Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vu lan của mẹ
Thứ sáu: 08:19 ngày 04/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chưa thấy sách nào thống kê có bao nhiêu câu ca dao về mẹ; cũng không ai tính nổi có bao lời mẹ ru. Từng có một nhà thơ tạm tính thế này: “Dẫu con đi hết cuộc đời/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru”.

Chiều chiều ngó ngược, ngó xuôi
Ngó không thấy mẹ, ngùi ngùi nhớ thương
(ca dao)

Vâng, làm sao mà đi hết được những lời ru, khi lời ru ấy mênh mông trải khắp mọi miền đất nước. Có thể mẹ chưa từng đi xa, nhưng lời ru của mẹ đã đưa ta đến: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…” trên miền đất ngọn nguồn phía Bắc. Muốn xuôi về phương Nam thì mẹ ru ta bằng câu “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định Đồng Nai thì về…”. Muốn thưởng thức những gì đặc sắc nhất của một miền đất nước ư? Mẹ hát: “Biên Hoà có bưởi Thanh Trà/ Thủ Đức nem nướng, Điện Bà Tây Ninh” (Vũ Ngọc Phan- Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB KHXH năm 1998).

Ca dao về mẹ cũng nhiều không nhớ xuể. Chắc ai cũng đã thuộc nằm lòng những câu: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, hoặc là: "Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”... Tôi nhớ nhất là câu: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”.

Nhớ nhất, vì có lần đã tưởng rằng chữ búng kia là chữ bún. Thì cơm với bún vốn là một món ăn gần gũi với nhau. Hỏi một số bạn trẻ bây giờ, một số bạn cũng đã nghĩ là như thế. Xem một vài cuốn từ điển tiếng Việt, như Đại từ điển tiếng Việt, NXB KHXH năm 1999 mới rõ cơm búng ra sao. Đấy là một miếng cơm nhỏ được người mẹ nhai nhừ nhuyễn để mớm cho con nhỏ ăn. Hình ảnh này có lẽ ngày nay đã không còn nữa. Nhưng với lớp tuổi trung niên ở các vùng nông thôn xưa, chắc còn trong trí nhớ của nhiều người.

Phật giáo Việt Nam có ngày đại lễ Vu lan, để cho phật tử lên chùa nhớ mẹ. Vu lan năm nay trùng với ngày Quốc khánh nên mọi người còn thấy vang lên trong lòng hai từ Tổ quốc thiêng liêng. Tổ quốc chính là người mẹ vĩ đại lớn lao tượng trưng cho đất nước.

Người mẹ này cũng như “mẹ ta xưa” luôn chở che, đùm bọc những đứa con. Tổ quốc chở che những đoàn quân ra trận năm nào, nay lại cũng dang rộng vòng tay bao dung chở che cứu giúp các con mình vượt qua cơn đại dịch toàn cầu. Tổ quốc không quên, không bỏ rơi bất cứ đứa con nào, dù chúng ở đâu trên trái đất. Trong “tứ trọng ân” của Phật giáo cũng luôn ghi nhớ công ơn của Tổ quốc, đồng bào.

Nhớ Vu lan những năm trước, tôi tìm đến Thiền Lâm tự vào 12.7 âm lịch. Mặc dù đã biết Trung ương Giáo hội chủ trương đại lễ này “trực tuyến”, vậy mà nhiều bàn chân quen bước vẫn đến chùa. Tuy nhiên, họ có đeo khẩu trang và không đến đông như trước. Hôm ấy, trời lại rất xanh và mây rất trắng. Vậy nên pho tượng bà Quan Âm cao lồng lộng, trắng toát như muốn lẫn vào mây. Hoặc, sẽ có người đang tưởng tượng ra đấy chính là đức Quán Thế Âm lướt trên mây bay về miền Nam Hải.

Tôi đang loay hoay ghi mấy tấm hình dưới chân bức tượng, thì một bà đến gần, nhỏ nhẹ hỏi xin chụp tấm hình. Đã toan từ chối và chỉ cho bà một anh thợ chụp hình lấy ngay, nhưng bà bảo:- Không, tôi chỉ muốn xin chụp một tấm hình để “xả xui”. Nghĩa là không cần lấy ảnh.

Vâng, thì được thôi, xin mời! Rồi tôi chọn chỗ cho bà đứng để có thể chụp tấm hình bà đứng dưới chân tượng Quán Thế Âm. Trước khi chụp, bà còn cẩn thận lôi ra tấm hình mẹ Quan Âm treo trong cổ áo. Chụp xong, cho bà xem lại ảnh. Những nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ lo âu như đã giãn ra sau một nụ cười.

Hỏi thêm, mới biết chồng mất đã lâu, một tay bà ấy nuôi các con ăn học thành tài. Khi đại dịch Covid- 19 bùng phát, các con của bà lâm vào cảnh gian nan nghèo khó. Có đứa còn vay nợ cả tỷ đồng cho một cuộc kinh doanh dang dở. Vậy là bà chẳng có cách nào khác, ngoài việc lên chùa van vái mẹ Quan Âm.

Quả thật là cho đến giờ tôi mới chứng kiến một cách “xả xui” lạ lùng như thế. Chỉ cần “chụp hình” không lấy ảnh, như một cách để thấy rằng có người đã chứng kiến việc mình làm. Vậy thôi! Tất cả vì những đứa con mẹ đã rứt ruột sinh thành.

Trong khi đó, ngày lễ Vu lan, rất nhiều người con đang nhớ về mẹ, lại có một bà mẹ chỉ một lòng lo nghĩ về con. Tôi chép lại chuyện này, cũng với một hy vọng sẽ có nhiều người biết chuyện của bà hơn, như một cách sẻ chia nỗi niềm lo lắng với người mẹ ấy.

NGUYỄN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục