BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hủ tục đốt vàng mã:

Vừa lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường 

Cập nhật ngày: 24/02/2018 - 13:42

BTN - Tục đốt vàng mã từ lâu đã trở thành một nghi thức không thể thiếu đối với người dân trong những dịp lễ, tết. Tuy nhiên, trên thực tế, hủ tục này gây lãng phí tiền bạc, làm mất mỹ quan đường phố và ô nhiễm môi trường.

Đốt vàng mã.

Lễ, tết là đốt

Những ngày Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tại các chùa, miễu, đặc biệt là Khu di tích lịch sử núi Bà Đen, hàng trăm ngàn lượt người từ các nơi đổ về hành hương, cúng dường, cầu an cho năm mới. Đâu đâu cũng khói bay nghi ngút, người người nườm nượp  chen nhau vào chính điện đốt những xấp vàng mã cao ngất.

Chị T, một phật tử đi cầu an tại chùa Giác Ngạn (ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết, ngoài cầu an cho gia đình, chị còn dâng lễ cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã khuất bằng việc đốt những xấp vàng mã gồm tiền mô phỏng đô la Mỹ, Việt Nam đồng, vàng miếng 9999… “Khi còn sống, ông bà mình đâu được hưởng gì. Giờ chết đi rồi, con cháu cũng mong ông bà tổ tiên có tiền vàng để hưởng phước”- chị T nói.

Bà N, 60 tuổi, bán vé số hơn 6 năm ở Miễu bà Chúa xứ Nguyên Nhung (ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) kể, hằng năm, vào dịp tết, cúng Rằm tháng Giêng, tháng Ba và tháng Bảy, bà con tứ xứ tụ về cúng bái rất đông. Họ bày mâm cúng cau trầu, nhang đèn, bánh trái, tuỳ theo gia cảnh giàu, nghèo.

Sau khi cúng, họ xin xăm, bói quẻ và bày vàng mã ra đốt trước miếu. Chỉ hơn 20 phút, trước miếu nhỏ đã có 3 người cầm vàng mã đốt liên tục trong cái chậu đầy tro, khói bay ngợp cả một vùng. Người quen thì dụi mắt, không quen cứ hắt hơi, chảy nước mắt vì khói. “Khoảng một năm trở lại đây, người ta chỉ tập trung việc thắp nhang, cúng bái thôi, còn đốt vàng mã cũng đã ít đi nhiều rồi!”- bà N nói.

Hoà thượng Thích Huệ Tâm- UV Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Tây Ninh, Trụ trì Chùa Long Sơn (P1. TP. Tây Ninh).

Tìm mua vàng mã thật không khó. Chỉ cần hỏi là bao nhiêu cũng có thể đáp ứng được nhu cầu. Ngoài các cửa hàng bán nhang, đèn, bánh trái gần khu vực chùa, miễu, Trung tâm thương mại Long Hoa là nơi buôn bán các mặt hàng này thuộc vào loại “sầm uất” nhất Tây Ninh.

Trong vai khách hành hương, chúng tôi ghé vào một sạp “bán đồ cúng” ở khu vực tầng hầm của trung tâm. Tại đây có hơn 10 sạp bày trí đèn, tượng, khung ảnh, lư hương, nhang, đèn cầy và đồ hàng mã. Hầu hết, các đồ hàng mã như nhà lầu, xe hơi, xe mô tô, ngựa kéo… đều được bọc nhựa cẩn thận, treo lủng lẳng phía trên.

Còn tiền vàng mã, thỏi vàng 9999, đô la “âm phủ” được đóng gói trong từng thùng các tông để tiện khi có người hỏi mua. Một chị bán hàng nhanh nhảu mời: “Mua vàng mã đốt cúng cho người chết đi em. Chị bán rẻ cho. Muốn mua cái gì cũng có hết!”.

Vậy là tôi chọn mua 2 xấp tiền vàng mã với giá 20 ngàn đồng. Chị này cho biết thêm: “Hàng này ở đây bán được lắm! Cứ tết hay ngày rằm, lễ cúng ông Công, ông Táo là bán không kịp tay”. Hầu hết các mặt hàng đồ vàng mã đều được cung cấp từ thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ hủ tục đốt vàng mã

Mới đây, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Công văn số 31 đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn, đức Tăng Ni trụ trì các tự viện, nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Theo công văn, nhằm tạo điều kiện cho các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường (gọi chung là tự viện) phát huy truyền thống văn hoá dân tộc trong các lễ hội, nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc Xuân Mậu Tuất (2018), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn, đức Tăng Ni trụ trì các tự viện, nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá thực hiện một số việc trong thời gian tổ chức lễ hội.

Trong đó, để tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo; hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hoá dân tộc và văn hoá Phật giáo Việt Nam.

Công văn cũng yêu cầu, trong các bài giảng đạo, chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.

Liên quan đến vấn đề này, Hoà thượng Thích Huệ Tâm- Uỷ viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam- Phó trưởng Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Tây Ninh khẳng định, trong kinh điển của Đức Phật, tục đốt vàng mã hoàn toàn không được nhắc đến. Tục này hình thành do tín ngưỡng của dân gian ảnh hưởng từ đạo Lão của Trung Quốc. Ngay cả đất nước Ấn Độ, cái nôi của Phật giáo cũng không có lời dạy về việc đốt, rải vàng mã.

Theo Hoà thượng Thích Huệ Tâm, đốt vàng mã là việc tiêu tốn tiền một cách vô ích. Ngoài ra, việc đốt vàng mã còn gây ô nhiễm môi trường khói, bụi, dễ gây nguy cơ cháy nổ. “Đốt vàng mã là một hủ tục mê tín dị đoan nên cần được loại bỏ. Việc đốt vàng mã để cầu siêu là không phù hợp.

Cầu siêu là cầu cho người chết được siêu thoát, vậy đốt cho ai? Ai nhận? Nhận để làm gì? Nếu cứ tiếp tục theo hủ tục này, người được lợi không ai khác chính là các đơn vị sản xuất, còn xã hội phải gánh những hệ luỵ lâu dài”- Hoà thượng Thích Huệ Tâm khẳng định.

Bày bán xe đủ loại để “đốt” cho người chết.

Về góc độ địa phương, Hoà thượng Thích Huệ Tâm giải thích, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã tuyên truyền nhiều lần tại các lễ hội Phật giáo, nhằm hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan này. Trong những buổi họp đóng góp ý kiến trước Uỷ ban MTTQVN tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã có ý kiến về việc hạn chế triệt để vấn đề đốt, rải vàng mã.

Đối với hoạt động mua bán vàng mã của các tiểu thương, Hoà thượng Thích Huệ Tâm yêu cầu chính quyền và các ngành chức năng cần mạnh tay siết chặt quản lý việc kinh doanh đồ vàng mã thì mới hạn chế được tình trạng này. Hoà thượng cho rằng: “Thay vì dùng tiền thật mua đồ giả để đốt cho người chết, vậy hãy dùng những đồng tiền đó làm công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ bà con vùng sâu, vùng xa xây nhà, xây cầu, hỗ trợ các em học sinh nghèo hiếu học đến trường, như vậy, đồng tiền của mình mới thực sự có ý nghĩa”.

Tâm Giang