Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Spotify được mệnh danh là ông hoàng trong lĩnh vực nhạc số. Dù chỉ vừa xuất hiện tại Việt Nam, nhiều câu chuyện đáng bàn đã xuất hiện quanh ứng dụng này.
Spotify cái tên hot nhất làng công nghệ Việt tuần qua. Đây là ứng dụng nghe nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới với hàng triệu người sử dụng. Spotify cung cấp dịch vụ nghe nhạc miễn phí (có kèm quảng cáo) và gói dịch vụ trả phí (không có quảng cáo). Trong đó, gói nghe nhạc trả phí Spotify Premium có mức giá khá hấp dẫn, chỉ 59.000 VNĐ/tháng.
Tại Việt Nam, việc trả tiền để sử dụng dịch vụ nội dung số còn chưa phát triển mạnh. Nhiều câu chuyện bản quyền cũng đã xuất hiện chỉ ngay sau khi ứng dụng nhạc số này ra mắt.
Bán nhạc bản quyền nhưng lấy nội dung website khác?
Ngay ngày đầu Spotify hoạt động tại Việt Nam, cộng đồng mạng xôn xao với thông tin Spotify sử dụng nguồn nhạc lấy từ website khác.
Cụ thể hơn, các thành viên diễn đàn “Group Tinh tế” phát hiện trong bài hát “Chàng Baby Milo” trên Spotify có lồng thông điệp “Các bạn đã đến với website sonhai.info...”. Cách quảng cáo này từng rất thịnh hành tại các website cung cấp dịch vụ nhạc số.
Nhiều ồn ào xuất hiện về Spotify sau sự cố tiếng lồng: "Các bạn đã đến với website sonhai.info..."
Sự xuất hiện của đoạn thông điệp khiến nhiều người nghi ngờ Spotify rao bán nhạc có bản quyền nhưng lại lấy nội dung từ website khác. Ngoài ra, cũng có những câu hỏi về chất lượng nguồn nhạc được cung cấp bởi Spotify.
Theo thông tin từ Spotify, "Spotify Free cung cấp nhạc tiêu chuẩn 96 kbps hoặc 160 kbps trên mobile, trên web và máy tính sẽ là 160 kbps. Nếu lên Premium, bạn sẽ có nhạc 320 kbps chất lượng cao hơn". Với nghi vấn lấy nguồn nhạc “không sạch” từ các trang web khác, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức từ nhà vận hành của ứng dụng này.
So với các nền tảng nghe nhạc trực tuyến khác, Spotify nổi bật nhờ khả năng gợi ý nhạc rất chất lượng. Với tính năng cá nhân hoá playlist của người dùng dựa trên những gợi ý có sẵn (daily mixes), Spotify lúc nào cũng hiểu người dùng đang muốn gì.
Spotify hiện là nền tảng nhạc số được đánh giá rất cao nhờ khả năng học và hiểu được tâm lý người dùng để gợi ý các bản nhạc.
Trên thị trường nhạc số, đối thủ so kè với Spotify có thể nhắc tới Apple Music. Với mức giá 66.000 VNĐ/tháng, Apple Music cũng sẽ là đối thủ nặng ký với Spotify tại Việt Nam.
Tuy vậy, Spotify được đánh giá cao hơn nhờ khả năng tương thích đa nền tảng (Android, iOS, Web) thay vì chỉ iOS như ở Apple Music. Bên cạnh đó, chính sách của Spotify cũng thoáng hơn khi nhạc mới không bị khóa theo vùng.
Bỏ tiền nghe nhạc là hành động văn minh
Dù dính nghi vấn lấy nhạc từ website khác, Spotify cũng chính là nạn nhân trực tiếp của vấn nạn bản quyền. Nhiều bài viết mô tả chi tiết cách “hack” Spotify để nghe nhạc không mất tiền được chia sẻ trên các diễn đàn về công nghệ. Chúng xuất hiện chỉ ít giờ sau thông tin Spotify chính thức xuất hiện tại Việt Nam.
Spotify là nạn nhân trực tiếp của vấn nạn bản quyền ngay khi vừa xuất hiện tại Việt Nam. Nhiều diễn đàn đã chia sẻ cách "lách luật" để sử dụng Spotify miễn phí.
Việt Nam không phải là thị trường được đánh giá cao trong lĩnh vực bản quyền nội dung số. Trước tình trạng này, nhiều nhà cung cấp nội dung số nước ngoài đã đưa ra các gói dịch vụ với giá bán rất rẻ tại Việt Nam.
Gói dịch vụ cơ bản của Netflix hiện có giá 180.000 VNĐ/tháng. Với iFlix, mức phí sử dụng dịch vụ hiện là 45.000 VNĐ/tháng. Chính sách tương tự cũng được áp dụng khi Spotify đưa ra mức giá dịch vụ chỉ 59.000 VNĐ, rẻ bằng 1/5 so với ở các nước Châu Âu.
Đây là cách mà các doanh nghiệp nước ngoài thích nghi khi đặt chân đến thị trường các quốc gia đang phát triển, nơi mà thu nhập bình quân đầu người còn đang ở mức thấp. Ở khía cạnh khác, giá dịch vụ thấp sẽ góp phần làm thay đổi thói quen sử dụng hàng “free”.
Về lâu về dài, người dùng sẽ dần có thói quen trả tiền khi sử dụng các dịch vụ nội dung số. Đây cũng là cách để người dân có ý thức trong việc sử dụng bản quyền. Tại Việt Nam, chưa phải ai cũng hiểu rằng, bỏ tiền nghe nhạc là hành động văn minh.
Nguồn vietnamnet