và ông Minh quản lý sử dụng. Ông Lâm trồng cây cao su trên diện tích 8.400m2, diện tích đất còn lại, ông Minh cũng trồng cây cao su.

Năm 2005, ông Lâm và ông Minh bán phần đất 14.291m2 cho vợ chồng ông Sô. Sau đó xảy ra tranh chấp, Toà án huỷ hợp đồng chuyển nhượng, buộc ông Lâm và ông Minh phải bồi thường cho vợ chồng ông Sô gần 230 triệu đồng (trong đó, ông Minh phải bồi thường 190 triệu đồng).

Do ông Minh không có tiền nên ông Lâm nộp 230 triệu đồng cho thi hành án để bồi thường cho vợ chồng ông Sô. Sau đó, phần đất này được ông Lâm quản lý, sử dụng. Năm 2010, do mâu thuẫn, ông Minh, ông Hai, bà Lan đến đập phá một số dụng cụ trong vườn cao su, ngăn cản không cho ông Lâm khai thác cao su trên diện tích này.

Tháng 5.2011, ông Hữu khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế với ông Lâm, trong đó có 14.291m2 nêu trên. Thời gian này, ông Hai, bà Lan vẫn ngăn cản không cho ông Lâm khai thác cao su. Ông Lâm gửi đơn đến UBND xã nhờ can thiệp. UBND xã tổ chức hoà giải, yêu cầu ông Lâm ngưng khai thác cao su. Ông Lâm không đồng ý, gửi đơn đến UBND huyện Trảng Bàng.

Ngày 22.6.2011, UBND huyện Trảng Bàng có công văn nêu: “Căn cứ Điều 99 Bộ luật Tố tụng Dân sự, toà án đang thụ lý giải quyết có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nên ông Lâm có quyền được tiếp tục thu hoạch mủ cao su trong thời gian chờ toà án giải quyết.

Ngày 2.6.2011, Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận tổ chức họp hội đồng thành viên, UBND xã nhận định việc đình chỉ việc cạo mủ cao su của Hội đồng hoà giải xã là sai quy định.

Sắp tới Chủ tịch UBND xã sẽ chủ động mời vợ chồng ông Lâm, ông Minh, ông Hai, bà Lan đến làm việc, yêu cầu ông Minh, ông Hai, bà Lan không được cản trở việc thu hoạch mủ cao su của vợ chồng ông Lâm trong thời gian chờ toà án giải quyết”.

Mặc dù có văn bản của UBND huyện, nhưng ngày 30.6.2011, ông Bùi Văn Nhung– Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận khi giải quyết vụ việc trên vẫn “phán quyết”: “Phần cây cao su, trước đây, do ông Minh và ông Lâm trồng mỗi người một nửa, nay mỗi người được quyền cạo một nửa.

Giao công an xã trực tiếp xử lý, nếu bên nào vi phạm” (trích biên bản làm việc của UBND xã Đôn Thuận). Từ kết luận trên (trái với ý kiến chỉ đạo của UBND huyện), ông Hai, ông Minh, bà Lan tiếp tục ngăn cản, không cho ông Lâm khai thác mủ cao su. Sau đó, xảy ra xô xát, đánh nhau, ông Lâm bị thương tích.

Ngày 29.5.2012, TAND tỉnh bác đơn ông Hữu và xác định: Đối với phần đất có diện tích 5.891m2 (trong phần diện tích 14.291m2) ông Minh trồng cây cao su trước đây, nay ông Lâm quản lý. Toà án cũng nêu rõ, nếu xảy ra tranh chấp sẽ giải quyết bằng một vụ kiện khác.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại

Sau đó, ông Lâm khiếu nại đến UBND huyện Trảng Bàng yêu cầu xem xét giải quyết bồi thường thiệt hại do hành vi không chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, dẫn đến việc ông không khai thác được mủ cao su là 200 triệu đồng và tài sản bị mất, bị hư hại là 30 triệu đồng.

Ngày 20.2.2013, UBND huyện Trảng Bàng ban hành Quyết định số 639/QĐ-UBND nêu rõ: Khi Thanh tra huyện làm việc với ông Lâm về nội dung thiệt hại kinh tế do Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Nhung làm trái ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, nhưng ông Lâm không cung cấp được hồ sơ (diện tích trồng cao su, số lượng cây cao su, thời gian thiệt hại…).

Sau đó, Phòng Tư pháp kết hợp cùng Thanh tra huyện và UBND xã Đôn Thuận xác minh thì xác định được diện tích trồng cao su là 14.291m2, với 924 cây cao su cho khai thác từ năm 2010 đến nay, do ông Lâm trực tiếp quản lý, sử dụng.

Ông Minh cùng một số người khác có vào đập phá làm thiệt hại tài sản của ông Lâm, nhưng không xác định số lượng. Các cơ quan này cũng xác định, hành vi này là hành vi huỷ hoại tài sản của công dân, đã được công an huyện thụ lý giải quyết.

Từ những cơ sở trên, UBND huyện kết luận rằng, ông Lâm khiếu nại ông Nhung bồi thường 230 triệu đồng không có cơ sở giải quyết vì chưa có thiệt hại thực tế xảy ra.

Đồng thời khẳng định: “Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận không thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện tại Công văn số 570 là một số thiếu sót lớn, UBND sẽ tổ chức cuộc họp kiểm điểm đồng chí Nhung”.

Không đồng ý, ông Lâm khiếu nại đến UBND tỉnh. Ngày 21.6.2013, UBND tỉnh có văn bản gửi Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng ban hành quyết định thu hồi và huỷ bỏ Quyết định 639, đồng thời có văn bản hướng dẫn ông Lâm thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tại Khoản 1 Điều 15 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Ngày 12.8.2013, UBND huyện Trảng Bàng ban hành quyết định thu hồi Quyết định 639 với lý do thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại chưa thực hiện đúng quy định Điều 15 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Tuy nhiên, UBND huyện không có ban hành quyết định hay văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, hay văn bản hướng dẫn ông Lâm phải thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo như chỉ đạo của UBND tỉnh. Vì vậy, ngày 3.9.2013, ông Lâm có văn bản yêu cầu UBND huyện Trảng Bàng có văn bản xác định hành vi không chấp hành quyết định – chỉ thị của cấp trên của ông Nhung.

Ngày 8.2.2014, UBND huyện Trảng Bàng có văn bản trả lời ông Lâm với kết luận: Công văn số 570 của UBND huyện chỉ là công văn trả lời đơn của ông Lâm, không phải là công văn chỉ đạo, quyết định hay chỉ thị để Chủ tịch UBND xã Đôn Thuận phải thực hiện.

Vì vậy, hành vi của ông Nhung không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức. Về ý kiến của ông Nhung tại biên bản hoà giải của UBND xã, UBND huyện Trảng Bàng kết luận: “Đây là biên bản họp hội đồng tư vấn hoà giải xã Đôn Thuận, không phải là quyết định bắt buộc phải thực hiện”.

Có phải là hành vi trái pháp luật ?

Điều 1 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nêu rõ, phạm vi điều chỉnh đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Điều 2 của Luật này cũng nêu rõ cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần quy định tại luật này đều được Nhà nước bồi thường.

Luật cũng quy định, người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án.

Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật và được xác định trong văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Trở lại nội dung khiếu nại của ông Lâm, theo một vị cán bộ công tác lâu năm trong ngành pháp luật, thì công văn của UBND huyện Trảng Bàng trả lời ông Lâm- tuy UBND huyện cho rằng đây không phải là văn bản chỉ đạo, nhưng theo quy định pháp luật đây là công văn hành chính, đương nhiên, ngoài đương sự khiếu nại phải thực hiện thì các cá nhân, tổ chức khác cũng phải tôn trọng và thực hiện, trong đó có ông Nhung.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình để giải quyết vụ việc, đáng lý ra ông Nhung phải tuân thủ thực hiện đúng quy định hoà giải và công văn của UBND huyện thì trái lại, ông lại thay mặt cơ quan có thẩm quyền (toà án) để “phán quyết” không đúng với quy định, làm ngược lại công văn hành chính của UBND huyện. Hành vi này có phải là trái pháp luật hay không?

Theo Điều 15 Luật TNBTCNN, thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong quyết định giải quyết khiếu nại phải xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại.

Như vậy, đối với khiếu nại của ông Lâm, hiện nay UBND huyện Trảng Bàng không ban hành quyết định mà ban hành công văn trả lời khiếu nại, thì ông Lâm có thể tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh xem xét lại công văn của UBND huyện Trảng Bàng để bảo vệ quyền lợi của mình được hay không?

Đức Tiến

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục