Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Vụ khiếu nại của ông Nguyễn Văn Nở: TAND Tối cao huỷ án, yêu cầu xét xử lại
Thứ tư: 11:36 ngày 01/02/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau khi nhận được quyết định giám đốc thẩm, anh Nguyễn Văn Nở gửi đơn yêu cầu ngăn chặn việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tránh rắc rối về sau, khi toà án xét xử lại.

Trước đây, anh Nguyễn Văn Nở ngụ khu phố 4, phường 3, Thị xã, có đơn khiếu nại Thi hành án dân sự tỉnh (nay là Cục THADS tỉnh) ra quyết định thi hành Bản án phúc thẩm số 270/2008/DSPT của TAND tỉnh buộc anh Nở giao cho bà Khưu Hoà Cầm 385m2 đất toạ lạc ở khu phố 4, phường 3, Thị xã. Vụ việc trên được Báo Tây Ninh phản ánh nêu rõ nội dung bản án tuyên không rõ ràng, cơ quan thi hành án làm chưa đúng quy định pháp luật, đồng thời khẳng định bản án trên vi phạm tố tụng, cần phải kiến nghị toà án tối cao xét xử giám đốc thẩm theo quy định. Tuy nhiên, những phản ánh của báo không được các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Cuối cùng Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện quyết định cưỡng chế giao đất cho gia đình bà Khưu Hoà Cầm.

Vừa qua, sau khi TAND tối cao có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh, mới đây, thay mặt Hội đồng giám đốc thẩm, thẩm phán Hoàng Thị Thanh đã ký Quyết định giám đốc thẩm số 797/2011/DS-GĐT huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 270/2008/DSPT ngày 12.8.2008 của TAND tỉnh Tây Ninh và Bản án sơ thẩm số 65/2008/DSST ngày 16.4.2008 của TAND Thị xã về vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa bà Khưu Hoà Cầm và ông Nguyễn Văn Nở, giao TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại theo quy định pháp luật.

Bản án giám đốc thẩm của TAND tối cao cho biết, đại diện nguyên đơn, chị Cao Thị Huệ Thanh cho rằng phần đất đo đạc thực tế là 385,5m2 tranh chấp là của ông nội chị là cụ Cao Văn Yên cho gia đình bà Lê Thị Năm ở đậu từ năm 1954. Năm 1993, gia tộc của chị Thanh thống nhất cho mẹ con chị phần đất trên. Sau đó, bà Năm thoả thuận với bà Khưu Hoà Cầm (mẹ chị Thanh) là bà Năm ở nhờ trên đất đến chết. Năm 2000, bà Cầm kê khai đăng ký và được cấp giấy CNQSDĐ diện tích 285,5m2 nhưng anh Nở khiếu nại, phần đất này anh Võ Thái Hoà là con bà Năm chuyển nhượng cho anh, hiện anh đang sử dụng nên UBND Thị xã thu hồi giấy CNQSDĐ. Anh Nở cho rằng, nguồn gốc đất trên do bà Năm khai phá. Khi sang nhượng từ anh Hoà, anh Nở đã đổ đất, san lấp mặt bằng, mở quán cà phê từ năm 1993 nhưng phía bà Cầm không tranh chấp. Phía chị Thanh đưa ra biên bản xác định chủ quyền đất, biên bản họp gia tộc với nội dung “Thống nhất giao cho các con ông Công quyền tranh chấp phần đất mà cụ Yên cho bà 5 Lé mượn, khi lấy lại, các con ông Công được sử dụng”, nhưng TAND tối cao nhận định rằng, nội dung trên không thể hiện có việc gia tộc cho các con ông Công phần đất bà Năm sử dụng. Còn biên bản xác định chủ quyền đất tuy có dấu vân tay ghi tên bà Năm nhưng văn bản trên không có xác nhận hay chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, năm 1991, bà Năm, ông Công đều đăng ký, kê khai thửa đất số 156 và được cấp giấy chứng nhận đã đăng ký ruộng đất ngày 28.8.1991.

Toà án nhân dân tối cao cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án, UBND phường, phòng Địa chính, UBND Thị xã và nhân dân tổ dân phố đều xác định diện tích đất bà Năm sử dụng là do bà Năm khai phá đất công và thực chất gia đình bà Năm quản lý, sử dụng đất, xây cất nhà ở ổn định từ năm 1954, nhưng cụ Yên (khi còn sống) và họ tộc của bà Cầm không khiếu nại tranh chấp. Khi anh Hoà chuyển nhượng đất cho anh Nở và anh Nở san lấp, xây dựng quán, sử dụng nhưng mẹ con bà Cầm cũng không phản đối gì. TAND tối cáo nhận định, cần làm rõ bà 5 Lé với bà Lê Thị Năm có phải là một người hay không, dấu vân tay tại biên bản xác định chủ quyền đất có phải của bà Năm, do bà Năm tự nguyện in hay không. Ngoài ra, cũng cần làm rõ, việc bà Cầm giao cho bà Năm 10 chỉ vàng, lý do bà Năm và ông Công kê khai thửa đất 156 và được cấp giấy chứng nhận đăng ký ruộng đất thì mới đủ căn cứ giải quyết vụ án. TAND tối cao cho rằng chưa xác minh làm rõ các vấn đề nêu trên nhưng lại căn cứ vào lời khai của mẹ con bà Cầm để xác định cụ Yên cho bà Năm ở nhờ, từ đó buộc anh Nở trả đất là chưa đủ căn cứ.

Ngoài ra, TAND tối cao khẳng định, quá trình giải quyết vụ án, các nguyên đơn chỉ yêu cầu anh Nở trả 285m2 đất, nhưng thực tế anh Nở đang sử dụng 385m2, nhưng cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xác định diện tích 100m2 dôi dư do đâu mà có, nhưng lại buộc anh Nở trả 385m2 là không có căn cứ. Mặt khác,  diện tích đất tranh chấp là do anh Nở chuyển nhượng của anh Hoà nhưng khi buộc anh Nở trả đất, lại không giải quyết về hợp đồng chuyển nhượng giữa anh Hoà và anh Nở là không đảm bảo quyền lợi cho anh Nở. Anh Hoà chết trước khi xét xử sơ thẩm nhưng toà không đưa vợ và các con anh Hoà tham gia tố tụng là không đúng.

TAND tối cao cũng cho biết, về mặt tố tụng, toà án cấp sơ thẩm và toà án cấp phúc thẩm xác định chị Xuân (con bà Năm) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, trong khi chị Xuân đang định cư tại Mỹ nhưng toà cấp sơ thẩm lại thụ lý là không đúng thẩm quyền. Toà án cấp phúc thẩm không phát hiện ra sai sót của toà án cấp sơ thẩm mà vẫn xét xử và giữ nguyên bản án sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Được biết, sau khi nhận được quyết định giám đốc thẩm, anh Nguyễn Văn Nở gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ngăn chặn việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên để tránh rắc rối về sau, khi toà án xét xử lại.

Đức Tiến

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục