Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vụ mía đường 2008-2009: Mía vùng thấp năng suất thấp hơn mía vùng cao (!?)
Thứ ba: 10:54 ngày 14/04/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mấy vụ sản xuất trước đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây mía đã đem lại hiệu quả thiết thực, năng suất mía có tăng lên. Thế nhưng năm nay lại khác…

Mía là một trong những cây trồng chính của Tây Ninh, do vậy trong nhiều năm qua Nhà nước tập trung đầu tư cho cây mía- từ việc quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, hệ thống giao thông nội đồng… đến việc hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, trong đó có việc chuyển đổi cơ cấu cây mía từ vùng đất cao xuống vùng đất thấp. Mấy vụ sản xuất trước đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây mía đã đem lại hiệu quả thiết thực, năng suất mía có tăng lên. Thế nhưng năm nay lại khác…

Bị ngập úng, mía vùng đất thấp giảm năng suất

Sau 3 năm thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu- cụ thể là chính sách hỗ trợ lãi suất, đã đem lại kết quả diện tích mía từ vùng đất cao chuyển xuống vùng đất thấp được hàng chục ngàn ha, nâng diện tích mía vùng đất thấp chiếm hơn 2/3 tổng diện tích mía toàn tỉnh. Cụ thể: vụ 2005-2006 tổng diện tích mía các nhà máy đầu tư là 23.300 ha, trong đó có hơn 16.300 ha thuộc vùng đất thấp; vụ 2006-2007 tổng diện tích mía gần 28.000 ha, trong đó mía vùng đất thấp chiếm đến hơn 22.000 ha; vụ 2007-2008 tổng diện tích mía là 25.560 ha thì diện tích mía vùng thấp chiếm hơn 19.600 ha và vụ vừa rồi tổng diện tích mía còn khoảng hơn 17.200 ha thì trong đó diện tích mía vùng đất thấp cũng chiếm hơn 13.200 ha. Cũng trong giai đoạn này, ngân sách tỉnh đã chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thị hỗ trợ lãi suất tiền vay trồng mới mía- đặc biệt là mía ở vùng đất thấp với tổng số tiền hơn 10,5 tỷ đồng.

Mục tiêu chuyển mía xuống vùng đất thấp là để thâm canh tăng năng suất. Thực tế có nhiều vùng đất thấp khi chuyển sang trồng mía thì nông dân tăng thu nhập đáng kể do năng suất mía khá cao. Thường ở những vùng đất cao, năng suất mía bình quân trên dưới 50 tấn/ha. Hộ nông dân nào đầu tư đầy đủ hơn cũng chỉ có thể tăng năng suất đến khoảng 60 tấn/ha. Thế nhưng ở những vùng đất thấp có nơi năng suất đạt rất cao khi được đầu tư đầy đủ. Cụ thể như ở một số vùng thuộc xã Phước Ninh, Phước Minh huyện Dương Minh Châu, hoặc xã Trà Vong, Mỏ Công, Tân Phong, huyện Tân Biên có nông dân trồng mía đạt năng suất bình quân trên 100 tấn/ha- thậm chí có ruộng mía đạt năng suất đến hơn 130 tấn/ha. Điều này không chỉ đem lại hiệu quả cao cho nông dân mà còn góp phần kéo tăng năng suất mía bình quân toàn tỉnh. Tuy nhiên, qua những con số thống kê của các nhà máy chế biến mía đường trong tỉnh sau khi kết thúc vụ chế biến mía 2008 - 2009 lại có kết quả ngược lại- năng suất mía ở nhiều vùng đất thấp lại thấp hơn khá nhiều so với năng suất mía vùng đất cao.

Ông Trương Văn Phỉ- Phó Giám đốc Nông nghiệp Công ty SBT cho biết kế hoạch vụ thu mua chế biến của SBT niên vụ 2008-2009 là 500.000 tấn mía cây. Tuy nhiên khi kết thúc vụ, SBT chỉ thu mua được có hơn 460.000 tấn- hụt kế hoạch khoảng 40.000 tấn. Một trong những nguyên nhân khiến cho SBT thu mua không đạt kế hoạch là do năng suất mía năm nay đạt thấp- đặc biệt là ở những vùng đất thấp. Tổng diện tích mía SBT đầu tư vụ chế biến 2008-2009 là 9.760 ha, qua khảo sát thực tế, SBT nhận thấy có đến khoảng trên dưới 30% tổng diện tích- khoảng gần 3.000 ha đạt năng suất dưới 40 tấn/ha. Thậm chí có ruộng mía chỉ đạt năng suất 10- 15 tấn/ha. Hầu hết các diện tích mía đạt năng suất thấp này đều thuộc những vùng đất thấp. Do vậy năng suất bình quân vụ sản xuất vừa qua- theo đánh giá của ông Phó Giám đốc Nông nghiệp Công ty SBT chỉ đạt khoảng trên dưới 51 tấn/ha.

Ở Nhà máy đường Biên Hoà cũng vậy. Ông Phó Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu cho biết vụ chế biến 2008-2009 nhà máy đầu tư hơn 5.100 ha mía, trong đó có khoảng hơn 4.000 ha mía thuộc vùng đất thấp. Dựa vào diện tích đầu tư, Nhà máy lập kế hoạch thu mua chế biến vụ 2008-2009 là 290.000 tấn mía cây. Tuy nhiên, đến khi kết thúc vụ, Nhà máy chỉ thu mua được 259.000 tấn- hụt kế hoạch hơn 30.000 tấn. Một trong những nguyên nhân khiến cho sản lượng mía Nhà máy đường Biên Hoà thu mua không đạt kế hoạch cũng xuất phát từ năng suất mía một số vùng đất thấp đạt thấp. Cụ thể sau vụ chế biến, Nhà máy đường Biên Hoà thống kê năng suất mía các khu vực vùng đất cao đạt bình quân được khoảng hơn 54 tấn/ha, nhưng ở những vùng đất thấp năng suất mía chỉ đạt năng suất bình quân khoảng 47 tấn/ha- trong đó có những đám mía đạt năng suất rất thấp. Do vậy năng suất cây mía do Nhà máy đường Biên Hoà đầu tư vụ này bình quân khá thấp- chưa đến 49 tấn/ha.

Theo đánh giá của các nhà máy, năng suất mía vùng đất thấp đạt thấp do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân thuộc chủ quan của người trồng mía là không đầu tư đúng, đủ cả số tiền do nhà máy đầu tư vào ruộng mía của mình. Thậm chí có người không đầu tư đồng nào vào ruộng mía. Kết quả năng suất mía thấp là tất nhiên. Tuy nhiên cũng có một nguyên nhân khách quan tác động đến cây mía vùng thấp. Mùa mưa năm rồi lượng mưa nhiều hơn những năm trước. Do đó có một số vùng đất thấp bị ngập sâu trong thời gian dài. Kết quả là có nhiều diện tích mía bị giảm năng suất nghiêm trọng- cho dù nông dân có đầu tư phân bón đầy đủ cũng không cải thiện được. Hậu quả là thu nhập của nông dân bị giảm đáng kể vì chi phí nhân công, tăng bo… bị tăng cao do mưa kéo dài. Ngoài ra, trong vụ trồng mới mía vừa qua, ở một số khu vực đất vùng thấp, mía mới trồng bị thiệt hại hàng trăm ha do mưa trái mùa gây ngập úng. Đây là nỗi băn khoăn lớn đang làm ảnh hưởng đến mục đích chuyển đổi cơ cấu cây mía từ vùng đất cao xuống vùng đất thấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Chi phí công thu hoạch và tăng bo tăng cao khi ruộng mía bị lầy

Làm thế nào để cho năng suất mía vùng đất thấp được cao đúng như mục đích chuyển đổi cơ cấu đã đề ra? Nhiều nông dân trồng mía và các nhà máy cho rằng phải xây dựng hệ thống tiêu thoát nước tốt ở những khu vực trồng mía có khả năng bị ngập úng sâu trong thời gian dài khi có mưa lớn. Giải pháp này không có gì phức tạp, nhưng thực hiện không đơn giản chút nào vì muốn xây dựng hệ thống kênh tiêu phải có vốn đầu tư không nhỏ, từ khâu thiết kế, thi công đến cả khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy mà các nhà máy cho rằng tự mình không thể thực hiện được mà cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hiện nay, diện tích mía trồng mới đang tăng cao hơn nhiều so với năm trước, báo hiệu khả năng cây mía đang phục hồi. Tuy nhiên, để cây mía thực sự trở lại “thời hoàng kim” thì các cấp, các ngành liên quan và các nhà máy phải giải quyết được những khó khăn, vướng mắc còn lại, để người nông dân thực sự an tâm đầu tư “hết mình” cho cây mía.

Sơn Trần

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục