BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ ô nhiễm tại cơ sở Tân Dân Nhựt (Hoà Thành): Cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý

Cập nhật ngày: 09/01/2010 - 02:26

Trước đây, Báo Tây Ninh có phản ánh ý kiến của bà Nguyễn Thị Thàng và Đặng Thị Quyên ngụ ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành về việc cơ sở sơn gia công cửa sắt Tân Dân Nhựt tại ấp Long Trung hoạt động gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình 2 bà. Sau đó, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Tây Ninh đã tiến hành kiểm tra cơ sở và yêu cầu chủ cơ sở Tân Dân Nhựt tạm ngưng công đoạn tẩy rửa nguyên liệu chờ kết quả kiểm nghiệm nước thải sản xuất của cơ sở. Đến nay chúng tôi thông tin tiếp về kết quả xử lý của các cơ quan chức năng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của cơ sở Tân Dân Nhựt.

Ngày 1.12.2009, Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh có Công văn số 2461/STNMT-CCBVMT về việc giải quyết đơn khiếu nại của các hộ dân đối với cơ sở sơn gia công Tân Dân Nhựt. Theo đó Sở TN-MT cho biết kết quả kiểm nghiệm nước thải của cơ sở Tân Dân Nhựt có các chất gây ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,1 đến 2,75 lần và đề nghị tạm đình chỉ hoạt động để thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư.

Cơ sở Tân Dân Nhựt

Ngày 8.12.2009, Phòng TN-MT lập biên bản đình chỉ hoạt động công đoạn tẩy rửa của cơ sở trong vòng 15 ngày để cơ sở thực hiện các biện pháp khắc phục. Ngoài ra, cơ sở Tân Dân Nhựt có lập đề án bảo vệ môi trường nêu rõ là đến hết ngày 31.12.2009, cơ sở Tân Dân Nhựt cam kết sẽ hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải sản xuất… theo đúng quy định của pháp luật về môi trường.

Tuy nhiên, bà Thàng vẫn tiếp tục đến các cơ quan chức năng huyện Hoà Thành phản ánh việc cơ sở Tân Dân Nhựt gây ô nhiễm môi trường. Nhằm giải quyết thoả đáng phản ánh của bà Thàng, cũng như thẩm định việc đăng ký thực hiện đề án bảo vệ môi trường của cơ sở, ngày 5.1.2010 đoàn kiểm tra của Phòng TN-MT huyện Hoà Thành đã kiểm tra thực tế cơ sở Tân Dân Nhựt, có sự chứng kiến của bà Đặng Thị Quyên (nguyên đơn với bà Thàng). Kết quả khảo sát cho thấy cơ sở Tân Dân Nhựt đã cơ bản thực hiện các bước xử lý môi trường theo đề án đăng ký như: xây dựng hầm xử lý nước thải sản xuất có 3 ngăn, có lót đáy chống thấm, vách hầm được xây bằng gạch có nắp đậy… Đoàn cũng đã tiến hành khảo sát tại gia đình bà Thàng vì bà cho rằng cơ sở gây ảnh hưởng đến mạch nước ngầm sinh hoạt gia đình bà.

Đoàn tiến hành lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở Tân Dân Nhựt kể từ ngày 5.1.2010 để đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước ngầm theo phản ánh của bà Thàng. Cơ sở Tân Dân Nhựt phải có trách nhiệm liên hệ Trung tâm quan trắc môi trường lấy mẫu nước ngầm tại cơ sở và mẫu nước ngầm nhà bà Thàng kiểm nghiệm. Nhưng do bà Thàng không biết nên cho rằng cơ quan môi trường huyện đã không thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên về việc xử lý sai phạm của cơ sở Tân Dân Nhựt. Việc hiểu lầm và bức xúc trên của bà Thàng lẽ ra không đáng có.

Ông Lâm Thanh Bình cán bộ phụ trách môi trường, Phòng TN-MT huyện Hoà Thành cho biết, trước thời điểm tiến hành kiểm tra đình chỉ, ngày 8.12.2009, đoàn yêu cầu cơ sở thông báo cho bà Thàng biết để chứng kiến. Thế nhưng, không hiểu lý do vì sao bà Thàng, bà Quyên không đến chứng kiến.

Vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường hiện nay đang được sự quan tâm của mọi người. Nhưng những quy phạm pháp luật để xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường cần phải có những kết quả phân tích khoa học, chuẩn xác để làm cơ sở xử lý, chứ không thể cảm nhận theo chủ quan. Qua vụ việc trên, Phòng TN-MT huyện Hoà Thành đã kịp thời xử lý đơn thư phản ánh của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, ngoài các bước xử lý theo quy định của pháp luật, cần phải giải thích cho người khiếu nại nắm rõ quy trình xử lý, cũng như thông báo cho họ biết kết quả xử lý.

Ngoài ra, cơ sở Tân Dân Nhựt hoạt động trong khu dân cư, nếu kết quả kiểm nghiệm nước ngầm của cơ sở gây ô nhiễm cho nước sinh hoạt xung quanh, cơ quan môi trường cần có giải pháp xử lý triệt để.

Một số quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường:

Tại Khoản 02, Điều 29, Luật Bảo vệ Môi trường năm 1994 quy định: “Nghiêm cấm hành vi thải dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá giới hạn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn độc gây dịch bệnh vào nguồn nước”.

Tại Khoản 02, Điều 10, Nghị định 121/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định: “phạt tiền từ 2.000.000đ đến 8.000.000đ đối với hành vi xả nước thải có chất nguy hại vượt tiêu chuẩn cho phép hai lần trở lên”.

HUỲNH ANH