Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy định mới về ưu tiên trong tuyển sinh lớp 10:

Vừa lạ vừa… phi lý

Cập nhật ngày: 12/06/2014 - 04:30

Thí sinh Tây Ninh dự thi vào lớp 10 năm học 2013 – 2014.

Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 11) do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành ngày 18.4.2014 có quy định một số đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên trong tuyển sinh các lớp đầu cấp, cụ thể là lớp 6 và lớp 10. Sau khi Thông tư 11 ra đời vừa tròn 38 ngày thì Bộ lại ban hành tiếp Thông tư số 18/2014/TT-BGDĐT (Thông tư 18), có hiệu lực từ ngày 2.6.2014.

Theo đó, có thêm 3 nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh vào các lớp đầu cấp gồm: con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945 và con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Chế độ ưu tiên mà Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định trong Thông tư dựa theo tinh thần của một văn bản do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành cùng với một số quy định khác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều đáng nói là ngay sau khi Thông tư 18 được đăng tải trên trang web của Bộ Giáo dục - Đào tạo, những người am hiểu ngành giáo dục không thể không đặt câu hỏi về tính thực tiễn của Thông tư này.

Cụ thể là quy định con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945 và con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được hưởng chế độ ưu tiên trong tuyển sinh là hoàn toàn xa rời thực tế.

Bởi lẽ, người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945 nếu như có con thì đến nay con của họ ít nhất cũng trong độ tuổi từ… 50 đến 60, thậm chí lớn hơn. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản: người tham gia cách mạng (trong thời điểm quy định trên) sớm lắm cũng phải từ 12 tuổi, nghĩa là năm sinh có thể vào khoảng trước 1933, nếu bây giờ còn sống thì đã ngoài 80.

Ở vào cái tuổi ấy, liệu có vị nào có con mới 16 tuổi hay không? Những người hoạt động cách mạng từ ngày 1 tháng 1 đến tháng 8.1945 cũng trong độ tuổi tương đương, ai còn sống đến giờ thì cũng đều ở cái tuổi gần đất xa trời cả rồi! Làm sao các cụ có thể có con thi tuyển vào lớp 10 được? Mà giả như các thí sinh tuổi U50, U60 được tuyển vào lớp 10, sau đó học lên lớp 11, 12 xong, làm sao thi tốt nghiệp THPT? Xin nhắc lại, theo quy chế thi tốt nghiệp THPT thì học sinh ở bậc học này không được quá 21 tuổi (trừ một số trường hợp cá biệt, không học chính quy).

Có ý kiến cho rằng, người soạn thảo nội dung Thông tư 18 hẳn đã… đề phòng trường hợp các cụ cao niên thuộc dạng hiếm muộn hoặc có con nuôi đang trong độ tuổi đi học nên mới đề ra quy định này để không bỏ sót đối tượng ưu tiên.

Tuy nhiên, trong thực tế việc các vị lão thành nuôi con nuôi ở tuổi thiếu nhi nếu có cũng chỉ là trường hợp cá biệt, vô cùng hiếm hoi, khó có thể xảy ra. Mà cho dù các cụ có nuôi con nuôi thì nhà trường, chính quyền địa phương nơi các cụ sinh sống cũng hoàn toàn có thể giải quyết cho con các cụ được đi học. Do đó, việc ban hành Thông tư 18 để áp dụng cho số đông đại trà trên toàn quốc là không cần thiết và có thể chắc chắn rằng, không có đối tượng dự thi nào cần đến chế độ ưu tiên như vậy.

Tưởng cũng nên nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên Bộ Giáo dục- Đào tạo ban hành những quy định chứa đựng yếu tố… hài hước! Cách nay chưa lâu, dư luận đã… chưng hửng trước việc Bộ quy định cộng điểm cho… bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học, cao đẳng. Lúc đó, ông Thứ trưởng của Bộ này đã hùng hồn tuyên bố trước báo giới rằng, trong tình hình hiện nay, có thể sẽ có những bà mẹ Việt Nam anh hùng chỉ khoảng… 30 tuổi và hoàn toàn có thể đi thi đại học! Nhưng sau đó, chính ông Bộ trưởng đã phải đích thân thu hồi quy định “lạ lùng” ấy.

Đã có ý kiến chỉ trích rằng có lẽ một số người ở Bộ Giáo dục - Đào tạo vì… nhàn rỗi quá nên mới đâm ra có những suy nghĩ “không hiểu nổi”, để cho ra đời những quy định theo kiểu “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”.

VIỆT ĐÔNG