Từ khi diện tích mía ngày càng thu hẹp do bị các cây trồng khác cạnh tranh thì vấn đề tăng năng suất mía là một trong những vấn đề “sống còn” của các nhà máy.
Vụ mía 2010-2011 vừa qua, tổng diện tích mía ở Tây Ninh tăng không nhiều so với vụ mía 2009-2010. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan tác động nên năng suất mía tăng cao “đột biến” đem lại tổng sản lượng mía vượt trội hơn nhiều so với nhiều năm trước. Vụ mía 2011-2012 sắp tới, dự báo tổng diện tích mía cũng sẽ không tăng hơn vụ mía vừa thu hoạch xong, thậm chí còn có thể giảm đôi chút. Thế nhưng các nhà máy dự kiến tổng sản lượng mía thu hoạch vụ tới vẫn ở mức khá cao. Liệu kế hoạch về sản lượng mía vụ tới có khả thi?
Tăng suất đầu tư cho cây mía |
Cho dù trong vụ mía vừa qua giá thu mua mía tăng cao “kỷ lục” và thu nhập của nông dân trồng mía khá nhất trong nhiều năm qua, nhưng hiện tại cây mía vẫn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt do lợi nhuận của một số loại cây trồng khác vẫn đang ở mức cao. Chính vì thế mà các nhà máy lên kế hoạch diện tích mía vụ tới vẫn “khiêm tốn” so với vụ mía trước. Cụ thể như Nhà máy của Công ty SBT chỉ đề ra kế hoạch vụ mía 2011 -2012 đạt diện tích 12.000 ha- xấp xỉ bằng với diện tích vụ rồi. Còn Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh chỉ đề ra kế hoạch diện tích mía là 6.300 ha- thấp hơn vụ trước khoảng 400 ha, do có một số diện tích trồng mía ở đất gò đã chuyển sang trồng mì. Như vậy, tổng diện tích mía vụ 2011-2012 trên phạm vi toàn tỉnh chắc chắn sẽ không tăng hơn so với vụ trước. Cho đến đầu tháng 5.2011, Công ty SBT đã đầu tư trồng và chăm sóc được hơn 11.000 ha mía và Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh đã đầu tư được hơn 5.300 ha. Theo tiến độ trồng vụ hè thu như hiện nay thì kết thúc vụ khả năng diện tích mía đạt theo kế hoạch của cả hai nhà máy là khả thi.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là kế hoạch phát triển diện tích vùng nguyên liệu mía vụ 2011-2012 không tăng, nhưng kế hoạch về sản lượng mía thu hoạch lại tăng rất cao. Cụ thể như Nhà máy SBT đề ra kế hoạch sản lượng thu hoạch vụ chế biến sắp tới đạt đến 900.000 tấn, còn Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh thì đề ra kế hoạch sản lượng thu hoạch đạt 420.000 tấn. Với kế hoạch sản lượng trên kế hoạch diện tích đó thì năng suất mía vụ thu hoạch sắp tới phải đạt bình quân thấp nhất là 70 tấn/ha. Không ít người băn khoăn với con số về năng suất kế hoạch này. Bởi vì từ nhiều năm qua, năng suất mía bình quân trong vùng nguyên liệu do các nhà máy đầu tư thường chỉ đạt trên dưới 50 tấn/ha. Chỉ có vụ sản xuất mía vừa qua, do có thêm nhiều điều kiện thuận lợi khách quan- nhất là về thời tiết nên năng suất mía tăng “đột biến”- đạt bình quân đến hơn 70 tấn/ha. Vấn đề đặt ra là trong vụ thu hoạch mía sắp tới, liệu những điều kiện khách quan có còn thuận lợi nữa hay không? Nghĩa là liệu con số năng suất mía bình quân trên 70 tấn/ha có khả thi hay không?
Theo lãnh đạo Công ty SBT và Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh, thì con số kế hoạch về năng suất mía vụ tới đạt 70 tấn/ha không phải là con số ảo. Bởi vì để đạt được năng suất này, các nhà máy không trông chờ vào điều kiện thuận lợi khách quan mà có sự tự tin mạnh mẽ vào sự nỗ lực chủ quan. Từ đầu vụ sản xuất, các nhà máy đã đề ra những biện pháp cụ thể nhằm cùng với nông dân tập trung vào việc tăng năng suất mía. Trước tiên là việc tăng cường suất đầu tư cho cây mía. Ở các nhà máy, chính sách đầu tư có điều khoản khác nhau, nhưng cơ bản tổng mức đầu tư cho 1 ha mía trồng mới vụ 2011-2012 được nâng lên đến hơn 30 triệu đồng, cao hơn vụ trước trên 5 triệu đồng (trong đó có 9 triệu đồng hỗ trợ không hoàn lại) và 1 ha mía chăm sóc được đầu tư đến hơn 17 triệu đồng- cao hơn vụ trước khoảng 3 triệu đồng. Song song đó, các nhà máy tăng cường áp dụng giống mới có năng suất và chữ đường vượt trội. Ngoài những giống đã được áp dụng trong vụ trước như: K88-92, K95-156, K95-84, K93-347, LK92-11…, trong vụ sản xuất 2011-2012 nhà máy còn đưa ra một số giống mới khác như: K94-2-483; Suphanburi 7, Suphanburi 8… Đặc biệt vụ sản xuất mía năm nay, các nhà máy tăng cường công tác khuyến nông, phổ biến kỹ thuật canh tác, bón phân phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng của cây mía để nông dân áp dụng góp phần tăng năng suất mía. Ngoài ra, các nhà máy sẽ tiếp tục đầu tư nạo vét kênh tiêu tháo úng một số khu vực để giúp cây mía phát triển tốt hơn. Thêm một mục tiêu mà các nhà máy tập trung cho vụ mía sau nữa là cố tăng chữ đường trong cây mía cũng qua việc thay đổi giống mới, tăng đầu tư và đặc biệt là áp dụng đúng kỹ thuật khi thu hoạch- càng sát gốc chữ đường càng cao.
Thay đổi giống mía mới có năng suất cao |
Thực ra không phải đến vụ mía năm nay việc tăng năng suất mía mới được đặt ra. Từ khi diện tích mía ngày càng thu hẹp do bị các cây trồng khác cạnh tranh thì vấn đề tăng năng suất mía là một trong những vấn đề “sống còn” của các nhà máy. Thế nhưng trong những năm qua các giải pháp thực tế để tăng năng suất chưa thực sự được tập trung một cách đồng bộ, triệt để. Kể từ vụ mía năm nay, vấn đề tăng năng suất là vấn đề ưu tiên hàng đầu nên hy vọng người trồng mía sẽ ngày càng có thu nhập cao hơn để cây mía Tây Ninh sớm lấy lại vị thế cây thế mạnh của nó.
Sơn Trần