Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trả lời bà Phan Ngọc Bích (Bến Cầu):

Vụ việc đang được TAND cấp cao xem xét theo quy định 

Cập nhật ngày: 25/08/2019 - 12:51

BTN - Bà Phan Ngọc Bích (ngụ ấp Long Châu, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu) gửi đơn đến Báo Tây Ninh cho biết, Bản án số 03 ngày 13.4.2018 của TAND huyện Bến Cầu xét sự tranh chấp hợp đồng dân sự góp hụi và vay tài sản giữa bà Bích và chị Huỳnh Thị Bích Tuyền có nội dung như sau:

Bà Bích đang trình bày vụ việc.

Chị Tuyền đứng ra tổ chức một đường dây góp hụi, bà Bích là hụi viên. Trong khoảng thời gian chơi hụi, bà Bích có hốt hết các dây hụi nhưng không đóng lại hụi chết. Chị Tuyền và bà Bích có chốt lại số tiền hụi mà bà Bích còn nợ là khoảng 169 triệu đồng. Ngoài ra, chị Tuyền còn cho bà Bích vay 50 triệu đồng để lấy giấy chứng nhận QSDĐ (do vợ chồng bà Bích đứng tên) đang thế chấp tại một quỹ tín dụng nhân dân.

Theo thoả thuận hai bên, chị Tuyền sẽ giữ “sổ đỏ”, sau khi bà Bích trả xong nợ vay cho quỹ tín dụng. Ngày 27.12.2016, chị Tuyền và bà Bích có lập một tờ “giấy mượn tiền” để chốt lại tổng số nợ hụi và nợ vay là 220 triệu đồng. Bà Bích phải trả số nợ này cho chị Tuyền trong thời hạn 3 năm, kèm theo các thoả thuận trong việc tính lãi suất… Trong quá trình thực hiện các giao dịch dân sự, giữa chị Tuyền và bà Bích đã phát sinh tranh chấp. Do đó, chị Tuyền khởi kiện yêu cầu bà Bích phải có trách nhiệm trả lại số tiền nêu trên.

Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Tuyền đối với bà Bích và ông Cao Minh Triết (chồng bà Bích), buộc bà Bích, ông Triết có nghĩa vụ liên đới trả cho chị Tuyền số tiền khoảng 219 triệu đồng… Đồng thời không chấp nhận một phần khởi kiện của chị Tuyền về việc yêu cầu tính tiền lãi đối với số tiền 50 triệu đồng (từ ngày 9.3.2017 đến ngày 27.12.2017), buộc chị Tuyền có nghĩa vụ trả giấy chứng nhận QSDĐ cho vợ chồng bà Bích.

Theo đơn của bà Bích trình bày, trong quá trình xét xử, Toà án đã kết luận những chứng từ khống trong việc góp hụi do chị Tuyền tự “vẽ” ra theo kiểu cho vay nặng lãi, kê thêm nhiều khoản tiền mà trên thực tế không hề có giao dịch nhằm hướng đến việc “chiếm giữ” QSDĐ của vợ chồng bà Bích. Thêm nữa, TAND huyện Bến Cầu đưa vụ án ra xét xử trong lúc bà Bích đang điều trị hoá trị bệnh ung thư, đầu óc không được bình tĩnh.

“Mặc dù tôi đã nhiều lần khẳng định với Thẩm phán rằng giấy mượn tiền đề ngày 27.12.2016 do chị Tuyền cung cấp là giả mạo, không đúng họ tên và chữ ký của tôi, đồng thời tôi có yêu cầu Thẩm phán được cho giám định chữ ký và nội dung trên tờ giấy mượn tiền nhưng yêu cầu này không được thực hiện. Khi có bản án, TAND huyện Bến Cầu cũng không thông báo cho tôi biết để thực hiện quyền kháng cáo, trong khi tôi ít hiểu biết pháp luật. Đến lúc tôi tự đến liên hệ Toà án để xin bản án thì đã quá muộn, thời gian kháng cáo theo quy định đã hết”, bà Bích nói.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Nhàn, Chánh án TAND huyện Bến Cầu cho biết, trong vụ án này, Toà án  cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng trình tự thủ tục trong tố tụng dân sự. Bà Bích cho rằng do ít hiểu biết về pháp luật nên không biết khi nào có bản án và thời hạn thực hiện quyền kháng cáo là không khách quan. Bởi vì, những vấn đề này đều đã được HĐXX hướng dẫn rõ cho các đương sự tại phiên toà. Toà cũng có giải thích, trường hợp thời hạn kháng cáo đã hết, nếu các đương sự có đơn trình bày lý do chính đáng theo quy định (bị bệnh, tai nạn, thiên tai…) thì vẫn được Toà án xem xét về quyền kháng cáo, tuy nhiên bà Bích đã không có đơn yêu cầu.

Ông Nhàn còn cho biết thêm, hiện tại, bà Bích đã nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm. Những vấn đề khác mà bà Bích thắc mắc trong đơn thuộc thẩm quyền xem xét của TAND cấp cao. Được biết, TAND cấp cao cũng đã tiếp nhận hồ sơ và đang xem xét, giải quyết theo quy định.

Quốc Sơn